Phố cổ Hà Nội vốn được biết đến là nơi sầm uất, đông đúc, địa điểm lý tưởng cho nhiều du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa Việt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt khách sạn, cửa hàng cung cấp dịch vụ hoạt động cầm chừng, vắng khách, thậm chí đóng cửa.
Do đặc thù của lĩnh vực khách sạn phố cổ, hầu hết các khách sạn được thuê lại từ nhà riêng, sau đó đầu tư cơ sở vật chất trị giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Mô hình kinh doanh này diễn ra phổ biến trên thị trường. Nhiều trường hợp đầu tư số vốn rất lớn về cơ sở vật chất, tiền thuê nhà, tiền đặt cọc với số tiền đầu tư từ 20 - 30 tỷ đồng. Một số người may mắn được chủ nhà thông cảm hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng cũng có không ít trường hợp không đạt được thỏa thuận từ chủ nhà nên đành bỏ cuộc, đồng nghĩa với bỏ luôn số tiền đặt cọc trước đó. Đối mặt với dịch bệnh Covid-19, những ông chủ khách sạn này không thể ngờ có ngày rơi vào cảnh trắng tay…
Ngày 12/7, ghi nhận của phóng viên tại khu vực phố cổ Hà Nội, nhiều khách sạn từ bình dân đến 5 sao đã phải treo biển giảm giá phòng xuống một nửa, thậm chí đóng cửa tạm thời vì không đủ chi phí duy trì hoạt động.
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều khách sạn phải đóng cửa hoạt động.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Lục - Phó quản lý khách sạn La Siesta, một khách sạn thuộc tập đoàn EHG, số 27 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đây cũng là nơi từng thực hiện cách ly cho 2 du khách người Anh trên chuyến bay VN0054 - cho biết, khách lưu trú tại khách sạn chủ yếu là khách nước ngoài, khách châu Âu như Pháp, Ý (chiếm 85%), khách châu Á chủ yếu là khách Hàn Quốc. Dịch bùng phát khiến lượng khách nước ngoài bị sụt giảm nghiêm trọng.
“Hệ thống trước đây của tập đoàn là có 7 cơ sở khách sạn gồm 6 cơ sở ở Hà Nội và 1 cơ sở ở Hội An. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả cơ sở đều phải đóng cửa. Do không thể tiếp tục chi trả các chi phí, 2 cơ sở tại phố cổ Hà Nội chúng tôi đã phải trả lại mặt bằng. Các cơ sở ở Hà Nội chúng tôi mới mở cửa trở lại vào ngày 4/7, khách thuê phòng hiện tại hầu hết là khách nước ngoài bị kẹt lại hoặc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam”, ông Lục ngậm ngùi.
Theo chia sẻ của ông Lục, mức giá thuê phòng tại khách sạn đã phải giảm 60%. Số lượng nhân sự cũng bị cắt giảm khoảng 50%. Khách sạn có 50 phòng, trước dịch hoạt động 98%; ở thời điểm hiện tại chỉ hoạt động 30%, mỗi ngày duy trì được 10 phòng.
Cũng theo tìm hiểu của PV, để tạo nguồn thu trước mắt, nhiều khách sạn đã phải giảm giá cực sốc chưa từng có, chỉ 250.000 đồng/phòng - một mức giá còn thấp hơn nhiều so với giá thuê phòng tại hệ thống các nhà nghỉ trên mức bình dân ở Hà Nội.
Nói về con số “đau thương” này, ông Nguyễn Văn Tuấn - quản lý Khách sạn Gia Thịnh (số 19 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) - cho hay, đã mấy tháng nay khách sạn này mới được tiếp đón một khách người nước ngoài. Mặc dù mới mở cửa trở lại nhưng mục tiêu trước mắt là chỉ “vợt” khách trong nước đi du lịch hoặc công tác với công suất phòng hiện chỉ đạt 10%.
Không thể tiếp tục mở cửa, rất nhiều khách sạn trong khu phố cổ như: Rosa Bella Hotel Cầu Gỗ và Lương Ngọc Quyến; O'Gallery Classy (Cầu Gỗ); Bousella (Nguyễn Siêu)… chưa biết thời điểm có thể mở lại.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Tùng Lâm - Trưởng phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) - cho biết: Sự bùng phát, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế quận. Khi khách quốc tế không thể vào Việt Nam, các doanh nghiệp về lĩnh vực cơ sở lưu trú và lữ hành trên địa đều bị sụt giảm nguồn thu nặng nề.
Theo chia sẻ của ông Lâm, doanh thu ngành du lịch quý I giảm 39,71% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm sâu trong quý II. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hoàn Kiếm giảm 66.63% so với cùng kỳ và doanh thu ngành du lịch giảm 65,92%.
“Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 675 cơ sở lưu trú. Sau khi dịch Covid được kiểm soát, hiện có khoảng 200 cơ sở hoạt động trở lại, số còn lại phải đóng cửa vì không thể tiếp tục duy trì”, ông Lâm cho hay.
Chia sẻ với PV, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist, đơn vị chuyên đón khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ - đánh giá: Hạ tầng lưu trú của du lịch Việt Nam đang đón 85 triệu khách nội địa; 18,5 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, hạ tầng đón 18,5 triệu khách quốc tế nguồn thu còn hơn cả khách nội địa, nên vai trò của nguồn khách quốc tế rất quan trọng.
Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist.
Theo đánh giá của ông Thắng, ảnh hưởng dịch Covid-19 cơ hội cho các đơn vị là như nhau, ai khỏe thì trụ lại, yếu thì phải chấp nhận rời cuộc chơi. Những khách sạn phố cổ đóng cửa do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính tự lo liệu, không có chiến lược dài, làm đến đâu biết đến đó nên việc ứng phó lúng túng hơn rất nhiều. Còn những khách sạn cao cấp 4 sao, 5 sao luôn bám sát thị trường, có chiến lược dự phòng dài hạn, tìm ra nguồn tài chính để đảm bảo duy trì hoạt động tối thiểu của cơ sở lưu trú trong thời gian tương đối dài.
Cơ hội nào để thoát cơn “bĩ cực”?
“Mỗi một địa phương sẽ có mùa du lịch riêng, cần nhìn sát vào đó để làm. Thời điểm này cho đến tháng 9/2020, Hà Nội vẫn có cơ hội phát triển rất lớn vào mùa thu. Vì sao tôi nói vậy, bởi Hà Nội đẹp nhất là vào mùa thu, mùa mà người dân cả nước sẽ hướng về Hà Nội. Do vậy các đơn vị làm dịch vụ du lịch lưu trú cần phải lưu ý vấn đề này để mở cửa lại vào tháng Chín, cố gắng xúc tiến quảng cáo, đưa ra sản phẩm, ưu đãi du lịch để thu hút khách”, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist - nhìn nhận.
T.H