Chiến sĩ gác Lăng kể chuyện “canh cho Bác ngủ ngon giấc” và những bước chân “chuẩn từng centimet”

Lê Liên
Ảnh: Xuân Quỳnh

Những năm qua, hình ảnh 2 chiến sĩ canh gác cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm đã không còn xa lạ với những người Việt Nam. Không chỉ đứng nghiêm trang, song song với ngoại hình giống nhau như hai anh em ruột, họ còn có vô vàn câu chuyện kể về những ngày “canh cho Bác ngủ ngon giấc” khiến người nghe xúc động nghẹn ngào, nhớ Bác nhiều hơn.

Những ngày tháng khổ luyện

Nghi lễ gác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nghi lễ mang tầm cỡ Quốc gia. Chính vì thế, Đoàn 275 (Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức huấn luyện hết sức công phu. Do yêu cầu nhiệm vụ, chiến sĩ tiêu binh danh dự đứng nghiêm trong thời gian, thời tiết khắc nghiệt, thậm chí máu thường dồn xuống chân rất áp lực. Để được dứng dưới mái hiên Lăng Bác, các chiến sĩ thuộc đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 đã phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách.

Chiến sĩ Phạm Văn Điệp – Tiểu đội phó đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275 – mặc dù mới nhập ngũ được 1 năm, nhưng chiến sĩ trẻ sinh năm 2000 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng. Anh chia sẻ: “Để có thể đứng được trước cửa Lăng từ 30 đến 60 phút, người chiến sĩ phải trải qua một thời gian huấn luyện bài bản, công phủ, tập đứng bất động dưới nắng nóng trên dưới 40 độ C hoặc trời rét trên dưới 10 độ C khoảng 3 giờ liên tục.

Cũng như các nghi lễ khác, để được lựa chọn và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đặc biệt này, các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tiêu binh danh dự phải có những yêu cầu về lý lịch chính trị gia đình, bản thân rõ ràng, trong sạch; Có đạo đức, văn hóa tốt, có thể lực, quân dung đẹp, ngoại hình cân đối.

Bên cạnh nhiệm vụ tiêu binh, các nghi lễ thường xuyên tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì vào các năm chẵn kỷ niệm ngày sinh nhật Bác diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, các chiến sĩ tiêu binh Đoàn 275 còn được giao nhiệm diễu hành kỷ niệm, tham gia cùng Đoàn Nghi lễ Quân đội đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia tại Phủ Chủ tịch. Đồng thời, họ sẽ có thời gian thực hiện nhiệm vụ dài hơn vì khách viếng thăm những ngày này rất đông.

“Những ngày đầu khi luyện tập quả là thử thách khá lớn đối với tôi, vì phải tập đứng nghiêm trong 30 phút, rồi nâng lên 1 giờ, 2 giờ, cuối cùng là 3 giờ. Nếu không quen, không có sự bền bỉ, dẻo dai và tinh thần tốt thì chỉ cần đứng trong 15-20 phút, cơ thể sẽ run lên, đầu óc quay cuồng, không làm chủ được bản thân”, chiến sĩ Điệp chia sẻ.

Vinh quang con đứng bên Người

Vất vả là thế, áp lực trong quá trình luyện tập là thế, tuy nhiên khi được xếp vào đội hình chính thức thực hiện các nghi lễ tại Lăng là một điều vô cùng vinh dự và lớn lao.

“Tôi còn nhớ lần đầu tiên được đứng gác là canh giữ thi hài Bác, cảm xúc lúc đó vô cùng khó tả, vui mừng, hạnh phúc xen lẫn vinh dự và hồi hộp vì chưa bao giờ gần Bác đến vậy. Lúc ấy đứng cạnh Bác chỉ cách 20 cm quan một lớp kính. Mặc dù nhiệt độ trong phòng thi hài Bác rất lạnh nhưng dường như niềm vui quá lớn đã lấn áp đi mọi thứ”, anh Phạm Văn Điệp bồi hồi nhớ lại.

Anh Điệp chia sẻ, nhiệm vụ canh giữ thi hài Bác là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các chiến sĩ làm nhiệm vụ cao cả này phải đứng rất nghiêm trang và thường chỉ đứng trong 30 phút sẽ thay ca 1 lần. Họ làm nhiệm vụ trong giờ khách viếng thăm Bác.

Theo Thượng tá Nguyễn Dự Long - Đội trưởng Đội tiêu binh danh dự Đoàn 275 cho biết, đối với các chiến sĩ tiêu binh danh dự canh gác Lăng, mỗi ca gác đều phải chọn các chiến sĩ có chiều cao, có hình thể, có khuôn mặt tương đối giống nhau. Các chiến sĩ phải đứng nghiêm không được cười, nhưng khuôn mặt cũng không được căng thẳng quá. Gương mặt phải thể hiện được niềm tự hào khi đứng gác khiến khách tham quan không bị căng thẳng.

Mỗi ca sẽ đứng trong vòng 1 giờ đồng hồ, và khi chiến sĩ đổi gác, giờ giấc cũng phải bảo đảm chính xác tới từng giây và bước chân cũng chuẩn xác tới từng centimét. “Tốc độ đi nghiêm đổi gác trước cửa Lăng là 60 bước/phút, đi thực hiện lễ chào cờ là 106 bước/phút. Ði nghiêm đến cửa Lăng 8 bước, lên bậc tam cấp thứ nhất 5 bước, lên bậc tam cấp thứ hai thì 7 bước đi vào và 5 bước đi ra, các quy định về bước chân đề phải thực hiện nghiêm chỉnh”, Thượng tá Long cho hay.

Sự ra đời của Đoàn 275

Ngày 4/5/1976, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và lấy tên là Đoàn 969. Một đơn vị đặc biệt, làm nhiệm vụ chính trị đặc biệt là giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Đứng trong đội hình Đoàn 969, còn có Đoàn 275 làm nhiệm vụ gác canh giữ Lăng. Từ đó, nhiệm vụ cao cả kia vẫn được Đoàn 275 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gác canh giữ Lăng.

L.L - X.Q