Đó là lời giãi bày chân thành khi nhắc đến chiến lược ôn thi của nữ sinh Hoàng Phương Thảo (lớp 12 chuyên Địa, trường THPT Chu Văn An), tân Thủ khoa khối C tại Hà Nội, Á khoa toàn quốc.
Có một năm học đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thảo cũng giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, có những lúc cảm thấy mất động lực. “Đang được đi học, được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô vốn rất vui, bỗng dưng lại phải nghỉ Tết rồi kéo dài kỳ nghỉ thành mấy tháng, chỉ ru rú ở nhà, cả ngày nhìn vào màn hình điện thoại để học online, em cảm thấy chán và rệu rã dần… Nhưng sau đó, tự mình trấn an, phải cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi quyết định trước ngưỡng cửa mới” - Phương Thảo nhớ lại.
Nhắc đến chiến lược ôn tập của mình, Thảo bật cười chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu ôn thi, em đã mắc phải một sai lầm! Lúc đó, em tự vạch kế hoạch mỗi ngày phải ôn cả 3 môn, sáng học Văn, chiều học Địa, tối học Sử, mỗi buổi từ 2 - 3 tiếng. Em không dùng thời gian để giải lao hay thư giãn, không đi chơi với bạn bè, thậm chí, phải “cách ly”, không dám xem phim vì sợ nếu “cày” phim sẽ không học được… Tuy nhiên, mỗi buổi như vậy, em chỉ có thể tập trung trong khoảng 1 tiếng đầu, sau đó, bắt đầu lơ là.
Nhận ra do mình ôm đồm quá nhiều nên ôn thi không hiệu quả, em quyết định phải thay đổi chiến lược ôn thi, tự cho phép mình nghỉ ngơi một buổi mỗi ngày để cân bằng lại bản thân”.
Sau khi tìm được kế hoạch ôn thi phù hợp, Phương Thảo tập trung với những bí quyết riêng. “Em đầu tư thời gian cho sơ đồ tư duy để có thể hệ hống kiến thức và ghi nhớ được tốt nhất. Đối với môn Ngữ văn, em học những ý chính được giáo viên vạch ra và tự viết lại theo tư duy của mình, nhờ thế nên khi ghi nhớ cũng khá thuận lợi” - Thảo bật mí.
Với 2 điểm 10 tròn trĩnh của môn Lịch sử, Địa lý và điểm 9 môn Ngữ văn, Phương Thảo đã đạt tổng 29 điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi buổi thi kết thúc, Thảo đã so sánh và biết kết quả của 2 môn thi trắc nghiệm. Chỉ có điểm thi môn Ngữ văn là một bất ngờ lớn đối với Thảo: “Do buổi đầu tiên đi thi Văn, em bị thiếu ngủ, cảm giác đầu óc cứ lơ mơ, không được như ngày thường. Thêm nữa, đề Văn năm nay khá dài nên em phải viết rất vội vàng, không ngờ mình lại được 9 điểm. Lúc tra điểm em vẫn còn run run, hồi hộp, nhìn thấy Văn được 9, em mừng quá, “dựng” ngay bố mẹ dậy để chia sẻ niềm vui”.
Với thành tích ấn tượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phương Thảo rất kỳ vọng được vào khoa Luật Kinh tế (trường đại học Luật Hà Nội). Thảo cho rằng ngành Luật khá phù hợp với tính cách của bản thân. Bên cạnh đó, Thảo chia sẻ sẽ tận dụng thời gian rảnh để học thêm một số kỹ năng: “Có thể em sẽ học Photoshop hay Powerpoint để phục vụ cho việc thiết kế các bài thuyết trình trên lớp, bởi sau khi nhìn thấy những bài thuyết trình sinh động trên mạng, dường như em trót bị si mê…”.
