Cấm đòi nợ thuê: Lối thoát nào cho 217 doanh nghiệp đang hoạt động?

Minh Minh

Ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Đã có 436/456 đại biểu Quốc hội (chiếm 90,27%) tham gia biểu quyết tán thành Luật này, bao gồm cả quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6. Vấn đề đặt ra là: 217 doanh nghiệp đang hoạt động đòi nợ hợp pháp trên cả nước sẽ ra sao?

Chia sẻ của người trong cuộc

Một tuần sau khi thông tin trên được công bố, tôi liên hệ làm việc với Công ty Cổ phần Thu hồi nợ Đại Nam ở địa chỉ phường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết có nắm được thông tin về việc ngành nghề kinh doanh của mình đã bị cấm, song cho đến thời điểm Luật Đầu tư mới có hiệu lực (01/01/2021) thì công ty của ông vẫn hoạt động bình thường.

“Nói bây giờ thì có giải quyết được vấn đề gì không?” – ông Huy đặt câu hỏi với tôi, rồi tự trả lời: “Thôi thì mình là doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, giờ Nhà nước cấm thì mình phải chấp hành. Tuy nhiên tôi tin rằng một thời gian nữa, điều này chắc chắn sẽ phải thay đổi. Các chuyên gia nói mãi rồi, cấm cái gì thị trường có nhu cầu thì chẳng những không cấm được mà còn làm biến tướng của nó phát sinh nhiều hơn”.

“Bản thân những công ty đòi nợ hợp pháp như chúng tôi chính là những người phản đối nạn “người xăm trổ mang dao đi đòi nợ” nhất, vì họ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của chúng tôi. Thế thì không lý do gì chúng tôi lại đi đòi nợ bằng cách thức côn đồ như vậy” – ông Huy chia sẻ.

Theo Chủ tịch công ty Đại Nam thì đây là công ty đã có bề dày hoạt động nhiều năm, bản thân ông Huy xuất thân làm công việc này đã hơn 10 năm ở TP Hồ Chí Minh. Đầu năm nay ông mới mở thêm chi nhánh ở Hà Nội, gặp đợt dịch Covid-19 nên cũng “tê liệt” hoạt động đến giờ.

“Tôi đang dự tính sẽ thành lập doanh nghiệp khác, nhưng tất cả đang phải chờ đến ngày quyết định trên có hiệu lực, xem cơ quan quản lý hướng dẫn cụ thể thế nào” – Chủ tịch công ty Đại Nam nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thu Nợ Dân An (ở phố Lê Duẩn, Hoàn Kiếm, Hà Nội), trong buổi tiếp PV Người Đưa Tin pháp luật thì nhận định, dù Quốc hội đã thông qua, nhưng không thể nói cấm là cấm ngay được.

Dân An là một trong những công ty đòi nợ thuê được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam, thành lập từ năm 2002 với mô hình gồm 1 trụ sở chính, 2 văn phòng hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quy mô khoảng 50 người. Bản thân vốn là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, hiện nay công ty đang triển khai dở dang rất nhiều hợp đồng đòi nợ với khách hàng, trong đó có những khách hàng nổi tiếng, hợp đồng giá trị rất lớn, nếu ngay lập tức phải dừng hoạt động thì sẽ không tránh khỏi hệ luỵ.

“Tôi nghĩ Nhà nước sẽ phải có hướng dẫn chi tiết, thậm chí là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không thể nói xoá bỏ là xoá bỏ ngay. Về lâu dài, tôi cho rằng rất có thể hoạt động đòi nợ thuê không biến mất hoàn toàn mà nó sẽ được chuyển đổi linh hoạt sang hình thức khác, ví dụ công ty xử lý nợ chẳng hạn. Hoặc là sẽ đến lúc phải công nhận lại dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên rút bớt quyền hạn của nó, ví dụ thế…” – ông Sơn nhận định.

Một số doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ khác khi được hỏi, đều có chung quan điểm với ông Huy và ông Sơn. Họ nói, khi pháp luật chưa cấm thì họ hoạt động có đăng ký kinh doanh đàng hoàng, trong quá trình hoạt động cũng không vi phạm pháp luật. Giờ Nhà nước muốn cấm thì phải có cơ chế hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tránh hệ luỵ đến các khách hàng và nhân sự đang ổn định.

