Cảnh báo những cái chết “dây chuyền” do khí độc từ dưới giếng

Cẩm mịch

Một người đàn ông tại Gia Lai xuống nạo vét giếng đã tử vong do ngạt khí, bốn người khác xuống cứu cũng phải cấp cứu tại bệnh viện. Vụ việc vừa xảy ra một lần nữa cảnh báo hiểm họa khí độc khôn lường. Tuy nhiên, tai nạn với khí độc hoàn toàn có thể tránh nếu chúng ta tuân thủ tốt các biện pháp bảo hộ.

Hiểm họa khôn lường

Vừa qua, phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã cứu hộ một vụ ngạt khí do nạo vét giếng cũ khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương. Theo đó, anh Siu M. (Sinh năm 1988, trú tại làng Ser Dơ Mó, xã Kông Htôk, huyện Chư Sê) leo xuống giếng cũ với mục đích vét lại giếng thì bị ngạt nằm bất động dưới đáy. Tối hôm trước, anh đã đổ xăng vào hai túi nilon rồi bỏ xuống giếng cạn, châm lửa với mục đích đốt côn trùng trước khi xuống nạo vét, nhưng hai túi xăng không cháy.

Những vụ việc tương tự đã từng xảy ra trước đây. Ngày 19/11/2017, trong quá trình nạo vét giếng để lấy nước tưới chè, ông Hứa Văn Ng. (51 tuổi, trú tại xã Văn Hán, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã bị ngạt khí. Một người xuống cứu cũng bị ngạt khí, tử vong.

Mỗi khi có những tai nạn thương tâm xảy ra, các chuyên gia lại lên tiếng cảnh báo, nhưng những sự cố vẫn còn xuất hiện trong cuộc sống. Hiểm họa từ khí độc vẫn tồn tại.

Theo TS. Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, ngạt khí luôn rình rập người dân, người lao động ở bất cứ nơi đâu. Môi trường cảnh báo nguy cơ thiếu oxy cao có thể dẫn đến tử vong là giếng, cống, bể ngầm,… Theo đó, ngạt khí dẫn đến tử vong có thể vì nhiều loại khí như: cacbon monoxit (CO), cacbon đioxit (CO2), hydro sunfua (H2S), metal (CH4). Ở môi trường thiếu oxy trầm trọng trong vòng 30 giây nếu lượng oxy cung cấp không đủ có thể khiến người bình thường bị ngất và dẫn đến tử vong chỉ sau vài phút.

Ông phân tích: “Nguyên nhân tử vong trong trường hợp này có thể là do ngạt khí H2S, vì trước đó, người đàn ông này thả túi nilon đựng xăng xuống đốt mà không cháy, tức không có oxy để duy trì sự cháy. H2S là chất khí không màu, có mùi trứng thối, được sinh ra khi các chất protein bị thối rữa trong quá trình phân hủy một số loại chất hữu cơ, trong các hầm kín, giếng cũ, đường ống nước rác, hầm tàu, khoang chứa cá,...

Đây là chất khí có đặc tính tước đoạt khí oxy rất mạnh, dễ gây ngạt. H2S là chất kích ứng, đồng thời, gây độc tế bào, tác dụng chuyển hóa, gây chết người theo cơ chế giống ngộ độc cyanua... Triệu chứng ngộ độc H2S thường rất nhanh trong vài giây, các cơ quan nhạy cảm nhất của cơ thể thiếu oxy, nạn nhân sẽ hôn mê, co giật, trụy tim mạch dẫn đến tử vong”.

Cần kiểm tra an toàn, thông khí

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc như vậy, TS. Nguyễn Kim Sơn gợi ý: “Theo dân gian, muốn biết dưới đáy giếng có an toàn hay không, trước khi xuống, người ta thường thả một sinh vật sống, có thể là gà con, chim non… xuống trong thời gian ngắn, khoảng 30 giây đến vài phút. Nếu sinh vật đó chết thì có rất nhiều khí độc như H2S.

