Chính sách miễn phí cách ly tập trung và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta. Song nếu áp dụng với vài chục nghìn người, trong đó có cả những người nước ngoài, Việt kiều, người có thu nhập cao…, thì lại là không công bằng đối với người dân nộp thuế khác.
Hơn 2 tháng qua, khi phải đối mặt với đại dịch toàn cầu là bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19), Việt Nam đã đồng lòng đồng sức chống dịch ở quy mô chưa từng có tiền lệ và đã đạt được những thành công nhất định, được quốc tế đánh giá cao.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, tính đến 21h29 ngày 26/3/2020, trên thế giới đã có 468.018 ca mắc Covid-19, với 21.180 trường hợp tử vong.
Điều đáng nói, trong số những quốc gia/ vùng lãnh thổ có số ca mắc từ 1.000 người trở lên, người ta thấy những nước dẫn đầu lại là những nước phát triển như Mỹ, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Đức, Pháp, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc…
Trong khi đó, là một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam chỉ có 153 ca mắc Covid-19 (ở mức thấp) và chưa có trường hợp tử vong.
“Lãnh đạo cương quyết”, “lực lượng lớn”, “sự chủ động và nhất quán ứng phó xuyên suốt”, “Cách ứng phó của Việt Nam được giới chức y tế đề cao”... là những nhận định mà thế giới đánh giá về hiệu quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua, được đăng tải trên tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) hôm 24/3.
Trong đó, đẩy mạnh cách ly là cách ứng phó được đánh giá là hiệu quả, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế của Việt Nam.
“Thay vì tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn (mấu chốt thành công trong chiến lược ứng phó dịch bệnh ở Hàn Quốc - vốn là quốc gia giàu có hơn), Việt Nam tập trung vào cô lập người nhiễm và truy tìm những người tiếp xúc F2 và F3” – tờ Financial Times viết.
Tuy vậy, trước tình trạng dịch bệnh tiến triển liên tục, số ca cách ly tăng chóng mặt, theo tôi Chính phủ cần điều chỉnh một số chế độ áp dụng đối với người cách ly để phân bổ nguồn lực hài hoà hơn.
Thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam cho hay, tính đến 6h00 ngày 26/3/2020, Việt Nam có 44.955 người đang được thực hiện cách ly, trong đó 26.135 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Như vậy là có tới 18.820 người đang cách ly tập trung hoàn toàn miễn phí. Đành rằng đại dịch diễn ra bất ngờ và chính sách miễn phí cách ly, điều trị thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam. Nhưng khi số ca cách ly cao đến gần 20.000 người, với nguồn lực còn hạn chế của ta, sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng “vỡ trận”.
Vậy Chính phủ nên làm gì? Theo tôi cần có 2 thay đổi như sau:
Một là, mở rộng cơ sở cách ly tập trung. Thời gian qua, hình ảnh lực lượng quân đội vào rừng căng bạt ngủ để nhường doanh trại cho người cách ly, sinh viên nghỉ học chống dịch thu dọn đồ đạc để nhường ký túc xá… trở thành hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái cùng chung sức chung lòng đẩy lùi dịch bệnh.
Song biện pháp này chỉ là ứng phó tạm thời. Quân đội là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ Tổ quốc, không thể sống thiếu thốn kham khổ quá lâu. Sinh viên cũng không thể nghỉ quá lâu, khi sinh viên đi học lại mà số người cách ly vẫn còn sẽ gây ra xáo trộn lớn.
Trong khi đó, nạn dịch đang làm ngành du lịch “mất mùa”, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ gần như “tê liệt”. Nên chăng Chính phủ chỉ đạo sử dụng khách sạn, nhà nghỉ vào mục đích cách ly tập trung song song với cơ sở y tế.
Hiện nay việc này cũng đang áp dụng rồi nhưng mới chỉ trên tinh thần tự nguyện ủng hộ của một số chủ khách sạn. Muốn thực hiện đồng bộ, có sự đồng thuận, thì phải tính đến yếu tố chi phí. Khách sạn, nhà nghỉ được thu tiền người đến cách ly với mức trần do Nhà nước quy định, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người cách ly.