“Theo Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

"Món nợ khó đòi" và những dự báo của chuyên gia pháp lý

Trước khi dịch vụ đòi nợ thuê bị đa số ĐBQH bấm nút thông qua việc cấm, trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, cả bên nợ lẫn bên chủ nợ đều đứng trước những rủi ro rất lớn về pháp lý vì đối tượng được thuê đòi nợ phải tạo áp lực để thu nợ, có không ít trường hợp bên đòi nợ đang đúng trở thành sai. Thậm chí, tình trạng đòi nợ thuê do các nhóm công ty, các nhóm giang hồ xã hội đen thực hiện đã trở thành một chuyên đề công tác đấu tranh của Bộ Công an trong năm 2019.

“Khi pháp luật đã chính thức cấm, thì hoặc là các công ty này phải chấm dứt hoạt động, hoặc phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh sang ngành nghề hợp pháp khác”.

(Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an)

“Theo chúng tôi, dịch vụ đòi nợ rất nhạy cảm, cần phải luật hóa với những điều kiện rất cụ thể, quy định ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ liên quan đến đối tượng đòi nợ và chính quyền địa phương khi mà tiếp nhận các thông tin. Chẳng hạn, khi công ty đòi nợ đến đề nghị trợ giúp của chính quyền địa phương để thực hiện những hợp đồng dịch vụ này, theo chúng tôi, vì tính chất nhạy cảm, diễn biến khó lường của sự việc, cần thiết phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương ở những cuộc đòi nợ này để việc đòi nợ diễn ra một cách hợp pháp” - Trung tá Đào Trung Hiếu từng đề xuất.

Còn hiện tại, ông Hiếu cho rằng, khi pháp luật đã chính thức cấm, thì hoặc là các công ty này phải chấm dứt hoạt động, hoặc phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh sang ngành nghề hợp pháp khác.

Luật sư Hoàng Ngọc Biên (đoàn luật sư TP Hà Nội, nguyên điều tra viên cao cấp cơ quan điều tra Hình sự, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) cho rằng để thay đổi một chính sách quan trọng như xoá bỏ một ngành nghề kinh doanh, cơ quan quản lý chắc chắn phải có văn bản hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện, tránh gây xáo trộn quá lớn đến thị trường cũng như về mặt xã hội, ví dụ như việc làm, người lao động…

LS Hoàng Ngọc Biên

Cùng góc tiếp cận như trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, TS Cao Vũ Minh (giảng viên khoa Luật Hành chính – ĐH Luật TPHCM, Phó tổng biên tập tạp chí Pháp lý Việt Nam) nêu quan điểm: “Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định phải “lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động”, tôi không rõ dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này có lấy ý kiến của 217 doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không?”.

TS Cao Vũ Minh

“Có khả năng họ sẽ phải giải thể doanh nghiệp, hoặc là chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, tuy nhiên nếu trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách mà có lấy ý kiến của họ thì chắc chắn sẽ có một giải pháp phù hợp trong tình hình này” – TS Cao Vũ Minh, người từng không đồng tình việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nói.

Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico)

LS Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) thì cho rằng việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể sẽ dẫn đến các hình thức “lách luật” kiểu như “uỷ quyền đòi nợ có thu phí”, “mua bán nợ không có thật” (tức là giao kết không có thật về việc mua bán nợ, chủ yếu để lấy tư cách đi đòi nợ thuê) hoặc là chức năng đòi nợ sẽ được “ẩn náu” trong các văn phòng luật sư.

“Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê dẫn tới tình trạng các công ty tài chính có thể mất vốn nhiều hơn, khiến họ ngại cho vay, vô tình khuyến khích tín dụng đen phát triển, lãi suất của các công ty tài chính, ngân hàng cũng sẽ cao hơn vì không thu hồi được nợ xấu", ông Đức lo ngại.

