Cảm động chuyện chàng trai khiếm thị người Thái “mò đường” đến Việt Nam học tiếng Việt

Phong Linh

Apichit Mingwongtham - một người khiếm thị bẩm sinh cả hai mắt, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật tại Thái Lan hơn 10 năm trước. Vì tình yêu tiếng Việt, anh đã từ bỏ cuộc sống ổn định ở quê hương và tự “mò đường” đến Việt Nam để học tiếng Việt... Đó là lý do tại sao ở tuổi 35, Apichit vẫn là sinh viên của khoa Việt Nam học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.HCM). PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi thú vị với chàng trai đặc biệt này...

Mối lương duyên với tiếng Việt từ một lần vô tình nghe trên sóng phát thanh

Chào Apichit Mingwongtham, cơ duyên nào khiến một chàng trai người Thái biết đến tiếng Việt và chọn học tiếng Việt chứ không phải là một ngoại ngữ nào khác?

Tôi có duyên với tiếng Việt ngay từ lúc còn nhỏ, hồi 6 tuổi nhà tôi vô tình bắt được 1 kênh của đài Việt Nam. Lần đầu nghe tiếng Việt tôi rất tò mò và thích thú, thấy âm điệu nghe có vẻ buồn cười và tôi đọc theo.

Thật ra là “nhái giọng” theo các cô các chú phát thanh viên dù chưa hiểu gì về tiếng Việt. Theo thời gian, Việt Nam và tiếng Việt trở thành một điều gì đó đặc biệt với tôi. Tôi cũng không biết lý giải tại sao, cứ tự nhiên yêu thôi. Đến giờ, ai hỏi tôi tại sao học tiếng Việt thì câu trả lời duy nhất trong đầu tôi là bởi một chữ “duyên”.

Cuối năm 2011, trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt, tôi có quen được vài bạn người Việt qua internet. Đây là bước ngoạt quan trọng trong cuộc đời tôi. Tôi nhờ họ dạy tiếng Việt. Nhờ sự chỉ bảo của các bạn người Việt mà tôi đã bắt đầu hình thành cách phát âm và những thanh điệu trong tiếng Việt. Năm 2013, tôi lấy hết can đảm, xin nghỉ việc, gom hết tiền bạc, khăn gói đồ đạc, mò đường sang Việt Nam một mình với mục đích duy nhất: Học tiếng Việt.

Apichit nói

Apichit nhận giải Nhất cuộc thi ““Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để cậu con trai khiếm thị một mình đến một đất nước xa lạ chắc hẳn khiến ba mẹ anh rất lo lắng?

Tuy không nói ra nhưng tôi cảm nhận được sự lo lắng của ba mẹ nhưng cũng may sao, tôi đã sống xa nhà từ nhỏ nên họ cũng có phần tin tưởng vào khả năng tự lập của tôi. Đặc biệt, ba mẹ tôi đều là giáo viên nên cũng có tư tưởng tiến bộ, luôn ủng hộ khuyến khích con cái học hành.

Đam mê dẫn lối

Con đường tìm đến con chữ của chàng trai khiếm thị hẳn không hề dễ dàng, đặc biệt anh lại còn học ngoại ngữ, anh có thể chia sẻ những “nỗi đoạn trường” mà anh đã trải qua?

Là người khiếm thị hoàn toàn cả hai mắt, cuộc sống ở quê hương gần gia đình cũng đã khiến tôi nhiều lúc gặp khó khăn. Nay sống ở xứ người, ngôn ngữ khác, nền văn hóa khác, cuộc sống càng khó khăn hơn. Lúc đầu, tôi có chút không quen nhưng vì yêu thích tiếng Việt nên tôi cũng dễ dàng thích nghi.

Hành trình học tiếng Việt một cách nghiêm túc của tôi được đánh dấu bằng việc tôi sang Việt Nam và bắt đầu đăng ký khóa Tiếng Việt từ tháng 4/2013 đến 8/2014. Khi vừa mới chân ướt chân ráo sang đây, tôi vẫn còn lạ nước lạ cái lắm, may sao bạn bè người Việt mà tôi quen biết trên mạng đã không tiếc thời gian để giúp đỡ tôi, đón tôi từ sân bay, chở tôi đi hết con ngõ này đến con ngõ kia để tìm nhà trọ, đi mua sắm đồ đạc cần thiết trong phòng . Sau đó, họ còn giúp tôi trong việc ăn uống, tìm các quán ăn, thực phẩm phù hợp với tôi thậm chí còn dẫn tôi đi du lịch khắp Việt Nam, tạo điều kiện cho tôi được sống trong môi trường Tiếng Việt. Không chỉ có vậy, thầy cô và bạn bè người Việt đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình học tập.