Khi xuống hầm bioga, hầm tàu hoặc hầm để cá biển... cũng có thể có nhiều khí độc. Vì vậy, trước khi xuống những nơi đó, nên dùng quạt điện (công suất lớn như quạt công nghiệp) thổi xuống; hoặc dùng cành cây có nhiều lá, buộc dây, thả xuống giếng kéo lên, hạ xuống nhiều lần để thông khí. Sau đó, làm lại thí nghiệm thả sinh vật sống xuống để kiểm tra độ an toàn.

Để đảm bảo an toàn, khi thực hiện vệ sinh những nơi này, không nên làm một mình, cần có người ở trên quan sát người ở dưới. Những người xuống bể đeo dây bảo hiểm kết nối với dây an toàn của người ở trên và nên có quy ước theo dõi sự an toàn. Chẳng hạn, nếu thấy khó thở thì giật dây liên tục và người ở trên phải nhanh chóng kéo người ở dưới lên ngay. Trong trường hợp người xuống đầu tiên gặp tai nạn, xuống ứng cứu cũng nên cẩn trọng kiểm tra mức độ an toàn của môi trường, không nên vội vàng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, có thể tử vong theo “dây chuyền”. Tốt nhất là tuyệt đối không được tự ý xuống cứu khi chưa có đôồ phòng hộ bảo vệ (chẳng hạn như mặt nạ dưỡng khí của bộ đội phòng hóa)”.

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo thêm một số trường hợp có thể gây nguy hiểm từ khí độc tương tự: “Không có dấu hiệu đặc biệt gì cho biết dưới đáy giếng không an toàn. Đối với các giếng hẹp, sâu, lâu không sử dụng, lòng giếng chứa nhiều lá rụng hoặc rác, thì có nguy cơ cao chứa nhiều khí metal.

Vì vậy, để phòng tai nạn ngạt dưới đáy giếng gây tử vong thì cần thực hiện “thông khí” đáy giếng trước khi xuống, bên cạnh cách dùng cành cây rậm lá thả xuống tận đáy giếng rồi kéo lên nhiều lần để xáo trộn không khí đưa khí có oxy xuống dưới; có thể dùng máy đưa không khí sạch giàu oxy xuống đáy giếng trước hoặc trong khi xuống giếng. Và cách tốt nhất là xuống giếng có mặt nạ phòng hộ với bình oxy và không dùng bật lửa dưới giếng.

Hiện tượng ngạt dẫn đến tử vong còn xảy ra khi xuống nạo vét, sửa bể khí bioga (sinh học), hoặc chui vào téc xăng dầu chưa được thông khí. Khi vào làm việc ở những nơi này, tốt nhất là có mặt nạ thở oxy với bình oxy đeo trên lưng. Ngoài ra, hiện tượng ngạt còn có thể xảy ra khi vào phòng hẹp đặt máy nổ trong nhà, gầm cầu thang... vì máy nổ sinh ra khí CO, khí này còn độc hơn khí metal nhiều lần. Vì vậy, cần cảnh giác thực hiện thông khí trước bằng quạt gió mạnh. Tốt nhất là đặt máy nổ nơi thoáng khí, ngoài nhà hoặc trên sân thượng xa ngoài tum cầu thang”.

Theo TS. Nguyễn Văn Khải - “Ông già Ozone”, để tránh bị ngạt khí trước khi xuống giếng sâu, bể ngầm, hầm chứa… cần phải mở toang nắp vài tiếng trước khi xuống để khí độc bay hết.

Nhiều người áp dụng cách thắp một ngọn nến thòng dây thả sát đáy, nếu lửa tắt là oxy đang rất ít, còn nhiều khí độc, không nên xuống ngay. Ngọn nến cháy sáng bình thường là dưới đáy không khí vẫn đủ oxy để thở. Tuy nhiên, cách này phải cẩn thận vì ở môi trường kín nhiều khí độc, trong đó có những khí dễ gây cháy nổ như metal.

C.M