CEO Nguyễn Hà Linh xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh khá gần gũi và vui vẻ, truyền nhiều năng lượng tích cực đến mọi người đặc biệt trong khoảng thời gian COVID-19, nên có lẽ chẳng mấy ai nghĩ đó là một doanh nhân trẻ đang phải “gồng gánh" trên lưng mình chuỗi 7 nhà hàng đóng cửa do giãn cách xã hội.
Trò chuyện với Hà Linh mới thực sự hiểu rõ vì sao người ta thường ví “Thương trường như chiến trường", bởi chính những người doanh nhân đã toát ra tinh thần của một chiến binh thực thụ: có nền tảng, quy tắc riêng, sự lì đòn, nhưng cũng vô cùng linh hoạt.
Không coi Covid-19 hay giãn cách xã hội là thời gian khủng hoảng, trong bài phỏng vấn gần nhất với Người Đưa Tin, bạn còn cho rằng đây là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp để nhìn lại bản thân và tập trung phát triển nội bộ, từ đó bùng nổ ngay khi trở lại? Với chuỗi Koh Yam, bạn đã làm gì để biến thách thức thành cơ hội?
Đúng vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp F&B nói chung và Koh Yam nói riêng tự cho mình thời gian để trau chuốt lại những gì mà thương hiệu còn chưa làm được trước khi có dịch.
Đặc trưng của ngành này, mở cửa mỗi ngày là lại cuốn vào guồng quay bận rộn tiếp đón khách hàng liên tục, nên có những thứ chúng tôi đã nhận ra cần phải nâng cấp, thay đổi nhưng lại không thể vì không có đủ quỹ thời gian hợp lý.
Trong 2 tháng vừa qua, tôi đã thực sự dành thời gian để nâng cấp bộ nhận diện thương hiệu của chuỗi. Tôi cho rằng, đối với mỗi thương hiệu dù bất cứ ngành nghề nào, bộ nhận diện thương hiệu là thứ quan trọng để đánh dấu sự trưởng thành của thương hiệu trong từng giai đoạn.
Hơn nữa, việc đồng bộ về mặt hình ảnh của các cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của khách hàng ra sao về sự chuyên nghiệp thương hiệu. Khi tất cả ngày càng trở nên thích ứng nhanh hơn với xu hướng thị trường, muốn phát triển mình phải gia nhập cuộc đua đó, dẫu không phải quá liên tục, nhưng cũng không được để mình nhàm chán trong mắt khách hàng.
Covid cho tôi thấy sự phát triển đầy hứa hẹn của mô hình vận chuyển đồ ăn qua nền tảng trực tuyến. Nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường rộng mở hơn trong tương lai thì buộc phải đầu tư về mặt hình ảnh bao bì, sự phát triển của các nền tảng MXH đang mạnh hơn bao giờ hết, việc khách hàng mua sản phẩm đồng ý là vì chất lượng sản phẩm, nhưng cũng cần phải đủ đáp ứng về mặt thị giác, bề ngoài có đẹp, chỉn chu thì mới gây được ấn tượng ban đầu. Như vậy vô hình đó cũng là một cách truyền thông về thương hiệu trên MXH thông qua chính kênh của khách hàng.
Bạn khá tích cực khi đứng trước những khủng hoảng, đó có phải yếu tố cốt lõi, điều kiện cần của 1 doanh nhân khi đối mặt với thách thức?
