Chủ tịch “nhờ” người cách ly Covid-19 thay: Thói “mượn người thế chỗ” đến bao giờ?

Vừa qua, thông tin về vị Chủ tịch HĐQT một công ty “nhờ” cấp dưới đi cách ly thay, đã khiến người dân cả nước phải một phen “giật mình”, khi chuyện gì cũng có thể làm thuê, làm hộ... Thói “mượn người thế chỗ” còn tiếp diễn đến khi nào?!

Những ngày qua, thông tin về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới gây ra (Covid-19) vẫn liên tục được cập nhật và kiểm soát sát sao, khiến người dân ngày một yên tâm, đồng lòng đẩy lui dịch bệnh. Tuy nhiên, chiều ngày 9/3, lại tiếp tục xuất hiện hành vi gian dối của vị Chủ tịch HĐQT công ty PĐ (một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), “nhờ” người cách ly thay, khiến cộng đồng không khỏi phẫn nộ.

Người ta bỗng “giật mình”, khi những câu chuyện “mượn người thế chỗ” vẫn đang nhan nhản xuất hiện thật “xấu xí” trong cuộc sống thường ngày. Có người thắc mắc: “Chuyện học hộ, thi thuê, chuyện đứng tên sổ đỏ hộ, đứng tên vay tiền hộ, chuyện mang thai hộ… vẫn chưa đủ bi hài hay sao mà có người lại nghĩ ra chuyện “nhờ” người cách ly hộ?!”.

Cũng đúng! Từ trước đến này, biết bao câu chuyện bi hài chỉ vì thói “mượn người thế chỗ” mà lợi bất cập hại cho cả hai phía.

Từ những chuyện thường gặp nhất như trong các mối giao dịch học hộ, thi thuê của sinh viên các trường đại học, cao đẳng… cũng xuất hiện hàng loạt những tình huống “khó đỡ”. Không ít sinh viên chỉ vì lười học nhưng vẫn muốn có một kết quả tốt nên đã tin tưởng thuê những người không quen biết học hộ, thi hộ, đến cuối cùng lại “tiền mất, tật mang”, kết quả không như ý.

Giữa năm 2017, cộng đồng mạng được phen “cười ra nước mắt” khi đọc những dòng chia sẻ của một bạn trẻ trên diễn đàn “trải nghiệm nhớ đời” về chuyện thuê người học hộ như sau: “Chiều tối qua mình có thuê một bạn đi học hộ. Bạn này đến học nhiệt tình quá, học đúng môn bạn ý thích hay sao ý, giơ tay lên bảng phát biểu liên tục, làm thầy giáo ấn tượng nhớ tên luôn. Tối nay mình đi học, thầy gọi đúng tên mình lên chữa bài thì thấy không phải bạn hôm qua, thế là bị lộ đi thuê người học hộ...”.

Trường hợp mà một bạn trẻ tên Đ.K.T. gặp phải cũng “đau đầu” không kém: “Trước gặp một cậu đi học hộ còn ngủ trên lớp. Thầy gọi dậy hỏi tên gì, đưa chứng minh đây xem nào... Nó cũng hồn nhiên rút ví ra đưa thầy xem... Thế là kết quả cấm thi…”.

Đến những chuyện như nhờ người đứng tên tài sản thay, đứng tên để vay mượn thay… cũng xuất hiện nhiều phen “dở khóc dở cười”. Năm 2019, chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh một Việt kiều “khóc cạn nước mắt” vì nhờ người quen trong nước đứng tên nhà đất tại Vũng Tàu, nhưng bị “trở mặt” cướp trắng.

