img

Cao thủ phục chế quạt cổ đất Hà Thành và bộ sưu tập “siêu độc”

THÁI PHƯƠNG

Từ một thợ điện chuyên cần mẫn sửa chữa những chiếc quạt hỏng, ông Dương Văn Thuần, 70 tuổi, nay đã trở thành người phục chế quạt cổ có tiếng ở đất Hà Thành. Dưới bàn tay tài hoa của mình, ông đã phục chế và sở hữu một bộ sưu tập lên đến hàng trăm chiếc quạt cổ quý từ Pháp, Italia, Hà Lan, Nga...

Trước đây, nhiều người dân ở khu phố cổ khá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông cặm cụi phục hồi những chiếc quạt điện cổ ở bên hè phố Hàng Điếu (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nay khi về già, ông Thuần chuyển cửa hàng về gần nhà riêng để tiện di chuyển.

Nghề gia truyền 3 đời của gia đình

Cửa hàng của ông Thuần chỉ rộng chừng gần 10m2 nằm nép mình ở góc phố Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là nơi sửa chữa, trưng bày cũng là xưởng phục chế những chiếc quạt cổ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Không gian cửa hàng dường như không còn chút thừa thãi bởi đầy ắp những chiếc quạt cổ, những đồ nghề như mô tơ, cánh quạt... được xếp sắp gọn gàng phục vụ cho niềm đam mê của ông.

Ông Thuần kể cho chúng tôi nghe về nghề phục chế quạt cổ của gia đình. Ông tự hào mình là đời thứ ba theo nghề điện mà cha ông để lại. Ông bồi hồi chia sẻ:: “Từ thời Pháp thuộc, ông nội của tôi làm trong ngành điện, bố tôi cũng theo nghiệp của ông nội tôi. Hàng ngày, ông và bố tôi thường nhận sửa đồ điện đặc biệt sửa quạt ở nhà. Từ nhỏ, tôi đã được chứng kiến tay nghề của ông và bố nên tôi mê những chiếc quạt lúc nào chẳng hay. Đến năm 18 tuổi, tôi bắt đầu cùng gia đìnhsửa chữa quạt cổ, tính đến nay đã hơn 50 năm”.

img

Không gian cửa hiệu chuyên sửa chữa, phục chế quạt cổ của ông Thuần.

Được biết, hồi trẻ, ông Thuần từng làm ở Hợp tác xã Điện Lực Hàng Da rồi làm thợ điện, nhận quấn mô tơ, sửa chữa các loại máy phát điện... sau chuyển hẳn sang chuyên sửa chữa, phục chế quạt cổ.

Tay lấm lem sơn màu, dầu mỡ, ông Thuần mải mê xem xét chiếc quạt Marelli được sản xuất từ Italia có tuổi đời gần 100 năm mà ông đang phục chế. Công việc chính của ông hiện nay là đi tìm, sưu tầm những chiếc quạt cổ từ các nhà thờ, công sở, khách sạn, biệt thự cổ... hoặc những gia đình còn lưu giữ để về phục chế lại. Ông cũng nhận sửa chữa, phục chế những chiếc quạt có tuổi đời hàng trăm năm từ các gia đình có mong muốn lưu giữ những hình ảnh của những ngày xưa cũ.

Trước đây, khi còn cửa hàng ở phố Hàng Điếu, ông Thuần cùng anh em và người con trai làm nghề phục chế, sưu tầm chủ yếu là các dòng quạt sản xuất từ Italia, Hà Lan, Pháp và một số quạt cổ của Nhật, Mỹ, Hàn... Điều ông tiếc nuối nhất là không giữ được ngôi nhà cổ trên phố Hàng Điếu và anh em, con cháu đều đã bỏ nghề. Hiện nay, ông Thuần là duy nhất còn lại bám trụ với nghề truyền thống của gia đình.

Người “bắt quá khứ lên tiếng”….

Thực tế, quạt điện bây giờ rất ít người mang đi sửa, hỏng người ta thường thay mới. Bởi thế, khách hàng tìm đến ông Thuần đa số là khách nước ngoài,dân sưu tầm đồ cổ hoặc dân chơi quạt sành điệu.

img

Ông Dương Văn Thuần, 50 năm gắn bó với nghề phục chế quạt cổ độc nhất vô nhị Hà Thành

Đa phần những chiếc quạt đến với tay ông Thuần đều không còn nguyên vẹn, cũ kĩ và han gỉ. Để phục chế thành côngmột chiếc quạt cổ, ông phải đi sưu tập từng bộ phận từ những con ốc vít, cánh quạt cho đến mô tơ cho đủ bộ, đúng chủng loại. Nguồn hàng về của các dòng quạt cổ ngày một hiếm, nhiều khi cả tháng trời ông mới mua được một chiếc.

