Cấm taxi ở một số tuyến phố nội đô: Có bất công cho taxi truyền thống?

Nguyễn Lâm

Để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội, sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới đây đã cho lắp các biển báo cấm xe taxi trên một số tuyến phố nội đô. Động thái trên của sở GTVT Hà Nội ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt của hiệp hội taxi Hà Nội.

Đi tìm thủ phạm gây ùn tắc giao thông

Thông tin tới PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội - cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh taxi nói riêng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, doanh thu giảm khoảng 65%. Nếu tiếp tục để biển cấm taxi sẽ càng làm gia tăng tình trạng khó khăn cho các hãng taxi truyền thống, tạo nên sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, gây bức xúc cho người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Ông Hùng nhận định: “Theo số liệu của phòng Cảnh sát Giao thông (Công an thành phố Hà Nội) vào tháng 9/2019, tổng số phương tiện xe cá nhân tại Hà Nội là 485.900 xe. Trong khi đó số xe taxi thực tế hoạt động hiện nay tại Hà Nội là gần 12.000 xe, chỉ chiếm 2,47%. Vì vậy xe taxi không phải là đối tượng gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Hơn nữa, tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng vẫn đang khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết; UBND TP.Hà Nội cấm các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người, cấm hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke, quán bar,… Như vậy thời gian này không phải là cao điểm của giao thông Hà Nội”.

Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị gỡ bỏ các biển báo cấm xe taxi đã lắp trên một số tuyến phố tại Hà Nội.

Trong khi đó, tại khoản 6, Điều 6, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/01/2020 có nêu rõ: “Xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng đỗ để đón trả khách tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị”.

Đó là chưa kể, xu thế chung của các nước phát triển hiện nay cũng như chủ trương của Chính phủ là hạn chế xe cá nhân, khuyến khích phương tiện công cộng.

Vì các lý do trên, hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng đây là thời điểm cần thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng trong việc giảm các thủ tục hành chính, giảm bớt các điều kiện kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN phát triển, vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, từ đó tạo việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trước đề xuất trên của hiệp hội taxi Hà Nội, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Từ Sỹ Sùa - chuyên gia giao thông đô thị, giảng viên cao cấp đại học Giao thông vận tải Hà Nội. Ông Sùa cho rằng, tháo gỡ biển cấm xe taxi hoạt động ở các tuyến phố tại Hà Nội là việc nên làm để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

“Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng phương tiện giao thông cá nhân bao gồm cả ô tô, xe máy trong những năm vừa qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội chứ không phải nguyên nhân do xe taxi hoạt động trong nội đô” – TS Sùa nhận định.

Để giải quyết bài toán ùn tắc này, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp hạn chế các phương tiện cá nhân, khuyến khích các phương tiện giao thông công cộng hoạt động trong giờ cao điểm và đã đạt được những hiệu quả tích cực. Nghị định 10/2020 của Chính phủ cũng nêu rõ, xe taxi được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị. Vậy tại sao chúng ta lại lắp đặt biển cấm xe taxi hoạt động tại các tuyến phố ở Hà Nội?”.

Cần một “sân chơi” bình đẳng

Sau khi Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của bộ GTVT ra đời, cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng lượng phương tiện tham gia vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử (Grab, Bee, GoJeck..., ) tăng đột biến. “Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ cũng phát sinh từ đây.

Trên thực tế hiện nay, khi việc thay biển vàng cho xe kinh doanh chưa thực hiện xong thì dường như taxi truyền thống đang bị thua thiệt hơn so với taxi công nghệ. Bởi, mặc dù cả hai đối tượng đều kinh doanh vận tải nhưng tại các tuyến phố có biển cấm taxi thì taxi truyền thống chỉ biết “đứng nhìn” taxi công nghệ thoải mái hoạt động.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc sở GTVT Hà Nội chỉ cấm hoạt động đối với taxi truyền thống mà không cấm hoạt động đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ (hay còn gọi là taxi công nghệ) là một điều bất bình đẳng, trong khi taxi truyền thống dễ quản lý hơn xe hợp đồng.

Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng xe taxi không phải là đối tượng gây nên ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh Nhật Bắc.

Theo số liệu của sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 11/2019, Sở đã cấp 40.000 phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Như vậy số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại Hà Nội hiện nay nhiều gấp 3,3 lần số xe taxi truyền thống.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia Kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cần có sự công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. “Đúng là ở thời điểm hiện tại, taxi truyền thống đang bị thua thiệt hơn so với taxi công nghệ khi hoạt động tại các tuyến phố có biển cấm xe taxi. Bởi taxi truyền thống thì ai cũng có thể nhận diện nhờ màu sắc, mào xe, biển hiệu, số điện thoại trên thân xe, còn xe công nghệ thì trông chỉ như ô tô cá nhân nên khó nhận diện hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng sau khi việc đổi biển vàng với xe kinh doanh được triển khai đồng bộ thì sẽ giải quyết được bài toán trên” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của bộ Công an về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tất cả các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8/2020. Ngoài ra, đối với các phương tiện kinh doanh đã hoạt động trước đó sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.

N.L