Nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới, viện Huyết thanh Ấn Độ đã công bố kế hoạch sản xuất hàng triệu liều vắc xin ngừa Covid-19. Hồi đầu tháng 5, ngay khi nhận được vắc xin của Đại học Oxford (Anh), công ty này đã khẩn trương đưa vào sản xuất hàng loạt. Cũng như nhiều công ty khác trên thế giới, viện Huyết thanh đang ráo riết theo đuổi cuộc đua về vắc xin: Sản xuất hàng trăm triệu liều vắc xin chủng ngừa SARS-CoV-2, ngay cả khi vắc xin này chưa chứng minh được là có hiệu quả hay không. Một canh bạc trong hành trình tìm kiếm loại vắc xin có thể giúp kết thúc cơn ác mộng Covid-19 đã và đang tiếp tục.
Nếu thắng, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành viện Huyết thanh Ấn Độ sẽ trở thành một trong những người đàn ông nổi danh thế giới. Ông sẽ có trong tay thứ mà cả nhân loại cần, có thể sản xuất với số lượng lớn hơn trước bất kỳ ai khác. Và lợi nhuận từ việc bán vắc xin sẽ là một con số khổng lồ.
Tuy nhiên, gia đình điều hành viện Huyết thanh này cũng có thể mất hàng trăm triệu USD nếu vắc xin ngừa Covid-19 mà họ đang sản xuất được chứng minh không hiệu quả. Hiện tại, viện đang chi khoảng 450 triệu USD để sản xuất hàng loạt vắc xin Oxford. Và phòng trừ trường hợp thất bại, ông Adar Poonawalla thậm chí đã phải tính tới việc điều chỉnh dây chuyền sản xuất để tiếp tục đặt cược vào loại vắc xin của hãng khác.
Công ty Ấn Độ đang nỗ lực sản xuất vắc xin ngừa Covid-19
Dẫu vậy, nhiều khoản chi trong quá trình sản xuất vắc xin của viện Huyết thanh có thể không bao giờ lấy lại được, chẳng hạn như chi phí mua các lọ chứa vắc xin và các hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất. Và khi sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, lần đầu tiên công ty của ông Poonawalla phải đưa ra những nhượng bộ bất lợi để có được sự giúp đỡ về tài chính.
Vắc xin không chỉ cần thời gian để chứng minh hiệu quả mà còn cần thời gian dài mới có thể sản xuất vì các quá trình rất phức tạp. Ý tưởng sản xuất ngay khi vẫn đang trong quá trình thử nghiệm vắc xin dường như chỉ ra đời trong bối cảnh thế giới đang ở đỉnh của cơn khát mang tên vắc xin ngừa Covid-19.
Biết là canh bạc đầy rủi ro nhưng nhiều công ty ở các nơi trên thế giới vẫn quyết dấn thân. Chuyện “được ăn cả ngã về không” chẳng còn là vấn đề đáng suy tính nữa.
Đơn cử như chính phủ Mỹ và châu Âu đã cam kết chi tới hàng tỷ USD cho việc sản xuất vắc xin. Trong đó, AstraZeneca là đối tác chính với các nhà khoa học của đại học Oxford đã chính thức ký các hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD để sản xuất vắc xin cho châu Âu, Mỹ và các thị trường khác.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 tại TP. Vũ Hán (Trung Quốc) và gây mất kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới, việc điều chế vaccine chống dịch bệnh này nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc chạy đua gay cấn nhất trong lịch sử khoa học y tế của nhân loại để tìm ra loại vắc xin phòng bệnh bắt đầu.
Trong cuộc đua này, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên tiến hành nghiên cứu và phát triển vaccine theo 5 lộ trình kỹ thuật. Đến nay, tại Trung Quốc, đã có một số loại vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng như vắc xin của viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, hay vắc xin của viện nghiên cứu chế tạo sản phẩm sinh học Vũ Hán. Hồi giữa tháng 7, Trung Quốc đã tiến hành khởi công xây dựng cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang với tổng số vốn đầu tư khoảng 360 triệu USD, hiệu suất khoảng 10 triệu liều/năm, theo South China Morning Post.
Tại Mỹ, các nỗ lực điều chế vắc xin phòng Covid-19 cũng được tăng tốc. Trong khi Công ty dược Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19, thì hãng thuốc khổng lồ Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioTech cũng đã thúc đẩy loại vắc xin tiềm năng, sau khi ghi nhận tạo ra các phản ứng miễn dịch trên người.
Ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Moscow, Sputnik V đã được đăng ký
Trong khi đó, tại Australia, hồi giữa tháng 7, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Các tình nguyện viên được tiêm hai liều trong bốn tuần và được theo dõi phản ứng trong vòng một năm.
Đáng kể nhất, ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Moscow, Sputnik V đã được đăng ký và sẽ sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn. Trước đó, Bộ trưởng Nga Murashko thông báo loại vắc xin do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ và vi sinh vật học Gamaleya của Nga phát triển đã hoàn thành mọi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Ông Kirill Dmitriev, Chủ tịch quỹ tài sản có chủ quyền RDIF của Nga nói thêm rằng, nước này đã được đặt hàng sản xuất 1 tỷ liều vaccine và dự kiến nó sẽ được sản xuất tại Brazil, khu vực Mỹ Latinh vào tháng 11. Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sớm bắt đầu tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Philippines.
Nói về lý do Nga điều chế vắc xin Covid-19 chỉ trong 5 tháng, ông Alexander Gintsburg, lãnh đạo viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Moscow cho biết, kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu vắc xin ngừa dịch Ebola và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp Nga tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng.
Thế giới hiện có hơn 100 loại vắc xin phòng Covid-19 đang được nghiên cứu và phát triển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, đây là đợt đầu tư vào nghiên cứu khoa học lớn chưa từng có trong lịch sử, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về thời điểm ra đời loại vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả.
Thậm chí, có nhà phân tích cho rằng, nước nào có vắc xin ngừa Covid-19 sẽ giống như đang sở hữu “vũ khí hạt nhân” trong thời kỳ Chiến tranh lạnh trước đây. Việc đưa ra thị trường loại vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả đầu tiên sẽ là cơ hội để chứng tỏ về năng lực nghiên cứu khoa học đạt đến trình độ cao.
Nhưng hơn hết thảy, cuộc đua sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 sẽ kết thúc với chiến thắng không thuộc về cá nhân nào. Chiến thắng ấy là của cả nhân loại. Bởi sứ mệnh của vắc xin là ngăn ngừa bệnh tật và mang lại quyền sống, quyền hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng, cuộc đua này không chỉ là vấn đề y tế, mà trong bối cảnh đại dịch trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu, ai dẫn trước trong cuộc tìm kiếm vắc xin sẽ có ảnh hưởng chính trị và chiến lược vượt trội. Việc tìm ra vắc xin phòng ngừa có thể trở thành “tài sản chiến lược” trong cuộc đại khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.
Cuộc chạy đua sản xuất vắc xin ngừa Covid thực tốn kém và nhiều rủi ro. Dẫu vậy, ông Poonawalla khảng khái tuyên bố rằng ông thấy mình và công ty có trách nhiệm phải đối diện với rủi ro này vì một mục tiêu mang tầm nhân loại.
Thu Hương