Kỳ I: Những khoảng tối sâu hun hút trong quán cà phê “cô đơn”

Ngọc Lài

Đằng sau những quán cà phê “cô đơn” là những phận đời, phận người nương gửi. Họ gạt bỏ cả lòng tự trọng, liêm sỉ, thậm chí là nhân phẩm và danh dự một bên để đổi lấy cuộc mưu sinh cho con cái, gia đình. Họ đáng giận, nhưng cũng rất đáng thương.

Giải mã mật khẩu cà phê “cô đơn”

Dọc theo nhiều tuyến đường giáp ranh huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TPHCM) và huyện Đức Hòa (Long An) hoặc trên tuyến quốc lộ, liên tỉnh xuôi về miền Tây, nhiều quán cà phê “cô đơn” được dựng lên tạm bợ. Quán nhỏ như một ki-ốt bán hàng ở chợ hoặc chỉ bằng một phòng trọ bình dân.

Phía trước quán, chủ nhân bày hai cây dừa kiểng, một bảng hiệu đơn sơ, vài dây đèn mờ nhấp nháy. Nhiều quán còn phủ bạt nhựa hoặc làm hàng rào B40 bên ngoài. Bảng hiệu của cà phê “cô đơn” rất đơn giản, thường gắn với tên của phụ nữ như: Hằng Nga, My My, Tuyết Sương, Thu Cúc, Mộng Mơ… và giới thiệu dịch vụ bán cà phê, nước giải khát hoặc cà phê…

Cà phê “cô đơn” xuất hiện nhiều và dày đặc ở khu vực có khu công nghiệp hoặc những tuyến đường xa hơn. Trên đường ĐT 830, gần khu công nghiệp Tân Đức (xã Hựu Thạnh, Đức Hòa), một dãy quán cà phê trá hình nằm san sát nhau như những ki-ốt bán hàng ở chợ. Bên trong một quán cà phê đã mở cửa, một phụ nữ có thân hình đẫy đà trong chiếc váy suông rộng màu hồng đứng vươn vai, ngáp dài.

"Cà phê "cô đơn" chỉ có bóng tối mù mờ và những nụ cười, cái vẫy tay mời gọi.

Những quán bên cạnh khép kín cửa, không một bóng người, ngay cả hiên nhà cũng phủ bạt nhựa màu đen che chắn. Một người dân sống gần đó tiết lộ, mỗi quán đều có một phụ nữ từ nơi khác đến bán cà phê, nước giải khát. Chủ quán không ló mặt ra ngoài, không giao du với người địa phương.

“Lâu lâu, tôi thấy họ ra ngoài mua thức ăn. Mỗi ngày, khoảng 9-10h sáng, họ mở cửa bán hàng, đến tối khuya mới đóng cửa. Khách vào quán toàn đàn ông, chủ yếu làm công nhân, thợ hồ… ăn mặc bình dân. Khách vừa bước vào quán uống nước, chủ quán liền ra đóng cửa lại. Nói vậy, chắc chị cũng hiểu họ bán cái gì rồi…”, anh Nguyễn T.N., ngụ xã Hựu Thạnh trò chuyện bằng ngữ điệu hài hước.

Cũng theo anh N., khách vào quán không uống nước mà chủ quán cũng không có thời gian pha cà phê. Nếu có người đi đường ghé vào mua cà phê, họ sẽ nói “hết rồi”, chỉ có nước ngọt, nước suối. Khi không có khách, họ ngồi ghế bấm điện thoại giết thời gian.

Những tiếng thở dài giữa “điểm đen”

Video: Những quán cà phê cô đơn rải rác trên nhiều tuyến đường ở Long An

Video: Những quán cà phê "cô đơn" rải rác trên nhiều tuyến đường ở Long An.

Phóng tầm mắt vào bên trong quán cà phê “cô đơn” M.M. trên địa bàn ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc (huyện Đức Hòa), chúng tôi nhìn thấy khoảng tối sâu hun hút và một người phụ nữ trung niên ngồi chống tay lên cằm, mắt hướng ra đường lớn như chờ đợi ai đó. Kế bên M.M., một quán khác mang bảng hiệu N.H., nữ chủ nhân sở hữu ngoại hình bắt mắt trong bộ đồ ngủ màu hồng nhạt.

