Cán bộ cứ đi họp… là có tiền

Chuyện lạ lùng này xảy ra tại một trường đại học, khiến bất cứ ai nghe đến cũng phải bật cười vì công việc “vất vả” kiếm tiền của một bộ phận cán bộ đang làm việc trong ngành giáo dục.

Những ngày qua, dư luận đang quan tâm đến những nội dung trong kết luận thanh tra của bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đối với những sai phạm về vấn đề tài chính và quản lý tài sản công của trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nhất, phải kể đến quy định chi họp các cuộc họp do ban giám hiệu triệu tập và chủ trì như họp giao ban, họp tập thể lãnh đạo, họp thi đua,... cho người chủ trì 200.000 đồng; thành viên và chuẩn bị nội dung 150.000 đồng.

Chưa kể đến những khoản chi không đúng tính chất nguồn kinh phí, các khoản chi không quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, không có căn cứ pháp lý; hay hàng loạt sai phạm khác bị “phơi bày” trong kết luận thanh tra, chỉ nhắc đến khoản “bồi dưỡng” cuộc họp nội bộ này, đã đủ khiến người nghe phải bật cười chua xót.

Trong lúc còn không ít đồng nghiệp trong ngành giáo dục ở một số địa phương vẫn còn tình trạng chật vật với đồng lương hằng tháng, nhưng có những người vẫn bỏ tiền túi ra đóng góp, xây dựng trường, thậm chí, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... thì ở đây, những người làm giáo dục trong môi trường đại học giữa một thành phố lớn lại chỉ nghĩ đến việc làm thế nào có thể “tận thu” từ những khoản nhỏ nhất.

Vì trong tư duy lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm nghĩ về cách đưa tiền vào túi mình, nên mới có thể “vẽ” ra những khoản chi phí hài hước đến vậy!

Nếu chỉ cần là một cuộc họp do ban giám hiệu triệu tập và chủ trì như họp giao ban, họp tập thể lãnh đạo, họp thi đua,... thì hằng năm, thậm chí, hằng tháng, có thể có biết bao cuộc họp mà ban lãnh đạo có thể thêm thắt, “vẽ” việc để làm, cũng là “vẽ” thêm một buổi gặp mặt rồi nhận chi phí.

Trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, nơi cán bộ cứ họp là... có tiền.

Khi đã đến họp chỉ nhằm “điểm mặt, gọi tên” như vậy, thì ai cũng có quyền hoài nghi về chất lượng, về những nội dung được đưa ra bình bàn, kết luận. Ai dám chắc, 100% các cuộc họp ấy đều minh bạch và chính xác là một cuộc-họp-có-ý-nghĩa!?

Không ít người sẽ nghĩ ngay đến cảnh: Các cán bộ chọn một buổi đến phòng họp, ngồi điều hòa mát lạnh, bàn bạc, chỉ trò “ba câu sáu điều” rồi nhận “chi phí đi lại”.

Mà một phần từ những khoản chi gây khó hiểu ấy lại được “tận thu” từ chính sinh viên trong trường. Chẳng hạn, trong sai phạm của trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, có đề cập đến khoản thu phí sử dụng thư viện, “thế chân” sử dụng thư viện chưa đúng quy định. Mặc dù, nhà trường đã dừng thu các khoản phí này và hoàn trả cho sinh viên đã nộp, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sinh viên không đến nhận. Đến thời điểm thanh tra, trên tài khoản còn dư số tiền 258 triệu đồng.

Đó chỉ là một ví dụ trong việc mập mờ khoản thu của sinh viên. Đáng lẽ, sinh viên đã lựa chọn môi trường đại học nào, phải được nhà trường quan tâm, hỗ trợ hết mực để học tập, nghiên cứu, thì đây, lại lợi dụng sinh viên để hưởng lợi từ những khoản nhỏ nhất. Đây là tư duy phản giáo dục!

Thử tưởng tượng, nếu nhà trường nào cũng có hình thức “bóc lột” sinh viên ở “cửa trước”, rồi lại ngay lập tức “bày biện” ra những thủ tục, những cơ hội ở “cửa sau” để tiền chảy vào túi cán bộ một cách phi lý như vậy, thì giá trị của giáo dục sẽ đi về đâu?

Trong lúc các cơ sở giáo dục đại học đang dần được trao quyền tự chủ, thì chính những tiêu cực này lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa. Các trường đại học được giao quyền tự chủ sẽ tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm…, khi chưa thể tự mình răn mình, tự mình trị mình, thì đâu thể làm tốt vai trò này.

Mong rằng, dư luận sẽ có cơ hội để quên đi những câu mỉa mai, châm biếm mà cộng đồng mạng từng rêu rao mỗi khi nhắc đến cán bộ: “Năng mưa thì giếng năng đầy - Càng năng đi họp, càng dày phong bao”.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng của THE

Thứ 5, 22/04/2021 | 06:58
Nếu như năm 2020, Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong bảng xếp hạng của THE, thì năm 2021 đã có 4 cơ sở giáo dục được xếp hạng.

Top 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt bảng xếp hạng của THE

Thứ 5, 11/03/2021 | 09:46
Việt Nam tiếp tục có 3 cơ sở giáo dục đại học có tên trong bảng xếp hạng đại học dành cho các nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education.