Tôi nghĩ, khi quyết định trở thành chủ một doanh nghiệp, thì mỗi một người CEO đều có trong mình sự kiên trì nhất định, đã bước chân vào kinh doanh thì đều xác định phải bền bỉ, gan lì, và không dễ suy sụp. Bởi không ai có thể lường hết trước khó khăn ập tới, nhất là những vấn đề khách quan như dịch bệnh, thiên tai nên về cơ bản vẫn phải giữ cho tinh thần của mình thật vững, đầu tàu có vững thì các toa sau mới không chệch khỏi đường ray. Doanh nghiệp có vượt qua được khó khăn hay không đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề tinh thần của người lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhìn lại con đường sự nghiệp của tôi, có những cột mốc thành tựu, cũng có những khủng hoảng, thậm chí đóng cửa, từ bỏ thương hiệu cũ - Koh Sa Mui vốn cũng rất nổi tiếng. Rồi bắt đầu thương hiệu mới, lúc “đứa con" ở thời đỉnh điểm nhất thì lại gặp dịch bệnh quật cho tơi tả, nên tôi nghĩ thời điểm này với tôi không hẳn đã là khủng hoảng.Hiện tại, tôi nhìn vấn đề với 1 tâm thế bình tĩnh hơn, đơn giản chỉ như một bước dừng an toàn, là cơ hội để tinh thần của mình lại được mài dũa nhiều hơn. Nên thay vì việc cứ chỉ ngồi ngày ngày nghe thông báo về những ca nhiễm mới, hay ngồi trực chờ xem chỉ thị có gì thay đổi hay không thì hãy tìm được việc mình cần phải làm, còn dang dở của thương hiệu mình chưa có cơ hội hoàn thiện.
Vậy dưới góc nhìn của bạn, bạn nghĩ đâu sẽ là cơ hội cho các chủ doanh nghiệp F&B khi đạt được bình thường mới?
Cơ hội thì chắc chắn không thiếu, vì tôi cho rằng F&B Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ, vẫn còn rất nhiều ngạch cho doanh nghiệp phát triển trong tương lai
Đặc biệt, đối với thị trường Hà Nội và khu vực các tỉnh sẽ đem đến nhiều hứa hẹn vì khách hàng luôn cần và muốn đón nhận thứ thị trường đang thiếu. Càng những nơi thiếu mô hình kinh doanh tử tế thì những con người tử tế trong kinh doanh mới có đất sống, những ý tưởng mới cũng sẽ được đón nhận hơn.
Hơn nữa, đây cũng là cơ hội cho các mô hình chuỗi phát triển, bởi sau dịch, chắc chắn sẽ có rất nhiều mặt bằng đẹp cho thuê với giá rẻ, điều khoản hợp đồng cũng ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, vậy nên hãy tranh thủ để ý, gom vốn, sẵn sàng tất cả ngay khi có tín hiệu mở cửa.
Tôi gọi đây là thời kỳ thanh lọc, nếu doanh nghiệp đủ sức đứng vững được qua thời gian này, tôi nghĩ thị trường sẽ tự loại bỏ rất nhiều đối thủ cạnh tranh, mà bình thường có lẽ ta sẽ mất khá nhiều thời gian để loại bỏ. Biết cách lấy khoảng thời gian này làm đà bật, tôi tin nhiều start-up thậm chí có thể trở thành “kỳ lân" trong ngành.
Liệu có công thức nào, như một bí quyết của bạn trong việc phát triển nhà hàng thành mô hình chuỗi không? Điều gì bạn cho rằng quan trọng nhất nếu doanh nghiệp xác định phát triển mở rộng nhiều hơn một nhà hàng?
Nghĩa là tôi yêu thương hiệu từ tận trong đáy lòng mình, tôi sẽ làm tất cả để đứa con của mình có thể lớn khoẻ chứ không phải lớn nhanh. Từ khi bắt đầu làm dịch vụ, tôi đã nhận quá nhiều bài học về việc “chín ép", đồng thời cũng đã quá hiểu áp lực của những vấn đề về gọi vốn, mời đầu tư, làm việc quần quật, chạy đua với thời gian để mở rộng thương hiệu một cách ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn, đem đến nhiều rủi ro như thế nào.
Thực sự, giấc mơ làm chuỗi với tôi không phải đích đến từ đầu. Bởi sau bài học với Koh Samui, thất bại trong việc nhân rộng cửa hàng, thì với Koh Yam tôi nhìn rất rõ một điều: tôi đã có độ chín hơn.
Muốn mở chuỗi, thực sự người chủ phải cảm nhận được sự đón nhận của khách hàng qua năm tháng không phải trào lưu, món ăn giữ vững chất lượng trong thời gian dài, từ đó 70% khách hàng có quay trở lại như một sự tín nhiệm. Lúc đó mới nên tự tin để nhân rộng, mở ra các cửa hàng tiếp theo.
