Chiêm ngưỡng những “cụ” giáng hương trăm tuổi giữa đại ngàn Tây Nguyên

HỒ HẢI NAM

Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến vùng đất hoang vu nơi có những cánh rừng nguyên sinh trải dài vô tận. Nằm ẩn mình trong những cách rừng già là những "cụ" giáng hương trăm tuổi "cô độc" hiếm hoi còn sót lại. Cũng bởi mức độ quý hiếm, giá đắt đỏ mà gỗ hương luôn là mặt hàng sốt sình sịch được giới đầu nậu săn lùng, thu mua. Vì thế, những cánh rừng xanh mướt dù được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng những cây giáng hương đại thụ dần bị "khai tử" vắng bóng nơi đại ngàn.

Hiếm hoi những "cụ" giáng hương quý

Nhắc đến Tây nguyên trong mường tượng của nhiều người, đây là vùng đất hoang sơ, đồi núi bao phủ và là nơi của những cánh rừng xanh mướt trải dài trong vô tận. Nằm thoát ẩn, thoắt hiện sâu thẳm bên trong những cánh rừng đại ngàn là những cây giáng hương trăm tuổi "cô độc" còn sót lại sau những trận càn quét của lâm tặc. Chính vì vậy, ngày nay để có thể mục sở thị được những cây giáng hương trăm tuổi là điều không hề đơn giản.

Để có thể tận mắt nhìn thấy những "cụ" giáng hương trăm tuổi thân cây nhiều người ôm không xuể, ngọn cây vút tận trời xanh PV Người Đưa Tin Pháp Luật phải di chuyển hơn 100 km ngược từ PT.Pleiku về huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) hẻo lánh. Theo một cán bộ công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang), kết quả thống kê năm 2019, trên địa bàn huyện có hàng nghìn ha rừng trải dài nhưng chỉ còn vỏn vẹn 410 cây giáng hương nằm rải rác trên địa bàn xã Krong.

Chở chúng tôi đi trên những chiếc xe máy độ chế chuyên dụng phục vụ cho việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng vừa đi anh Lê Minh Nhật (Đội trưởng đội bảo vệ rừng) vừa tự hào kể: “Ngày xưa khu vực này rừng hương mọc dày đặc, ngọn cao chót vót, tán rợp phủ xanh cả một vùng. Những ngày hè nóng bức, ngột ngạt, anh em đi tuần tra đến khu vực này đứng dưới rừng hương có thể cảm nhận được không khí mát lành lan tỏa. Những cây giáng hương tuổi đời hàng trăm năm, cây nhỏ nhất có đường kính 80 – 90cm. Những gốc “đại thụ” đường kính có thể lên đến gần 1m5, nhiều người ôm không xuể".

Nói đến đây anh Nhật lắc đầu ngao ngán: "Cũng bởi mức độ quý hiếm, giá lại đắt đỏ mà gỗ hương luôn là mặt hàng được giới đầu nậu săn lùng. Chính vì vậy, mà những cánh rừng hương xanh mướt ngày nào dù được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng dần bị "khai tử" vắng bóng nơi đại ngàn. Ở thời điểm những năm về trước thị trường sốt giá gỗ hương, "đầu nậu" khắp các nơi kéo về huyện Kbang bằng nhiều thủ đoạn đua nhau xâu xé khiến rừng hương bị cạn kiệt.

Những cây giáng hương quý hiếm có tuổi đời hằng trăm năm tuổi được lực lượng chức năng đánh số thứ tự hay phiên nhau bảo vệ nghiệm ngặt 24/24.

Trước mặt chúng tôi một con dốc dựng đứng hiện hữu, đây mới chỉ là chướng ngại vật đầu tiên mà cả đoàn phải đối mặt. Nghỉ chân dưới dốc lấy lại tinh thần, anh em chia nhau từng ngụm nước, điếu thuốc trò chuyện rôm rả. Và rồi cứ thế, từng chiếc xe máy độ chế gầm rú, nhả khói đen nghi ngút ì ạch nối đuôi nhau vượt ải một cách khó nhọc. Nhưng gian nan, hiểm trở nhất vẫn là lúc đổ dốc, lối mòn trơn trượt phủ trên bề mặt một lớp cát mỏng khiến chiếc xe cứ thế trôi tuồn tuột theo quán tính. Sau hơn 1 giờ ngồi phía sau xe chúng tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng nín thở, y hệt như vừa trải qua một trò chơi mạo cảm giác mạnh.

“Tiếng kêu cứu ” từ những cây “đại thụ”

Tiếp tục xuyên qua lõi những cánh rừng, lúc này mọi người dường như ai cũng đã thấm mệt, bỗng nghe tiếng anh Nhật hô lớn chỉ tay về hướng trước mặt: “Kia rồi, anh em có thấy ngọn cây lớn cao chót vót kia không? Đó "cụ" hương trăm tuổi "cô độc" đang vẫy chào cả đoàn đấy".

Tại một vị trí khác, chúng tôi được mục sở thị một cây giáng hương kích thước khủng ba người ôm không hết. Để giữ được những cây giáng hương đến tận ngày hôm nay lực lượng bảo vệ rừng rất gian nan vất vả, ăn dưới gốc, ngủ bên cạnh cây."

