Chưa đánh được người mặt đỏ như vang...

Chỉ một phút bốc đồng, không thể kiềm chế bản thân, ông Giám đốc một công ty bảo vệ tại Bắc Ninh đã biến sắc tại cơ quan công an.

img
img

Mạng xã hội đang lan truyền một clip ghi lại cảnh ông Sướng đã tự làm khổ mình như thế nào.

Cụ thể, khoảng 10h sáng 5/9, khi đang tham gia giao thông trên quốc lộ 18, thuộc địa phận Cầu Ngà (phường Vân Dương, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) ông Nguyễn Văn Sướng đã có mâu thuẫn với một tài xế xe tải. Do mất bình tĩnh, ông Sướng bước xuống xe ô tô và rút ra một khẩu súng, đứng trước mũi xe tải, ông cầm súng chĩa thẳng về phía trước và đe dọa với những lời lẽ hung hăng.

Đoạn clip đã khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng và bức xúc khi thấy một người đàn ông lớn tuổi, ăn mặc lịch sự và đạo mạo lại có hành vi thể hiện tính chất côn đồ, manh động đến vậy.

Khác với thái độ ngạo nghễ, hung hãn, tay lăm lăm khẩu súng để đe dọa người tham gia giao thông kia, ông Sướng lại tỏ ra căng thẳng và hiện rõ nét lo âu trên gương mặt tại cơ quan công an. Ông Sướng thừa nhận đã sử dụng khẩu súng trên do mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông. Cơ quan công an đã tiến hành thu giữ 1 khẩu súng là công cụ hỗ trợ nhãn hiệu RC 88, số hiệu 17470285G, 2 viên đạn cao su và 1 viên đạn hơi cay. Được biết, ông Sướng hiện đang là Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hàm Long ở TP.Bắc Ninh.

Chỉ riêng hành vi đe dọa đến tính mạng người khác của ông Sướng chỉ vì va chạm giao thông, đã đáng lên án và cần bị xử lý nghiêm.

Hành vi của người đàn ông này không những thể hiện bản tính hung hăng, côn đồ, manh động mà còn bộc lộ ra là một kẻ bản lĩnh yếu kém. Chỉ vì không hài lòng về cách thức di chuyển của các phương tiện khác khi tham gia giao thông mà ông ta sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” để giải quyết.

Dùng vũ khí để bảo đảm cho sự an toàn và quyền lợi của bản thân, mà bất chấp tổn hại tinh thần, thậm chí, có nguy cơ làm bị thương đến thể chất của người khác, chỉ càng tỏ ra là một kẻ yếu đuối đến bất lực.

Nếu ai cũng sử dụng súng một cách tùy tiện, đi đâu cũng mang súng để uy hiếp, đe dọa người khác thì xã hội sẽ đại loạn, sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ông bà ta có câu: “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ”. Trong cái lúc hung hăng, hống hách, tự coi mình hơn người, tự đặt lợi ích của mình lên trên tất cả, mặt ông Sướng cũng “đỏ như vang”, nhưng nếu lúc đó, mọi người không kịp can ngăn, và ông tiếp tục làm liều thì có lẽ mặt ông đã chuyển sang “vàng hơn nghệ”.

Mà vố này, ngay cả khi ông đã rời đi khi được mọi người can ngăn, thì hôm sau, mặt ông cũng đã phải “vàng như nghệ” tại trụ sở cơ quan công an. Đúng là ông Sướng đã tự làm khổ mình!

Cũng không thể vin vào cớ “cả giận mất khôn” mà dung túng cho hành động của ông Sướng. Bởi lẽ, tuổi trẻ nông nổi còn có thể hiểu được, nhưng một người đàn ông đã 52 tuổi lại cư xử bốc đồng và hung hãn như vậy, thì thực sự không thể tha thứ. Khoác lên mình một chiếc áo sơ mi chỉn chu đến mấy, hay cho dù có mang danh là một vị Giám đốc đạo mạo thế nào, cũng không có đặc quyền được hành xử phách lối, ngang ngược như vậy với bất kỳ ai.

Đã có rất nhiều vụ ẩu đả dẫn đến làm chết người sau va chạm giao thông. Chỉ vì phút ngông cuồng, mất bình tĩnh, có những người dù chỉ bị va chạm nhẹ cũng cố sức gây gổ, quyết “đòi lại công bằng” cho chính mình, rồi lỡ tay đẩy sự việc đi quá xa. Một vụ va chạm nhẹ không khiến ai bị xây xát gì, nhưng sự xốc nổi, bốc đồng của chính người trong cuộc có thể khiến một người bỏ mạng, một người trả giá sau song sắt, kéo theo nỗi đau của hai gia đình.

Đây cũng sẽ là bài học ứng xử trong văn hóa giao thông. Va chạm khi tham gia giao thông là chuyện vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống, nhưng việc giải quyết bằng bạo lực cũng đâu mang lại lợi ích gì cho cả hai bên? Nếu mỗi bên có thể kiềm chế một chút, thông cảm và cư xử văn minh, sẽ tránh được những mâu thuẫn lớn hơn, sẽ bình thường hóa những va chạm nhỏ nhặt thường ngày.

Người ta vẫn thường nhắc nhau: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Nếu không muốn khổ như ông Sướng, hoặc không muốn sai lầm phải trả giá đắt, chi bằng chọn kiềm chế, nhẫn nhịn để tìm thấy điều lành trong cuộc sống.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

img