Đồng thời vị chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm tư vấn tài chính cho doanh nghiệp nhận định: "Với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, chúng ta đã chuyển từ việc chỉ phải quản lý 217 doanh nghiệp đòi nợ thuê hợp pháp sang phải quản lý hàng chục triệu người dân tự phát đi đòi nợ. Sẽ càng nhiều oan sai hơn vì người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, còn các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì đã được đào tạo bài bản, hoạt động theo luật pháp".

Vì sao những công ty đòi nợ thuê "sống" được thời gian qua?

PV Người Đưa Tin pháp luật đặt câu hỏi này với tất cả những lãnh đạo công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê mà tôi tiếp xúc. Kết quả, họ có chung câu trả lời rằng: Vì chúng tôi nắm được luật, chúng tôi hiểu tâm lý khách nợ và chúng tôi chuyên nghiệp. Xin giới thiệu lời chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Công ty Cổ phần Thu hồi nợ Đại Nam.

Ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Công ty Cổ phần Thu hồi nợ Đại Nam.

Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ 01/01/2021, dịch vụ kinh doanh đòi nợ sẽ bị cấm, ông tiếp nhận thông tin này thế nào?

Tôi mới chỉ tiếp nhận thông tin này qua báo chí chứ chưa nhận được thông báo chính thức của cơ quan quản lý. Nhà nước có chủ trương cấm thì dù không đồng tình, tôi vẫn phải chấp hành. Tôi đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể.

Hơn 90% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung cấm đòi nợ thuê. Lý do vì thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giang hồ đòi nợ gây mất trật tự xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi nghĩ họ chỉ muốn siết chặt lại khía cạnh an ninh trật tự của dịch vụ đòi nợ, tuy nhiên chỉ vì vậy mà cấm cả những công ty chưa từng sai phạm là vô lý. Bản thân những công ty hợp pháp như chúng tôi muốn càng siết chặt hoạt động đòi nợ tự phát, giang hồ… càng tốt, vì như vậy thì các công ty như chúng tôi càng sống khoẻ.

Nếu không dùng vũ lực thì công ty Đại Nam của ông sử dụng công cụ gì để đòi nợ? Tỷ lệ đòi nợ thành công có cao không?

Chúng tôi không bao giờ dùng vũ lực, vì giang hồ thì có giang hồ khác trị lại. Chúng tôi sử dụng trí tuệ, kiến thức pháp luật và kiến thức tâm lý để tác động vào khách nợ.

Thường thì tỷ lệ thu hồi nợ thành công của các công ty khác chỉ đạt khoảng 40-50% số vụ việc nhưng với công ty tôi thì hầu như là thành công. Nói vậy cũng không phải tự mãn rằng mình quá giỏi giang, chỉ là tôi làm gì cũng chắc chắn, vụ nào tỷ lệ thành công không cao thì tôi không nhận.

Đầu tiên bao giờ cũng phải có bước xác nhận nợ giữa ba bên: chủ nợ, khách nợ, công ty đòi nợ thuê. Để khẳng định khoản nợ là có thật đã. Phương châm của tôi là đòi nợ đồng thời phải bảo vệ quyền lợi của cả chủ nợ lẫn khách nợ, cho nên không thể nghe một chiều.

Ông vừa nói sử dụng công cụ tâm lý để đòi nợ, cụ thể là gì?

Chúng tôi đánh vào uy tín của khách nợ. Ai cũng có gia đình, công việc, danh dự, uy tín. Chúng tôi gọi điện, đến gặp gia đình, đến cơ quan, xuất hiện liên tục khiến khách nợ cảm thấy uy tín bị ảnh hưởng, không thể không trả nợ.

Đến thời điểm hoạt động đòi nợ thuê chính thức bị cấm, ông dự định bỏ nghề hay thế nào?

Tôi gắn bó với công việc này nhiều năm và tự cảm thấy mình phù hợp với nó. Rất nhiều doanh nghiệp, người lao động đã nhờ tôi mà đòi được nợ với tỷ lệ chi phí chấp nhận được là 15 – 20% giá trị khoản nợ. Tôi nghĩ tôi sẽ không bỏ nghề mà tìm kiếm một giải pháp nào đó vừa phù hợp với khả năng, kinh nghiệm của mình vừa tuân thủ quy định của pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Minh(thực hiện)