Chọn quán N.H., chúng tôi dừng xe trước cửa và bước vào khoảng tối mù mờ dưới ánh đèn màu nhấp nháy. Trong vai một sinh viên ngành công tác xã hội đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi xin phép nữ chủ quán cho ngồi lại trò chuyện. Người phụ nữ này nhìn chúng tôi với ánh mắt khó chịu nhưng ráng cười giả lả. Chúng tôi gọi một chai nước ngọt và khẩn khoản kéo ghế mời chị chủ quán ngồi.

Chúng tôi thắc mắc tại sao quán vắng và chỉ có một chủ quán kiêm nhân viên, chị A., chủ quán N.H. liền nói: “Tiền đâu mà thuê nhân viên, khách cũng không nhiều nên tôi làm một mình thôi. Em đến đây tìm hiểu thì chắc cũng biết sơ sơ chúng tôi bán gì rồi phải không?”. Bất giác, chị vừa lấy tay che mặt, nhìn chằm chặp về phía chúng tôi.

Chị A., chủ quán cà phê N.H. dùng tay che mặt liên tục khi nói chuyện.

Chúng tôi gật đầu, chị A. thở dài, đan hai bàn tay lại với nhau, rồi nói tiếp: “Cà phê “cô đơn” chỉ có một người làm chủ kiêm luôn tiếp viên. Khách đến, tôi lầm lũi phục vụ. Cuộc “mây mưa” kết thúc thì hai bên không còn liên quan nữa. Cả cái tên trên bảng hiệu cũng không phải tên tôi. Khách đến yêu cầu thế nào thì tôi phục vụ kiểu ấy, mát –xa hay từ A đến Z đều đáp ứng. Nếu khách nhìn không đàng hoàng, có linh cảm không tốt, tôi từ chối khéo”.

Trong lúc chị nhìn vô định ra con đường trước mặt, chúng tôi đưa mắt quanh một lượt căn nhà. Một kệ bằng sắt được bày biện đầy đủ các loại nước giải khát, nước suối đặt song song với một vách ngăn bằng ván ép. Bên trong vách ngăn có một tấm nệm đặt dưới đất, nhàu nát cũ kỹ. Khoảng hẹp phía trước, chị bày hai bộ bàn ghế nhựa cho khách ngồi uống nước. Mọi thứ đều chìm trong khoảng tối sâu hun hút. Phía khoảng tối ấy, mỗi ngày là những cuộc ngã giá diễn ra, là những tiếng thở dài của người phụ nữ, và là cả “điểm đen” nhức nhối của xã hội.

Cà phê "cô đơn" được dựng lên tạm bợ, nhỏ bằng ki-ốt hoặc phòng trọ bình dân.

Khách đi rồi, chị nằm dài trong căn nhà cấp 4 nhỏ xíu, chờ đợi vị khách tiếp theo. Những lúc vắng khách, mình chị ngồi nơi căn phòng nhỏ hẹp, tối mờ mờ. Ngoài kia tiếng xe chạy ồn ào, cuộc sống náo nhiệt. Nhưng, chị mở mắt ra, nhìn quanh, chỉ có bốn bức tường làm bạn, cả thạch sùng cũng không buồn kêu. “Buồn quá, tôi đóng cửa quán về quê chơi, về nhà đụng đâu cũng cần tiền thì có động lực làm tiếp và hết buồn ngay”, chị thở dài. Chuyện đời chị cũng như hầu hết những nữ chủ quán cà phê “cô đơn” nơi này, đều là những nốt trầm buồn, nhắc đến là rơi nước mắt.

(Còn nữa)

Hoạt động mại dâm trá hình khó kiểm soát

Ông Hà Văn Nam, Trưởng ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, cho biết: “Loại hình quán cà phê một người bán chỉ mới phát sinh gần đây ở địa phương. Từ khi nhiều khu công nghiệp được xây dựng, dân tứ xứ đổ dồn về nên xảy ra nhiều tệ nạn xã hội. Lực lượng bảo đảm an ninh trật tự mỏng nên khó lòng quản lý hết địa bàn. Những quán cà phê trá hình lại quá tinh vi, không bắt được quả tang thì không làm được gì họ”.

N.L