Chuyến bay đặc biệt đến Guinea Xích Đạo và câu chuyện của những anh hùng thầm lặng

Nguyễn Lâm - Lê Trà

Một chuyến bay đến vùng đất xa xôi, 140 hành khách được chẩn đoán dương tính với Covid-19 và vô vàn những khó khăn, nguy hiểm mà phi hành đoàn phải đối mặt. Nhưng, cuối cùng họ đã hoàn thành nhiệm vụ trở về.

Muôn vàn khó khăn

Chiều 29/7, chuyến bay mang số hiệu VN 06 của Vietnam Airlines đưa 219 hành khách từ Guinea Xích Đạo đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trước sự đón tiếp, chuẩn bị kỹ càng của hãng Hàng không Quốc gia cùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị chức năng.

Phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật có cơ hội được trò chuyện cùng anh Phạm Xuân Trường (45 tuổi), tiếp viên trưởng, trên chuyến bay đặc biệt này. Mặc dù là người đã tham gia các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam tại Đức, Hà Lan, Pháp nhưng với anh Trường, chuyến bay đến Guinea Xích Đạo quả thực là một trải nghiệm khó quên.

Tổ bay thực hiện chuyến bay có 16 người, gồm 5 phi công và 8 tiếp viên, 3 nhân viên kỹ thuật, mặt đất.

Chuyến bay được thực hiện theo quy trình đặc biệt nhất từ trước đến nay. Toàn bộ khoang hành khách được chia thành 3 khu vực và được ngăn cách bởi rèm nhựa PVC. Khoang thương gia được thiết lập làm “vùng sạch”, lắp máy lọc không khí đặc chủng của bộ Y tế. Đây là “đại bản doanh” của các y, bác sĩ và thành viên tổ bay.

Khoang phổ thông đặc biệt là “vùng đệm”, cũng được trang bị máy lọc không khí tương tự, đặt các thiết bị y tế mang theo. Khoang hạng phổ thông được chia làm 2 khu: phía trên dành cho các hành khách được xác định âm tính, phía cuối để phục vụ các hành khách dương tính với Covid-19.

Thành viên tổ bay phục vụ khu vực có khách dương tính không di chuyển sang khu vực khác trên tàu bay. Tương tự, hành khách cũng không được di chuyển qua lại giữa các khu vực.

Anh Phạm Xuân Trường (thứ 4 từ phải sang), tiếp viên trưởng trên chuyến bay VN06.

Anh Trường cho biết, để đảm bảo an toàn, toàn bộ ghế ngồi tàu bay được bọc nilon. Mỗi lưng ghế đều bố trí nhiều khăn ướt tẩm chất khử khuẩn. Chuyến bay còn được trang bị bình ôxy cầm tay để sẵn sàng hỗ trợ các hành khách có diễn biến sức khỏe không tốt. Các nhân viên kỹ thuật và bác sĩ đã phối hợp lắp cáng trên máy bay để cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, tất cả phi hành đoàn, hành khách đều trang bị quần áo bảo hộ y tế toàn thân, kèm khẩu trang, găng tay trên hành trình về Việt Nam. Riêng thành viên tổ bay mang đồ bảo hộ y tế đặc chủng.

Anh Trường chia sẻ: “Chiếc Airbus A350 hạ cánh xuống sân bay BATA – Guinea Xích Đạo vào lúc 13h30 giờ địa phương. Lúc này, hiện ra trước mắt tôi là một sân bay nhỏ, nghèo nàn với cơ sở vật chất không đầy đủ. Từ xa, tôi đã nhìn thấy các hành khách tập trung rất đông dưới một nhà chờ. Không chỗ ngồi, không quạt mát, không nước uống. Bất giác, lòng tôi chợt nhói lên…”.

Anh Trường cũng cho biết: “Sau khi máy bay hạ cánh, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là phát đồ bảo hộ cho các hành khách và đợi bơm nhiên liệu để tiếp tục hành trình bay trở về Việt Nam. Thế nhưng sân bay nhỏ như vậy, làm sao có thể bơm được 90 tấn dầu cho một chiếc máy bay chỉ với một chiếc xe bồn vỏn vẹn 16 tấn? Thế là cả đoàn bay lại tiếp tục chờ đợi thêm 6 tiếng đồng hồ để được bơm đầy nhiên liệu.

Khi được hỏi việc chờ đợi có khiến bản thân bị mệt mỏi, anh Trường mỉm cười và nói: “Tôi không sợ bản thân mệt, bởi hễ cứ nhìn ra ngoài, thấy các hành khách đã mặc đồ bảo hộ, mắt hướng về chiếc máy bay màu xanh, tôi lại càng được tiếp thêm sức mạnh cho chặng bay dài phía trước.

Giữa những giây phút chờ đợi ấy, tôi cùng các tiếp viên khác đã mang lá cờ Việt Nam ra cửa máy bay vẫy chào, bởi chúng tôi tin rằng, khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng được vẫy lên, những người con xa xứ sẽ có thêm nguồn động lực rằng họ sắp được quay trở về nhà.