Theo đó, khi đã có quy trình, công thức bản lề rồi thì thời gian mở rộng quy mô cửa hàng cũng từ đó được rút ngắn đi, nếu tôi mất 2 năm để mở cửa hàng thứ hai thì cửa hàng thứ 3, thứ tư chỉ cách nhau 6 tháng đến gần 1 năm.
Vậy nên, gốc rễ và quy trình rất quan trọng và phải được xây dựng bài bản từ đầu, vừa đơn giản hoá, đồng thời chỉn chu hoá để không gặp phải những vấn đề do hấp tấp. Không quan trọng mất bao lâu mới có thể kiểm nghiệm, nhưng phải chắc chắn một điều công thức đưa ra cuối cùng phải đủ sức đối mặt với những biến động của thị trường.
Trên thị trường ngày càng có nhiều cửa hàng đồ Thái, ở mọi phân khúc, vậy đâu chìa khoá khiến bạn tự tin để Koh Yam luôn giữ chân được của khách hàng kể cả sau Covid, xu hướng tiêu dùng của khách hàng sẽ có nhiều thay đổi?
Tôi vẫn hay nói với mọi người, kể cả trên các lớp giảng dạy của tôi: “Trước khi bạn có một thương hiệu, bạn phải có một sản phẩm".
Đó là điều tôi luôn tâm niệm, vậy nên sự khác biệt cốt lõi của Koh Yam cũng như thứ tôi đầu tư nhất đó là chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Năm vừa rồi, thị trường nhà hàng đồ Thái như ngôi sao mới nổi, đổ bộ ồ ạt, đặc biệt là ở Hà Nội, thậm chí những thương hiệu đồ Thái nổi tiếng tại Tp.Hồ Chí Minh cũng Bắc tiến, từ cao cấp đến bình dân, nên cạnh tranh rất nhiều từ giá cả đến hình ảnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thấy được rằng, khách hàng biết tới và sử dụng 1-2 lần, không hề quyết định việc bạn kinh doanh có thành công và lâu bền được hay không, bởi đã là xu hướng thì nó sẽ như bong bóng, đẹp đẽ, ai cũng muốn chạm vào nhưng lại không bền vững, có thể nổ bụp bất cứ lúc nào.
Nên mình càng phải vững tâm, tìm hiểu thị trường, đối thủ nhưng đồng thời cũng phải duy trì và phát triển thế mạnh của mình về mặt chất lượng.
Nói vậy, theo bạn chất lượng sản phẩm có phải chìa khoá quyết định sự thành - bại của một doanh nghiệp F&B hay không?
Sản phẩm đúng luôn là chìa khóa để thành công cho tất cả các mô hình F&B. Bởi bạn cần biết điểm đặc biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh của mình là gì, nếu nó là chất lượng sản phẩm thì có thể sẽ khiến doanh nghiệp đứng vững hơn rất nhiều.
Tôi cho rằng nếu điểm cạnh tranh là giá cả thì vẫn có thể có nơi khác rẻ hơn, đẹp thì có thể thay đổi theo thị hiếu khách hàng ngày qua ngày, cũng vẫn thể có những nơi khác đẹp xuất sắc hơn. Còn là sản phẩm họ sẽ khó để bắt chước, nếu có bắt chước được thì cũng sẽ rất tốn thời gian, trong khoảng thời gian đó ta lại phát triển thương hiệu lên một bậc khác rồi.
Điều đó đồng nghĩa với việc, bạn vẫn luôn là người đi đầu, là người ghim vào trí óc khách hàng về ấn tượng ban đầu, nên sẽ rất có lợi thế cạnh tranh nếu sản phẩm tiếp tục duy trì được chất lượng và cải tiến không ngừng.
