Cái lý xấu xa của “lưng gù”

Vết đen đáng xấu hổ trong nền khoa cử nước nhà từ vụ gian lận thi cử năm 2018 ở Hòa Bình lại khiến dư luận thêm một lần phẫn nộ khi bản chất “trời đánh” của các bị cáo được phơi bày tại phiên xét xử hình sự vụ án này mới đây.

Quả thực để gây ra việc tày đình, nâng điểm cho hàng chục thí sinh từ trượt thành đỗ, những cán bộ trong ngành giáo dục này hẳn phải có “gan” phì đại khác người và sự trơ tráo dị thường.

Bước chân ra khỏi cổng tòa sau khi xét xử vụ việc xấu hổ và đau xót, các bị cáo đã cười. Cười tươi là đằng khác. Rồi, giữa hai người cảnh sát áp giải, họ thậm chí vẫy tay chào người thân như thể những anh hùng giải cứu thế giới vừa trở về.

Đến trẻ con còn biết gằm mặt, cúi đầu khi làm việc sai, đằng này đường đường là những người làm trong ngành trồng người mà lại ngạo nghễ sau khi có hành vi phạm tội. Chịu! Hết sức chịu!

Nhắc lại vụ điểm thi ở Hòa Bình với ít nhất 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Có thí sinh được nâng tới 18,8 điểm để đỗ Á khoa một trường đại học danh tiếng.

Những con số khiến người có lương tri đau đớn, xót xa nhưng Diệp Thị Hồng Liên, nguyên trưởng phòng Khảo thí từng chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn Ngữ Văn, nâng điểm cho 20 thí sinh- trước vành móng ngựa, lại thản nhiên lập luận về chuyện gây tội do nể nang: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Bị cáo tin có nhiều quan chức, cán bộ cùng liên quan vụ việc, tin là “có chống lưng” nên yên tâm phạm tội. Vậy nên lời bao biện “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” cũng có cái lý của nó, chỉ có điều đó là một cái lý xấu xa, thậm chí tồi tệ.

Lời khai của bị cáo trong phiên tòa đã vẽ hình ảnh của một loạt kẻ “gù” bởi trong số những thí sinh được nâng điểm trong vụ án này là không ít là con ông nọ, bà kia. Họ có thể khác nhau về nghề nghiệp, tuổi tác nhưng giống nhau ở một điều “gù” đến trắng trợn và kinh hoàng.

Bài học thuở mới tới trường, học sinh nào cũng được nghe đó là loài sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ấy thế mà người rao giảng đạo đức ấy lại lấm bùn?

Con người bản chất lương thiện và hướng đến cái thiện là điều mặc nhiên với loài người. Vậy mà “đứng thẳng” lại bị một người trong ngành giáo dục xem là bất bình thường, là "khuyết tật" của cuộc sống? Nói được điều này chỉ có thể là kẻ thiểu khuyết trí tuệ.

Thêm một người trong ngành giáo dục tình nguyện “gù” không chỉ làm ảnh hưởng đến một kỳ thi mà còn vấy bẩn ngành vốn được trọng vọng.

T.H