Chặng bay đến Guinea Xích Đạo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn gấp bội bởi trời đổ mưa ngày càng to. Lúc này, tôi được nhận nhiệm vụ thông báo cho các hành khách lên máy bay. Từng nhóm 5 người như vừa đi vừa chạy dưới cơn mưa, họ chạy vì sợ ướt mưa và cũng vì muốn về với mảnh đất quê hương yêu dấu, nơi có người thân bạn bè đang chờ đón, nơi có những vòng tay ôm thật chặt và những giọt nước mắt chực chờ. Lên được máy bay cũng là bước đầu tiên trở về đất mẹ”.

Đúng 19h30, máy bay cất cánh bay trở về Thủ đô Hà Nội, bắt đầu hành trình kéo dài 13 tiếng đầy khó khăn đang chờ phi hành đoàn và các y bác sĩ túc trực trên chuyến bay. Không ngoài dự đoán, khi máy bay vừa cất cánh được 1 tiếng, khoang hành khách dương tính với Covid-19 phát ra những tín hiệu khẩn cấp. 1 bệnh nhân sốt cao, rồi 2 - 3 bệnh nhân bị tiêu chảy, khó thở,… Cứ thế, số bệnh nhân cần trợ giúp tăng lên.

“Thú thật, trong đầu tôi lúc đó không hề có chút sợ hãi, tôi chỉ nghĩ làm sao để có thể phối hợp với các y, bác sĩ giúp đỡ các bệnh nhân. Cuối cùng, với chuyên môn nghiệp vụ cùng sự phối hợp ăn ý, những khó khăn đã được đẩy lùi, các bệnh nhân không còn sốt cao và khó thở. Tất cả cùng mong chờ đến giờ phút được về với Tổ quốc”, anh Trường chia sẻ.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Đồng hành cùng anh Trường trong chuyến bay là anh Nguyễn Hữu Trung (32 tuổi), tiếp viên phục vụ tại khoang hành khách dương tính với Covid-19. Cũng giống anh Trường, anh Trung gần như chỉ lo lắng cho tình hình của các hành khách. Anh nói: “Tôi có nhiệm vụ kiểm tra hành khách, qua từng hàng ghế, tôi đều động viên mọi người rằng sắp về đến nhà rồi, cố gắng một chút nữa thôi và nhận lại từng nụ cười hay ánh mắt hy vọng của họ. Điều làm tôi xúc động nhất là ở khoang hành khách âm tính, mọi người cầm theo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ”.

Có lẽ với các tiếp viên có mặt trên chuyến bay, những hành động như vậy là nguồn động lực to lớn nhất để tất cả cùng cố gắng đến giờ phút được về với quê hương.

Mặc dù trước chuyến bay, phi hành đoàn đã được trang bị đầy đủ các đồ bảo hộ và kiến thức phòng bệnh, song chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến cho mọi công sức “đổ sông đổ bể”. Nguy hiểm là thế nhưng anh Trung vẫn chọn phục vụ tại khoang có các bệnh nhân dương tính chỉ vì một lý do duy nhất: “Tôi muốn thay mặt hàng nghìn tiếp viên được chăm sóc những hành khách đặc biệt này. Tôi muốn ở cạnh, động viên để họ yên tâm trong chuyến hành trình dài trở về nhà phía trước”.

Tất cả hành khách mặc đồ bảo hộ y tế khi tham gia chuyến bay.

Anh Trung cũng cho biết, việc ăn uống trên máy bay cũng bị hạn chế do các tiếp viên đã được khuyến cáo về việc cởi bỏ khẩu trang trên chuyến bay. Dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như vậy, nhưng toàn bộ phi hành đoàn vẫn nỗ lực để các hành khách trên chuyến bay được an toàn trở về nhà.

“Các bác sĩ trên chuyến bay động viên chúng tôi nhiều lắm, họ nói rằng nếu có vấn đề gì, bệnh viện sẽ dành cho chúng tôi những phương pháp chữa trị tốt nhất. Vậy thì chẳng cần phải lo gì nữa”, anh Trung nói bằng giọng đầy tự tin.

Khi được hỏi điều gì làm anh nhớ nhất sau chuyến bay đặc biệt này, anh Trung bồi hồi nhớ lại: “Có lẽ là tiếng vỗ tay, là từng lời cảm ơn đến Vietnam Airlines và tiếng hô “sống rồi anh em ơi” của các hành khách. Khi về với Tổ quốc, chúng tôi đã khóc, khóc vì cảm động, vì hạnh phúc và khóc vì tự hào”.

Hiện tại, toàn bộ tổ bay đang chấp hành quy định cách ly 14 ngày tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Với họ, việc cách ly đã trở nên quá “quen thuộc” bởi giờ đây chỉ còn niềm tự hào vì đã được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng chống Covid-19 và cũng bởi niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch trong tương lai không xa.

“Bây giờ khi khó khăn đã qua đi, tôi chỉ mong các hành khách sẽ sớm khỏi bệnh và quay trở về với những người thân đã mong ngóng họ bấy lâu nay. Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng, dù ở đâu thì chỉ cần là đồng bào Việt Nam, nhất định chúng tôi sẽ đến và đón họ trở về nhà. Tổ quốc sẽ luôn dang rộng vòng tay để không người Việt nào bị bỏ lại phía sau” - Tiếp viên Phạm Xuân Trường.

N.L – L.T