Tuy nhiên, đó không phải điều duy nhất, điều nữa cần phải đi đôi với sản phẩm đó là bộ máy vận hành, tôi cho rằng mỗi người sẽ có điểm mạnh nhất về một mặt nào đó, nên vẫn cần có sự cộng hưởng, làm việc nhóm hợp sức từ nhiều mảng từ chuyên môn đến quản lý, rồi truyền thông, đào tạo. Đặc biệt là trong thị trường hiện đại, hội nhập như ngày nay.
Bạn từng nhận định thị trường F&B không phải cuộc chơi dành cho tất cả mọi người, tại sao lại như vậy? Phải chăng có khía cạnh nào khiến người ngoài nhìn vào sẽ dễ bị lầm tưởng đây là “một miếng bánh” dễ ăn?
Trước tiên, cuộc chơi của ngành nào về căn bản cũng không dành cho nhiều người, nhưng với F&B thì là một ngành đặc thù rất dễ gây hiểu lầm cho người ngoài khi nhìn vào, họ cho rằng ai cũng có thể dễ dàng kinh doanh với ngành này, bởi nhu cầu ăn uống hàng quán đang dần trở thành phong cách sống của người hiện đại.
Sở dĩ tôi cho rằng như vậy bởi xuất phát từ chính bản thân thôi. Hồi trẻ, tôi hay đi lê la hàng quán, nên luôn có mong muốn tự mình mở một hàng cà phê. Thực chất, đó là những suy nghĩ ngây thơ, bước vào ngành này với tâm thế không quan ngại. Ở một mặt nào đó, có lẽ đó cũng là điều hay, lợi ích rõ thấy đó là không bị chùn bước, vì bản thân đang hừng hực ý chí, không quá bận tâm quá nhiều câu hỏi hay giả thiết làm chậm đi tiến trình triển khai kế hoạch.
Nhưng, nó cũng đem lại một mặt trái đó là cảm quan về thị trường và độ hiểu sâu sắc về thị trường cũng sẽ bị thiếu đi. Chính vì vậy, tôi nghĩ mọi người nên có cái nhìn vào tỉnh táo hơn, phải đặt cả lý trí vào sở thích của mình.
Bạn cần nhìn vào tâm lý khách hàng ở chiều sâu, đừng nhìn vào xu hướng ở bề nổi và áp dụng sở thích bản thân để quyết định hướng đi cho nhà hàng, thì mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn và mang tính hiệu quả lâu dài được.
Như bạn có chia sẻ về chất lượng sản phẩm luôn song hành với chất lượng dịch vụ, vậy chất lượng dịch vụ ở đây có lẽ nằm ở đội ngũ nhân sự? Vâỵ cách bạn vận hành bộ máy nhân sự ra sao để phù hợp với mô hình kinh doanh dạng chuỗi?
Quy tắc trong đào tạo nhân sự của tôi luôn là: Điều gì bản thân mình chưa làm được thì đừng đòi hỏi chỉ dẫn người khác làm được.
Đặc biệt với ngành dịch vụ, kể cả khi mình thuê người về đào tạo cho nhân viên, thì bản thân người lãnh đạo cũng phải biết mình muốn nó sẽ vận hành như thế nào, vì thực ra các chuyên gia ở ngoài kia rất nhiều, mảng nào cũng có nhưng liệu họ có thích hợp với hướng đi của mình hay không, có phù hợp với văn hoá của doanh nghiệp hay không thì đó là điều chỉ chủ doanh nghiệp trả lời được.
Đặc biệt với Koh Yam, cốt lõi vẫn là đào tạo in-house (nội bộ) một cách bài bản, bằng chính nhân viên đã gắn bó với mình từ những ngày đầu, mình truyền lửa, truyền kinh nghiệm cho họ, đồng thời vẫn phải để họ có cơ hội, khoảng trống để phát triển công việc để họ tỏa sáng.