Cũng trong năm 2019, một vụ “lừa đảo” tại Thạch Thất, Hà Nội cũng đã gây “chấn động” dư luận khi khiến nhiều người gặp phải rắc rối. Một vị cựu Chủ tịch HĐQT Quỹ tính dụng Đại Đồng đã “nhờ” 7 người thân, quen đứng tên làm hồ sơ vay vốn tại Quỹ tín dụng bằng hình thức tín chấp không đúng với quy chế, tổng cộng hơn một tỷ đồng. 7 người đứng tên vay tiền giúp, vì tin tưởng và nể nang nên đều phải bỏ tiền túi ra trả cho Quỹ tín dụng…

Ngay đến cả câu chuyện mang thai hộ, vốn được cân nhắc như một giải pháp nhân văn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, cũng nhiều khi bị kẻ gian lợi dụng để trục lợi…

Nhà Triết học Hy Lạp cổ đại Plato từng nói: “Người tốt không cần luật pháp để bảo mình phải hành động có trách nhiệm, còn người xấu tìm đường lách luật”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ có tự mình thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình mới tránh phát sinh những hệ quả xấu không mong muốn.

Trong câu chuyện của vị Chủ tịch HĐQT “nhờ” cấp dưới đi cách ly thay kia, thể hiện rõ thái độ hèn nhát, trốn tránh trách nhiệm của một công dân. Hơn nữa, lại càng thiếu trách nhiệm của một người lãnh đạo, không thể chấp nhận, không có tư cách lãnh đạo, dẫn dắt một công ty.

“Bạn là người duy nhất trên thế gian có thể sử dụng khả năng của bạn. Đó là một trách nhiệm lớn lao”, diễn giả truyền động lực người Mỹ Zig Ziglar đã từng khẳng định như vậy.

Và điều đó hoàn toàn đúng!

Trong cuộc chiến này, khi người dân cả nước đang chung tay cùng Chính phủ phòng chống, kiểm soát và khống chế dịch bệnh, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân càng không thể lơ là. Nếu cứ giữ khư khư cái suy nghĩ “chuyện gì cũng có thể thay thế được”, thì cuộc chiến sẽ càng gian nan.

Thật may mắn khi vị Chủ tịch kia không trở thành bệnh nhân dương tính tiếp theo giữa cuộc chiến này, nếu không, chỉ vì một phút trốn tránh cách ly, trốn tránh trách nhiệm công dân của mình, ông ấy đã có thể khiến thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn người tiếp xúc với nguy cơ. Hệ lụy sẽ kéo theo vô cùng căng thẳng.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh trong cả nước, hy vọng sẽ không còn những hành vi gian dối, không còn những hành động vô trách nhiệm để cuộc chiến này sớm đi đến hồi kết thúc.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hải Phòng dừng tặng ấm chén nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng, dành kinh phí phòng chống dịch Covid-19

Thứ 3, 10/03/2020 | 21:36
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng quyết định tạm dừng việc tặng ấm chén nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng, dừng tổ chức các hội nghị lớn, không tổ chức lễ hội Hoa phượng đỏ để dành kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch Viện Hàn lâm tiết lộ lý do tạm đóng cửa Viện vì liên quan đến bệnh nhân số 21 dương tính Covid-19

Thứ 3, 10/03/2020 | 21:00
Trụ sở 1 tại Liễu Giai của Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội đã tạm thời đóng cửa hết tuần này, bắt đầu từ ngày 10/3 vì có liên quan đến bệnh nhân số 21 dương tính Covid-19 tại Việt Nam.

Thanh toán tiền điện online, đẩy lùi Covid-19

Thứ 3, 10/03/2020 | 16:30
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là dịp để cộng đồng dịch chuyển mạnh hơn trong xu thế mới là hạn chế dùng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế.

Vụ cô gái mang Covid-19 về Hà Nội: Thói ích kỷ và sự khoan dung!

Chủ nhật, 08/03/2020 | 09:52
Thêm 5 ca dương tính với Covid-19 ngay giữa Thủ đô trong những ngày cuối cùng để Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch, chẳng khác nào một “cú sốc” lớn đối với toàn dân tộc, nhưng cũng là bài học đương đầu với dịch: “Không thể thiếu sự tỉnh táo và cần gạt bỏ ngay thói ích kỷ cá nhân!”.