img

Cao tốc Bắc – Nam kém thu hút nhà đầu tư: BOT có thật sự lỗ?

Nguyễn Lâm

Lý giải về sự “vắng bóng” nhà đầu tư tại dự án cao tốc Bắc – Nam ở vòng sơ tuyển mới đây, bộ GTVT cho rằng, bên cạnh khó khăn về vay vốn tín dụng thì thực trạng làm ăn thua lỗ tại các trạm thu phí cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà tham gia. Phải chăng, kinh doanh BOT đã hết thời và BOT có thực sự lỗ như bộ GTVT đã nói?

Thiếu công khai, minh bạch tại BOT?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật về vấn đề này, TS.Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng, việc dư luận đặt ra câu hỏi về công khai, minh bạch tại các dự án BOT là điều có thể hiểu được. Bởi, lưu lượng xe tham gia giao thông thực tế tại các tuyến BOT đến nay vẫn đang là dấu hỏi mà bộ GTVT chưa thể đưa ra được câu trả lời thuyết phục.

Để giải quyết thắc mắc này, bộ GTVT từng đề xuất và được Chính phủ thông qua, cho phép áp dụng thu phí không dừng với mục đích công khai, minh bạch trong việc thu phí. Thế nhưng đến nay, cũng như một số dự án giao thông lớn khác, thu phí không dừng vẫn chưa thể xác định được ngày “về đích”, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo TS.Nguyễn Hữu Đức, sự yếu kém trong việc xây dựng phương án tài chính ban đầu giữa bộ GTVT và chủ đầu tư BOT chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng số tiền thu phí không đảm bảo như phương án tài chính ban đầu của các dự án BOT như hiện nay. Việc đưa ra phương án tài chính quá chắc chắn về lợi nhuận đã khiến ngân hàng, chủ đầu tư tin tưởng tham gia các dự án BOT. Quyết định này vô hình trung đã kéo các đơn vị rơi vào “mớ bòng bong” BOT như hiện nay.

img

Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức

Trả lời cho câu hỏi có hay không việc “mập mờ” trong công tác thu phí, quản lý tiền thu phí tại các dự án BOT dẫn tới tình trạng thua lỗ như hiện nay, ông Uông Việt Dũng – Phó Chánh văn phòng bộ GTVT khẳng định thông tin trên là không chính xác. Theo ông Dũng, ngân hàng, các tổ chức tín dụng là đơn vị cho vay vốn nên các đơn vị này giám sát rất kỹ các vấn đề về tài chính. Do kinh doanh BOT không có lãi, doanh thu bị ảnh hưởng so với phương án tài chính ban đầu nên Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản báo cáo tỷ lệ nợ xấu tại các dự án BOT.

Văn bản số 1101/NHNN-TD ngày 17/02/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nêu rõ, tính đến 31/12/2019, dư nợ tín dụng 110.673 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu 0,27%. Đặc biệt, tại 49 dự án BOT khi khai thác không đạt doanh thu dư nợ khoảng 64. 676 tỷ đồng, khả năng nợ xấu tiếp tục tăng. “Hơn nữa, việc thu phí được thực hiện khách quan với sự tham gia của bộ, ngành có liên quan nên không thể có chuyện bộ GTVT bắt tay với nhà đầu tư để thu lợi bất chính” – vị này cho biết thêm.

Nhà đầu tư đã hết “mặn mà” với dự án BOT

Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: Trong thời gian qua, hoạt động tại các dự án BOT rất phức tạp, do đó một số nhà đầu tư đã lợi dụng để kẽ hở của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là bộ GTVT để thu lợi nhuận bất chính.

img

Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ

Mới đây, qua công tác kiểm toán tại các dự án BOT, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực đầu tư BOT. Tôi cho rằng thời gian tới đây hoạt động tại các dự án BOT sẽ được quản lý rất nghiêm ngặt, các nhà đầu tư hoạt động sẽ “khó khăn” hơn rất nhiều so với thời điểm trước đây. Và chắc chắn các nhà đầu tư cũng nhìn nhận được vấn đề này nên đã không còn mặn mà tham gia đầu tư.

Đại biểu Phạm Văn Hoà đưa ra dẫn chứng, nếu trước đây, nhiều nhà đầu tư chọn cách nâng cấp xây tuyến đường hiện hữu để xây dựng các dự án BOT thì tại dự án cao tốc Bắc – Nam bắt buộc phải xây dựng đường cao tốc mới. Việc xây dựng này sẽ khiến lợi nhuận của các nhà đâu tư bị giảm đi rất nhiều và đây chính là nguyên nhân chính khiến dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam rơi vào tình trạng thiếu nhà đầu tư tham gia như hiện nay.

Nhà đầu tư gặp khó

"Các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài trong khi các đơn vị tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay ngắn hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Ngoài ra, do quy mô và tổng mức đầu tư lớn, nhu cầu vốn vay lớn (trung bình 5.170 tỷ đồng/dự án), thời gian vay vốn dài 15-23 năm. Trong khi nguồn vốn tổ chức tín dụng phải tuân thủ giới hạn cấp tín dụng, tỉ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn giảm dần. Lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm BOT bị sụt giảm, không đạt dự báo ban đầu khiến nhà đầu tư khó khăn trong việc cân bằng tài chính.

Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Quốc hội về việc điều chỉnh chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước”, ông Uông Việt Dũng nhấn mạnh.

N.L

img