Cán bộ đánh bạc tại trụ sở: Xử lý nghiêm để không còn “con sâu làm rầu nồi canh”

Hương Lan

“Chỉ trong vòng 2 ngày, tại Thanh Hóa đã có 2 vụ đánh bạc liên quan đến cán bộ cấp sở, huyện bị bắt quả tang - Điều đó cho thấy sự tha hóa, vi phạm đạo đức công vụ nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm”, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm.

Một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất

PV: Sau khi hàng loạt cán bộ dính vào vòng lao lý vì đánh bạc, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản gửi các cấp chính quyền yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Ông nhận định sao về động thái này của Tỉnh ủy Thanh Hóa?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Cờ bạc là 1 trong những tệ nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Thời gian qua, báo chí đã phản ánh kịp thời về thực trạng này, thông tin về các vụ việc cũng được minh bạch hơn, chỉ rõ sai phạm và xử lý không có vùng cấm.

Việc cán bộ đánh bạc ở trụ sở là vi phạm đạo đức công vụ, sống thiếu chuẩn mực cần phải xử lý nghiêm. Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có văn bản gửi các cấp chính quyền yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ là việc làm cần thiết, cấp bách thúc đẩy các đơn vị quản lý cán bộ xử lý nhanh hơn, rốt ráo, nghiêm khắc hơn…

ĐBQH Phạm Văn Hòa

PV: Chỉ trong ít ngày, 2 vụ việc liên quan đến cán bộ tại Thanh Hóa bị bắt quả tang đánh bạc tại trụ sở và nhà riêng gây chú ý trong dư luận xã hội. Phải chăng, 1 bộ phận cán bộ không vượt qua được sự cám dỗ, thưa ông?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Thời gian vừa qua, tại Thanh Hóa liên tiếp xảy ra nhiều vụ cán bộ bị xử lý liên quan đến tệ nạn cờ bạc, đây là sự tha hóa của 1 bộ phận cán bộ, đã vi phạm những điều cấm mà cán bộ, đảng viên không được làm. Cán bộ là người am hiểu pháp luật mà lại… phạm luật là không thể chấp nhận được.

Cán bộ đánh bạc tại trụ sở không nhiều, không phổ biến, chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của người dân với cơ quan công quyền. Mỗi cán bộ phải nêu gương, trung thực, gương mẫu, có chuyên môn, có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức trong sáng khi thực thi công vụ.

Theo tôi, chính quyền địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên. Hàng năm, chúng ta vẫn mở 1 lớp chuyên đề học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ. Qua đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tự trau dồi đạo đức của bản thân, trong từng cử chỉ, hành động...

Giám sát chặt, xử lý nghiêm

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cán bộ sống lệch chuẩn cần có hình thức xử lý nghiêm minh, thậm chí loại khỏi cơ quan công quyền. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Những cán bộ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của pháp luật (xử lý về mặt Đảng sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng, về mặt chính quyền sẽ bị kỷ luật cách chức, thậm chí xử lý hình sự- PV). Theo tôi, đã là vi phạm những điều cán bộ, đảng viên không được làm cần phải xử lý răn đe.

Cán bộ là phải gương mẫu, không thể ỷ mình là cán bộ, là “quan” nên muốn làm gì thì làm là không được, sẽ ảnh hưởng đến những cán bộ, công chức tốt. Những trường hợp này, khi bị phát hiện sai phạm hoặc có nghi vấn sai phạm cần loại bỏ, không bố trí vào những vị trí cán bộ quản lý.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc. Ảnh: T.L

PV: Công tác quản lý cán bộ đôi lúc, đôi nơi vẫn còn lỏng lẻo, còn có tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” - Đó có phải là hệ lụy dẫn đến việc cán bộ “lách luật” vi phạm, thưa ông?

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Ngoài việc tuyên truyền nhận thức, ý thức cho cán bộ, đảng viên thì phải đẩy mạnh công tác giám sát đối với hoạt động của từng đảng viên để có biện pháp ngăn ngừa sai phạm và kịp thời xử lý. Quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn, ngăn ngừa tận gốc sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo quan điểm của tôi, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ; nhất là việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức cần thực hiện tốt các quy định những điều Đảng viên không được làm. Ngoài ra, phải thực hiện quy định về đạo đức công vụ của Chính phủ, nội quy của đơn vị công tác. Đã là cán bộ, công chức thì phải biết tiết chế, điều chỉnh hành vi của bản thân mới mong tốt được.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vào 2h sáng 1/6, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt quả tang ông Nguyễn Văn Long - Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc đang đánh bạc trong phòng làm việc tại trụ sở UBND huyện. Cùng bị tạm giữ với ông Long là 1 cán bộ cấp Trưởng phòng UBND huyện và 2 chủ doanh nghiệp khi đang cùng thực hiện hành vi đánh bạc. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Luệ - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc xác nhận sự việc trên và cho hay, ông đang chỉ đạo đại hội cơ sở, cơ quan công an mới thông báo cho ông biết, cụ thể phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Trước đó, ngày 31/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng phòng Quản lý Công chức, viên chức của sở Nội vụ Thanh Hóa. Ông Toàn bị bắt giữ vì có hành vi liên quan đến việc đánh bạc.

H.L