Với kinh nghiệm là một "thủ lĩnh" nhiều năm trong nghề bảo vệ rừng anh Nhật nói quả không sai. Tại vị trí anh chỉ, một cây hương cộ thụ sừng sững, thân có đường kính khoảng 1m2, ngọn cây vươn tít trời xanh. Theo như những nhân viên bảo vệ cho biết, rừng giáng hương thường mọc ở dọc triền núi, ven sông, suối. Vỏ cây hương thường có màu nâu, xám và về mùa khô thì lá sẽ rụng hết như cây chết. Từ vị trí cây hương thứ nhất, đến các cây còn lại dường như anh em trong đoàn đã thuộc lòng đường đi nên chúng tôi khá dễ dàng để tiếp cận.

Chỉ tay vào một cây giáng hương anh Nhật nhận định: "Nhìn vào phần rễ trồi lên mặt đất, phần thân to 3 người ôm không hết, chiều cao đến vài cục mét, cây hương này phải có tuổi đời hằng trăm năm. Vì mức độ quý hiếm trong diện bảo vệ nghiêm ngặt nên cây nào anh em cũng đánh số ký tự để tiện kiểm soát".

Anh Nhật nói: “Mỗi cây gỗ hương tính theo giá thị trường hiện nay hàng tỷ đồng. Bởi giá trị kinh tế rất cao, do đó những cây gỗ hương còn sót lại như là "miếng bánh" béo bở thu hút đám lâm tặc. Những năm gần đây, người dân địa phương có tập quán lấn chiếm đất rừng để làm rẫy, vô tình tạo ra những lối mòn mở cửa cho lâm tặc men theo. Không chỉ vậy, có những cây hương ngày xưa nằm khuất trong rừng sâu nay lại trơ trọi thọt lỏm trong rẫy của người dân, khiến cho lực lượng chức năng rất khó quản lý.

Trong chuyến hành trình xuyên rừng, chúng tôi cảm thấy xót xa trước khung cảnh những cây hương “đại thụ” đang bị bức tử, chết dần từng ngày. Điển hình như một gốc hương sát làng Tơ Nang, xã Krong đã bị bàn tay con người đốt cháy một phần. Theo thời gian, phần gốc cũng bị mối mọt, cây trở nên héo úa chết. Nhiều đối tượng lợi dụng đêm khuya vắng người dùng rìu chặt ngang một phần gốc để cây chết dần chết mòn theo năm tháng.

Theo Báo cáo số 32 của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa về chủ trương cho tận thu 02 cây gỗ bị ngã tự nhiên và bị cháy trên lâm phần quản lý tại khoảnh 3, Tiểu khu 94. Nguyên nhân chết là bị ngã đổ tự nhiên do mưa bão. Hai gốc hương có chiều dài khoảng 11m với đường kính mặt gốc gần 1m. Tổng khối lượng 2 cây gỗ quý là hơn 16 khối.

Nghi ngờ có sự bất thường, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra. Theo theo tài liệu cơ quan điều tra quan sát, bằng mắt thường có thể thấy trên một phần gốc cây hương đã bị cắt bằng vết cưa máy. Trên gốc cây vẫn còn để lại những vết khoan sâu vào thân cây, một số bị bịt bằng dăm gỗ. Đây cũng là thủ đoạn thường thấy của các đối tượng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép như, khoan lỗ, đổ thuốc diệt cỏ để cây chết rồi tìm cách đưa gỗ ra khỏi rừng.

Một cây giáng hương tuổi đời hằng trăm năm bị đầu độc bởi bàn tay con người. Cây giáng hương bị khoan một lỗ sâu hoắm vào tận bên trong lõi khiến cây chết dần chết mòn.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: "Gỗ hương quý hiếm nằm rải rác trên 7 tiểu khu. Tuy nhiên, lực lượng của công ty lại mỏng, anh em đang phải “gồng mình” để bảo vệ rừng hương và quản lý bảo vệ gần 8.000ha rừng tự nhiên được giao. Bên cạnh đó, những cây hương này lại nằm gần khu vực dân cư nên các đối tượng dễ dàng xâm hại. Vừa qua, chúng tôi đã có tờ trình về việc xin bổ sung thêm 10 nhân viên bảo vệ rừng với nguồn vốn hơn 800 triệu đồng nhằm tăng cường giám sát bảo vệ rừng hương, nhưng vẫn chưa được phê duyệt.”.

Có những cây giáng hương nằm cạnh lối mòn lên rừng cũng bởi giá đắt đỏ của nó mà ai cũng muốn sở hữu. Để có thể mang cây ra khỏi rừng nhiều người đã dùng dao, rìu chặt sâu vào thân cây khiến cho cây chết.

Tương tự, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kbang cho hay: “Gỗ hương là gỗ quý thuộc nhóm I, nhưng công tác bảo vệ chưa xứng với giá trị của nó. Theo đó, cây hương chỉ nằm tập trung tại xã Krong nhưng đây là rừng sản xuất và trong định hướng đến năm 2025 nó vẫn vậy. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng lân cận giá trị không bằng nhưng lại được quy hoạch về rừng đặc dụng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, các cây hương nằm rải rác ở từng vị trí khác nhau, gần khu dân cư khiến cho công tác bảo vệ, quản lý càng trở nên gian nan, thách thức hơn”.

H.H.N