Cấm cá nhân đầu tư nhà đất nước ngoài: Liệu có ngăn được việc “mua” quốc tịch và tẩu tán tài sản?

Thu Huyền

Một số chuyên gia cho rằng quy định này không có nhiều tác dụng vì vẫn có kẽ hở để lách luật, thậm chí còn có thể tạo thêm rào cản cho những cá nhân đầu tư chính đáng. Trong khi vấn đề căn cơ nhất phải là kiểm soát tài sản của cán bộ từ nguồn thu nhập đầu vào và dòng tiền ra khỏi Việt Nam.

Những ai không được mua nhà đất ở nước ngoài?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài. So với Nghị định 83/2015 thì dự thảo Nghị định mới này có một số điểm mới.

Cụ thể là, bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các trường hợp khác theo quy định Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, xuất phát từ việc luật Đầu tư năm 2020 đã quy định kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, dự thảo Nghị định này bổ sung quy định “Nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của luật Doanh nghiệp”. Điều đó có nghĩa là, riêng đối với lĩnh vực bất động sản, chỉ doanh nghiệp mới đủ điều kiện đầu tư ra nước ngoài.

Bộ KH&ĐT siết quy định đầu tư nước ngoài nhằm hạn chế người Việt đầu tư mua nhà ở nước ngoài để có quốc tịch.

Bộ KH&ĐT cho biết, quy định này nhằm hạn chế những rủi ro lách luật trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân. Theo đó, việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý Nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngoài việc bổ sung điều kiện để hạn chế cá nhân mua nhà ở nước ngoài, bộ KH&ĐT cũng bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 điều 17 luật Doanh nghiệp 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (điều 2 dự thảo Nghị định).

“Việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết, phù hợp và thống nhất với các quy định pháp luật trong nước về cán bộ, công chức, lực lượng công an, quân đội; đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề có thể tẩu tán tài sản”, dự thảo Nghị định nêu rõ.

Quy định chưa đủ chặt chẽ

Có thể thấy rõ, việc bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định này xuất phát từ thực trạng nhiều năm qua, xuất hiện thông tin cán bộ, Đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài do đầu tư tiền tại nước sở tại. Vụ việc gần đây gây xôn xao dư luận nhất phải kể đến là trường hợp của ông Phạm Phú Quốc - ĐBQH khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM. Ông Quốc bị phanh phui việc sở hữu “hộ chiếu vàng” của Cyprus bằng cách chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - đánh giá cao việc bộ KH&ĐT bổ sung quy định cấm cá nhân đầu tư ở nước ngoài mà không phục vụ cho mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, việc hạn chế cá nhân đầu tư bất động sản ở nước ngoài cần xem xét trên nhiều khía cạnh và dựa trên đánh giá tác động cụ thể.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

“Việc rà soát và bổ sung quy định để ngăn chặn tình trạng chuyển tiền không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh là việc cần phải làm. Tuy nhiên, đây là một biện pháp hành chính nên cần phải có đánh giá tác động trước khi áp dụng vào thực tiễn. Các hoạt động chuyển tiền hiện nay rất tinh vi, có thể thực hiện qua nhiều kênh như liên doanh, liên kết rồi chuyển tiền trong liên doanh, nhờ đối tác hoặc cá nhân khác chuyển tiền. Quy định nêu trong dự thảo chưa đủ chặt chẽ để có thể quản lý, kiểm soát và ngăn chặn những hành vi lách luật”, TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe (đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Nghị định này sẽ ngăn chặn được tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức… lợi dụng chính sách để kiếm lời, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, luật sư Hòe cũng cho rằng, dù luật cấm nhưng một khi đã là nhu cầu thì sẽ nảy sinh những “dịch vụ đen” cung cấp các công cụ hỗ trợ để thực hiện việc đầu tư bất động sản ra nước ngoài. Đó là điều khó tránh khỏi.

Kiểm soát thu nhập của cán bộ và dòng tiền rời Việt Nam

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, Nghị định cần bổ sung thêm các quy định về kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài, đặc biệt là chuyển ngoại tệ bằng các kênh ngầm. Việc giới hạn, kiểm soát chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nhất là chuyển ngoại tệ để mua nhà đất là cần thiết. Nhất là khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chưa đủ lớn và bền vững.

Khi bàn về việc liệu bộ KH&ĐT có thể kiểm soát được việc cấm các cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà đất nhằm “mua” quốc tịch, rửa tiền hay không, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng “hoàn toàn không dễ kiểm soát”.