Biết tôi đang rất tò mò về các “báu vật”, ông Thuần hồ hởi, say mê giới thiệu từng chiếc quạt bàn, quạt trần của nhiều thương hiệu khác nhau được trưng bày trong cửa hàng. Chỉ tay lên chiếc quạt cũ tưởng như đống sắt vụn trên kệ, ông kể: “Quạt này của Hà Lan, có tuổi đời trên dưới 100 năm, cái này mà phục chế thì phải mất tầm khoảng 5 ngày. Có nhiều chiếc quạt quá lâu đời, gãy vụn hết rồi nên công tác phục chế vô cùng kỳ công”.

Theo ông Thuần, khó khăn nhất là nhiều chiếc quạt cổ có những chi tiết không còn mẫu để phục chế, ông phải dò từ những chiếc quạt khác để tìm hình dáng chuẩn của chi tiết. Sau đó, ông phải bắt tay vào hàn, tiện, uốn, nắn từng bộ phận nhỏ để cho phù hợp. Điều khó nữa là quạt cổ thường dùng nguồn điện 110V, yêu cầu đầu tiên khi bắt tay phục chế thứ hàng cổ này là phải y đổi nguồn điện sang 220 V cho tiện sử dụng.

img

Một số chiếc quạt cổ trong bộ sưu tầm của ông Thuần.

Khoe tôi chiếc quạt Marelli mà ông vừa phục chế xong, ông chia sẻ: “Chiếc này sản xuất ở Ý, tôi bán cho một vị khách đặc biệt. Tôi phải mất một tuần để đổi nguồn từ 110V lên 220V và hoàn thiện nó như bây giờ. Điều đặc biệt của chiếc quạt này là nó được làm từ đồng nguyên khối, nặng nhưng chạy êm và mát”.

Bình thường, ông Thuần phục chế một chiếc quạt mất khoảng 2-3 ngày đến 1 tuần, chiếc nào khó phải mất cả tháng trời mới hoàn thành. Công phục chế cho mỗi chiếc quạt có giá trung bình từ vài triệu đến vài chục triệu, cho nên giá thành của những chiếc quạt cổ tương đối cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để thỏa mãn niềm đam mê với những chiếc quạt đậm chất xưa. “Có nhiều dòng quạt được nhiều dân chơi quạt ưa chuộng, có cái tính ra ít cũng phải 200-300$, có cái lên đến vài nghìn USD”, ông Thuần chia sẻ.

Cũng chính vì niềm say nghề mà ông Thuần trở thành nhà sưu tầm quạt cổ có tiếng ở đất Hà Thành. Quạt bàn, quạt trần trong bộ sưu tập của ông có đến gần 700 chiếc thuộc nhiều hãng khác nhau như Marami (Italia), Marelli, Calor (Pháp), Êmi (Hà Lan)... Tuổi đời ít nhất của một chiếc quạt ông sở hữu là 100 năm.

Bằng bàn tay tài hoa của người thợ già, có những chiếc quạt ra đời cách đây hơn một thế kỷ, cánh quạt làm bằng vân gỗ đã tróc nước sơn, khung sắt bị han gỉ, bụi bẩn nay đã được phục chế bóng loáng như mới, chạy êm như ru.

 Ngoài giá trị sử dụng, những chiếc quạt còn mang giá trị tinh thần, văn hóa. Những năm gần đây, nhiều khách sạn, biệt thự cổ... mở ra kinh doanh có dùng những chiếc quạt cổ vừa để trang trí vừa để làm mát, chưa kể nhiều người cũng muốn sử dụng những chiếc quạt cổ trong không gian ngôi nhà của mình.

img

Đồ nghề phục vụ niềm đam mê của ông Thuần trưng bày khắp các góc nhà.

Qua bao nhiêu thăng trầm thời gian, người đàn ông ấy vẫn loay hoay giữa dầu mỡ, cánh quạt, ốc vít,... với niềm đam mê kì lạ. Ông Thuần cũng bảo, “sẽ làm nghề này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép, mắt không còn tinh, tay không còn khéo nữa”. Nhìn vào cửa hiệu nhà ông Thuần với những chiếc quạt cổ treo ở đó tôi luôn có cảm giác như thời gian như ngưng lại, được trở lại thời Hà Nội xưa, rộng hơn là cảm xúc về cả một thời kỳ lịch sử, bốn phương trời như hội tụ trong bộ sưu tập ở căn nhà nhỏ của ông Thuần….

““Nghề chơi cũng lắm công phu, nhiều người chơi cất công tìm tòi, sưu tầm những chiếc quạt cổ quý, giá nào họ cũng mua. Nếu là dân chơi quạt “xịn” họ thường săn những chiếc quạt “độc”, đúng hãng, có từ trăm năm trở về. Đây là một thú chơi sang trọng và cũng là nét văn hóa xưa của người Hà thành”, ông Thuần chia sẻ về thú chơi quạt cổ.

T.P

img