Tôi luôn chú trọng đào tạo đội ngũ F1 của mình như những trụ cột nhân sự, tôi luôn đặt F1 của mình trong tất cả các vị trí ở tất cả mọi cửa hàng, vì họ đôi khi lại chính là những yếu tố tạo nên linh hồn của thương hiệu. Nếu chính mình cho bản thân thời gian trưởng thành cùng thương hiệu, tích luỹ dần dần thì nhân viên của mình cũng sẽ làm được điều đó.
bạn còn tổ chức các buổi giảng dạy về kinh doanh, start-up, bạn có nhận thấy điều gì còn bất cập trong thị trường lao động ngành F&B của Việt Nam không? Qua đó bạn có muốn đóng góp ý kiến về chính sách cho việc đào tạo nhân lực?
Tôi nghĩ điều chúng ta đang thiếu để hỗ trợ cho ngành này đó là đào tạo và định hướng cho các bạn trẻ ngay từ trong trường đại học, bởi ngành này các vị trí việc làm là vô cùng phong phú.
Các trường, các tổ chức nên có thêm những buổi chia sẻ, giảng dạy từ những diễn giả có kinh nghiệm thực chiến trong mỗi ngành kinh doanh, không chỉ ở ngành F&B, để các bạn trẻ có cá nhìn thực tế nhất về thị trường. Có vậy, các bạn trẻ mới có thể có suy nghĩ đúng đắn về ngành này, không giữ một suy nghĩ “màu hồng” khi bắt đầu con đường kinh doanh, điều đó rất dễ khiến các bạn gục ngã.
Hơn nữa, khi tôi ở trong nhóm Forbes Under 30 từ năm 2016, tôi thấy tinh thần khởi nghiệp trong mọi lứa tuổi, ngành nghề là luôn hừng hực và muốn truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết ấy tới người khác. Vậy nên tôi nghĩ, nếu được, những con người đã được vinh danh ở các mảng khác nhau, có thương hiệu uy tín nên được quan tâm hơn, được các trường đại học, tiếp cận một cách đúng đắn thì có thể đem lại rất nhiều giá trị tốt cho sinh viên nói riêng và cộng đồng nói chung.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ các trường học và các doanh nghiệp nên có thêm nhiều sự liên kết, cho thêm sinh viên của mình thời gian để thực tập ở các môi trường thực tế theo mong muốn của họ, hơn là việc chỉ đi thực tập 1-2 tháng cho có đủ tín chỉ, xác nhận ra trường là xong, như vậy thời gian quá ngắn không đủ để họ làm quen và có những trang bị đủ cho mình khi ra trường.
Vậy bạn có đưa ra lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ đang muốn tham gia sân chơi này hoặc những nhà khởi nghiệp non trẻ đang muốn tìm cơ hội phát triển doanh nghiệp F&B?
Thứ nhất, cần trang bị kiến thức từ những người đã có kinh nghiệm thực chiến, đừng chỉ dừng lại ở sách vở và lý thuyết. Bởi đó là những người đã có mô hình kinh doanh trong ngành, đặc biệt mô hình kinh doanh phải có được sự thăng trầm chứ không phải đi học từ những người chỉ nghiên cứu và nói về kinh doanh, nhưng họ chưa từng xắn tay làm một mô hình cho riêng mình. Việc phát triển bản thân bằng học hỏi là tốt, nhưng việc chọn được người thầy phù hợp là quan trọng hơn cả trong giai đoạn đầu tiên.
Thứ hai, các bạn hãy trải nghiệm thật nhiều, bởi trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử, ngành F&B là ngành đòi hỏi sự trải nghiệm thì các bạn mới có được tích luỹ. Thế giới ngoài kia rất rộng lớn và phong phú, nên việc học từ thực tế và chủ động là rất quan trọng bởi nó phải trải qua nhiều năm tháng nên luôn luôn phải tranh thủ.
Cuối cùng, hãy luôn chịu khó cập nhật thị trường bằng mọi cách, từ những người xung quanh, các blog hay thị trường các nước có xu hướng phát triển giống Việt Nam. Hãy nhớ rằng, ý thức tự làm mới mình, chính là cách tạo nhiều hứng thú cho khách hàng với thương hiệu, bởi làm F&B mà không cập nhật xu hướng thị trường là đang tự đào thải chính mình trong cuộc chơi này.
NGUOIDUATIN.VN |