“Dù Việt Nam có luật quản lý ngoại hối, chỉ cho phép chuyển tiền dưới một số điều kiện, một số công việc và đồng thời Việt Nam cũng có luật Phòng chống rửa tiền; nhưng hiện tại, có rất nhiều đồng tiền kỹ thuật số, chẳng hạn như đồng Bitcoin và các tổ chức đen giúp chuyển tiền ra nước ngoài. Vì vậy, quản lý dòng tiền chính là một trong những chìa khóa quan trọng kiểm soát việc người Việt mua nhà ở nước ngoài”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu

Vị chuyên gia này còn cho biết: Theo luật hiện hành, một người muốn mua bất động sản ở nước ngoài, nếu không phải vì mục đích kinh doanh thì không thể chuyển được một cách hợp pháp. Nếu chuyển tiền ra nước ngoài, trong phạm trù được pháp luật quy định chỉ cho phép các trường hợp như: chuyển tiền chữa bệnh, cho con du học, thanh toán thẻ tín dụng hoặc những kinh doanh được phép của Chính phủ. Như vậy, việc một cá nhân có thể chuyển được một số tiền lớn lên đến nhiều triệu USD ra nước ngoài mà ngoài các mục đích nêu trên thì chỉ có thể chuyển “ngầm” bất hợp pháp, chuyển lậu, lách luật.

Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có các quy định để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân có thể được phép đầu tư vào những loại hình bất động sản ở nước ngoài. “Có thể khuyến khích đầu tư vào bất động sản công nghiệp, đầu tư các bất động sản thương mại như trung tâm mua sắm. Việc này vừa thu được ngoại tệ về cho đất nước, vừa quảng bá được hình ảnh Việt, đưa thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài”, ông Hiếu nói và cho rằng, vấn đề cốt lõi không phải cấm là mà làm sao kiểm soát được nguồn thu nhập, làm sao cho nguồn thu nhập đầu vào phải là hợp pháp.

Theo thống kê của bộ KH&ĐT, đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có hơn 1.700 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 22,9 tỷ USD. Trong đó, vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD. Việt Nam cũng đã mở rộng đầu tư sang những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu… Nhiều nhà đầu tư Việt Nam thậm chí chuyển sang kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ các loại như viễn thông, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng...

Tránh “chặn cửa” cá nhân là nhà đầu tư chính đáng

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - cho biết, bộ KH&ĐT cần có giải pháp phù hợp bởi dự thảo Nghị định đã vô tình ngăn chặn cả những người đầu tư chính đáng.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (ảnh: Hữu Thắng).

Nghiên cứu về dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài mà bộ KH&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến để thay thế Nghị định số 83/2015, ông có đánh giá như thế nào?

Tôi đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị định lần này. Bộ KH&ĐT đã bổ sung được những điều trước đây đang tồn tại trong việc quản lý đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam và đa dạng hơn về thành phần.

Đối với quy định cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài ở lĩnh vực bất động sản, mà theo bộ KH&ĐT là nhằm ngăn chặn việc một số cá nhân Việt Nam muốn định cư, nhập quốc tịch nước ngoài, tôi thấy còn đôi chỗ chưa được chặt chẽ.

Cụ thể, theo luật pháp của một số nước, khi muốn thu hút nguồn vốn, các nước này đã cho người nước ngoài nhập tịch thông qua một số điều kiện, trong đó có các suất đầu tư bằng tiền. Pháp luật nhiều nước giao quyền sở hữu đất đai cho người dân, vì vậy nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã mua được bất động sản và thấy an tâm. Theo tôi, dự thảo Nghị định này chưa tách bạch rõ ràng, vô tình ngăn chặn luôn cả những người có nhu cầu đầu tư chính đáng.

Ông có thể nói rõ hơn về điều này không?

Khi ban hành một chính sách, quy định, nên nhìn một cách tổng thể để tránh tình trạng xây dựng luật pháp chỉ dựa vào một vài trường hợp cụ thể. Đối với tiền túi tư nhân bỏ ra đầu tư vì mục đích kinh doanh thì cũng không nên quy định quá khắt khe. Ví dụ như trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam mua bất động sản tại nước ngoài là để triển khai các dự án kinh doanh như: Nhà hàng, khách sạn, cơ sở thương mại..., nói chung là các bất động sản sinh lời thì cần khuyến khích.

Tôi cho rằng, bộ KH&ĐT cần đưa thêm các quy định về những loại hình bất động sản nào ở nước ngoài để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phép đầu tư vào. Bởi những loại hình kinh doanh ngoài nước mà đem lại ngoại tệ cho đất nước thì nên khuyến khích.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra các điều khoản quy định về việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

Ở khoản này, bộ KH&ĐT có nêu rõ về việc nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm: Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư; thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư,…

Tuy nhiên, tại khoản 4, điều 27, chương IV có nêu: “Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại khoản 2 điều 27 này không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300 nghìn đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài”. Hạn mức như vậy là không phù hợp, không nên để một mức trần như vậy mà cần phân thành nhiều mức độ cho phù hợp với từng dự án. Dự án càng lớn thì tỉ lệ phần trăm phải nhỏ hơn, như vậy mới hợp lý.

Tôi cho rằng, khi các nước có chính sách thu hút đầu tư thì ta nên tính tới các giải pháp liên kết với các nước, để góp phần ngăn chặn những người có hành vi đầu tư ra nước ngoài với mục đích nhập tịch để trốn tránh trách nhiệm trong nước.

Xin cảm ơn ông!

T.H