Vốn dành sự yêu thích cho những môn xã hội ngay từ nhỏ, lại đặc biệt đam mê du lịch, nên Thảo quyết định “bén duyên” và gắn bó với môn Địa lý sau khi được truyền cảm hứng từ cô giáo bộ môn.
Tuy nhiên, đam mê của Thảo bước đầu lại vấp phải sự phản đối của mẹ. Từ lớp 8, Thảo đã ôn thi đội tuyển học sinh giỏi Địa và giành giải Nhất cấp quận, nhưng mẹ Thảo vẫn không mấy để tâm. Thảo lý giải: “Mẹ mong em theo đội tuyển Toán hoặc tiếng Anh, tâm lý của nhiều bậc phụ huynh vẫn thường như thế, nhưng em lại rất thích môn Địa và cũng không đủ tự tin để chạy theo môn học khác. Chính vì vậy, trong kỳ thi chuyển cấp, em đã giấu mẹ, đăng ký vào lớp 10 chuyên Địa, trường THPT Chu Văn An. Đến trước ngày thi 1 ngày, em mới tiết lộ và xin mẹ cho em học đúng sở thích”.
“Sau khi em giành giải Nhất học sinh giỏi Địa lý của thành phố năm lớp 9 và thi đỗ vào trường THPT Chu Văn An, mẹ mới dần nhận ra và ủng hộ niềm đam mê của em” - nữ sinh mỉm cười.
Nhắc đến kỷ niệm trong chặng đường học tập của con, chị Cao Thị Thanh Hà (SN 1968 - mẹ Thảo) cho biết: “Tôi nhớ nhất, khi con thi đỗ vào trường THPT Chu Văn An, lần đầu tiên con lọt top 10 và được nhận học bổng. Con gọi điện báo tin ngay khi tôi đang trên đường về quê: “Mẹ ơi, con được học bổng rồi!”. Nghe xong, tôi không giấu nổi xúc động, chỉ muốn ôm con chúc mừng ngay lập tức”.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, gia đình Thảo dự định sẽ đi du lịch, giống như một món quà cho cô nữ sinh xả stress sau kỳ thi. Tuy nhiên, mọi dự định đành gác lại, tân Thủ khoa tạm thời theo đuổi những sở thích riêng tại nhà.
Bên cạnh sở thích đi du lịch, Thảo còn mê xem các chương trình thể thao và đọc sách. Thảo tiết lộ, mình có một tủ sách riêng với những thể loại đa dạng, và đó cũng chính là nguồn năng lượng thổi sức sống cho những bài văn viết.
“Đọc nhiều sách thì cách diễn đạt cũng dần dần ngấm vào mình, em viết mượt mà hơn, tưởng tượng cũng phong phú hơn. Từ sau khi lên lớp 7, em đã không còn phải tham khảo một quyển văn mẫu nào, hoàn toàn tự viết theo cảm nhận của mình. Và em cảm thấy yêu điều đó! Nếu có cơ hội, em cũng mong sẽ viết được một cuốn sách của riêng mình” - nữ sinh tâm sự.
Cô giáo tiếc nuối khi vuột mất “chiến binh” mạnh
Cô Đỗ Thị Thanh Nga (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên Địa, trường THPT Chu Văn An) chia sẻ: “Phương Thảo là Lớp phó học tập năng động, nhiệt huyết, sáng tạo. Tôi ấn tượng với sự chăm chỉ đặc biệt ở một học sinh thông minh. Không chỉ có ý chí vươn tới những mục tiêu đã đặt ra, Thảo còn rất hòa đồng, thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong lớp. Năm lớp 12, sau khi giành giải học sinh giỏi cấp thành phố, Thảo xin rút khỏi kỳ thi cấp quốc gia để tập trung cho kế hoạch thay đổi trình độ IELTS. Tôi vẫn tiếc nuối vì “chiến binh” mạnh nhất đã không tham dự kỳ thi này, nhưng khi biết tin em đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp TPT, tôi lại vui mừng không gì diễn tả được”.
C.M