Sau khóa học đó, tôi trở về nước, 3 năm sau (năm 2017), tôi quyết định qua Việt Nam để tham dự kỳ thi Năng lực tiếng Việt. Hai tuần trước khi thi, tôi mò mẫm sang Việt Nam một lần nữa để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này. Nhưng trớ trêu thay, qua nhiều năm, tôi vẫn chưa từng tập gõ tiếng Việt có dấu, gần đến ngày thi rồi, một lần nữa tôi lại phải nhờ đến người Việt hướng dẫn tôi cách gõ tiếng Việt có dấu. Tôi nghe và làm theo từng bước một, khi gõ xong, thì họ còn giúp tôi đọc để soát lỗi chính tả. Chính vì sự giúp đỡ của người Việt mà tôi đã đạt trình độ 6/6 (trình độ C2) trong kỳ thi năng lực tiếng Việt đó.

Cuối năm 2018, tôi quyết định đăng ký vào ngành Việt Nam học hệ chính quy của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, đối với người bình thường để học được tiếng Việt rất khó, đối với người khiếm thị còn khó khăn bội phần, vậy anh đã chinh phục môn ngoại ngữ này ra sao?

Tiếng Việt đúng là một kho tàng với nhiều ngữ pháp, câu cú đầy thách thức. Ban đầu tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình mua sách tiếng Việt. Do không nhìn thấy nên cả cuốn sách đối với tôi chẳng khác nào tập giấy trắng. Lúc đó, tôi cần có bản mềm để mang đi in thành sách chữ nổi. Tôi mang sách đi photo thành từng phần rồi nhờ bạn bè người Việt gõ thành bản mềm, nhiều bạn còn thức đêm để cố gắng cho tôi kịp có sách trước khi khóa học bắt đầu. Sau khi mọi người gõ xong, tôi lại nhờ một người bạn gom lại và in sang chữ nổi.

Lúc gõ và in xong, khó khăn lại tới bởi tôi không biết đọc chữ nổi tiếng Việt. May mắn làm sao tôi gặp được hai người thầy cùng cảnh ngộ hướng dẫn tôi cách đọc tiếng Việt từ con số 0. Cũng may tiếng Việt dùng hệ chữ la-tinh như tiếng Anh nên tôi có thể đọc được tiếng Việt sau một thời gian ngắn. Vì không thể nhìn thấy nên khi đi học tôi luôn mang theo máy ghi âm để thu lại những gì thầy cô giảng trong lớp rồi mang về nhà ôn tập.  

Trong lúc thi cử, với bài thi trắc nghiệm, tôi nhờ giáo viên đọc đáp án để mình chọn. Với bài thi viết, thay vì nộp bài viết tay, tôi gõ máy tính gửi email cho giảng viên. Hai năm học đại học, tôi luôn là sinh viên xuất sắc của khoa. Hiện tại, tôi đã thi xong tất cả các môn, chờ ngày tốt nghiệp.

Apichit Mingwongtham dạy tiếng Thái cho các bạn người Việt.

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Apichit có kế hoạch gì cho tương lai?

Trong tương lai, tôi có dự định sẽ phát triển các lớp dạy tiếng Thái cũng như kênh youtube của chính mình. Hy vọng những bài giảng của tôi sẽ giúp được nhiều bạn học viên trên con đường chinh phục tiếng Thái.

Việt nam là ngôi nhà thứ 2 của tôi. Tôi thực sự muốn ở lại lâu nhất có thể để có cơ hội được trau dồi thêm vốn tiếng Việt và giúp các bạn người Việt yêu tiếng Thái có thêm môi trường cũng như nguồn để học tiếng Thái chuẩn, thiết thực. Đó là cách tôi đáp lại sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam đã dành cho tôi.

Apichit Mingwongtham giành giải Nhất cuộc thi “Cây bút VSL (khoa Việt Nam học & Tiếng Việt) và Thư Việt Nam 2019” do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa của Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

P.L