Hai là, thực hiện cách ly có tính phí. Trong khi chúng ta sử dụng ngân sách, vận động doanh nghiệp, nghệ sĩ và người dân ủng hộ tiền của cho công tác phòng chống dịch Covid-19 mà lại áp dụng cách ly, điều trị miễn phí cho cả những người nước ngoài, Việt kiều, người có thu nhập cao, là không hợp lý.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nợ công còn cao, đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn mặn, dự báo mất mùa…, cuộc chiến chống dịch chưa biết khi nào kết thúc, thì việc tính phí cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 càng cần phải thực hiện sớm.
Nhưng nếu tính phí thì dựa vào đâu?
Trước hết là dựa vào Luật Ngân sách Nhà nước 2015 . Tại Điều 2 Luật này quy định, đối tượng được sử dụng ngân sách ngoài cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thì còn có “Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước”.
Tại Điểm 5 – Điều 8 Luật này cho biết, ngân sách Nhà nước được ưu tiên để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển các mặt của đời sống xã hội trong đó có y tế.
Như vậy, nên chăng chi ngân sách cho chống dịch chỉ nên áp dụng ở tầm vĩ mô như y tế dự phòng, xây dựng bệnh viện dã chiến, thù lao y bác sĩ…. Đối với cá nhân, chỉ nên miễn phí khâu xét nghiệm và cho một số ít trường hợp “có liên quan đến ngân sách nhà nước” ví dụ lãnh đạo cấp cao, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh đi du học bằng ngân sách nhà nước, v.v...
Tiếp theo là dựa vào Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Theo đó, những cá nhân có mua bảo hiểm thì được bảo hiểm chi trả.
Người nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt điều trị ở Việt Nam mà có mua bảo hiểm quốc tế thì thực hiện thu đúng, thu đủ.
Người nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt điều trị ở Việt Nam mà có mua bảo hiểm các hãng chưa liên kết với Việt Nam thì thực hiện thu đúng, thu đủ rồi lập vi bằng để họ có cơ sở thanh toán bảo hiểm khi về nước.
Người VN đi lao động ở nước ngoài, đã mua bảo hiểm, khi về Việt Nam cách ly hoặc điều trị thì thu đúng, thu đủ. Cơ quan ngoại giao, công ty đưa người đi lao động xuất khẩu có nghĩa vụ làm việc với bên đối tác để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động.
Người Việt Nam là sinh viên, học sinh, người đi nghiên cứu bằng hình thức du học tự túc, đa số thuộc gia đình có điều kiện kinh tế, phải thực hiện thu đúng, thu đủ. Cơ quan ngoại giao có trách nhiệm hỗ trợ họ làm việc với các hãng bảo hiểm mà họ đã mua (nếu có).
Các trường hợp còn lại nếu không mua bảo hiểm (cả trong nước và nước ngoài) thì phải tự chi trả mọi chi phí cách ly và điều trị.
Việc tính toán chi phí này cũng cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện của từng cá nhân . Nhà nước nên miễn phí cách ly và điều trị cho các trường hợp là thương bệnh binh, gia đình chính sách, người cao tuổi, hộ nghèo, trẻ em nghèo hiếu học…
Cuối cùng, cần tham khảo pháp luật và thông lệ quốc tế . Trên thế giới, kể cả các quốc gia giàu có cũng không miễn chi phí liên quan đến Covid-19, thậm chí có quốc gia còn áp dụng mức chi phí rất đắt đỏ.
…..
Việc mở rộng cơ sở cách ly sang hệ thống khách sạn nhà nghỉ vừa giúp “giải cứu” các cơ sở lưu trú khỏi cảnh đìu hiu, “đắp chiếu” khi du lịch mất mùa, vừa tạo thêm lựa chọn cho người cách ly trong điều kiện kinh tế của từng người.
Còn việc tính chi phí cách ly và điều trị Covid-19 sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách quốc gia đồng thời tạo được sự bình đẳng, đồng thuận trong xã hội, là nhân tố quan trọng đóng góp vào tinh thần chung sức chung lòng “chống dịch như chống giặc” hiện nay.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.