Chuyện lạ ở Nghệ An xây 67 “biệt thự” cho bò với giá 12 tỷ đồng?

Anh Ngọc

Ban Dân tộc Nghệ An đã cho xây dựng 67 chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với tổng chi phí lên đến hơn 12 tỷ đồng (trung bình gần 180 triệu đồng/ chuồng bò) trong khi đó, một ngôi nhà tình nghĩa ở nhiều địa phương dao động 100-150 triệu đồng. Điều này cho thấy sự khó hiểu trong những quyết toán xây chuồng bò có khi lên tới 236 triệu đồng/chuồng.

Bắt cán bộ lập khống hồ sơ để rút tiền

Sáng 22/7, Thượng tá Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An (PC46) cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Phòng chính sách Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Cơ quan công an ra lệnh bắt ông Kim Văn Bốn

Theo điều tra của cơ quan Công an, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An (tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương), ông Kim Văn Bốn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án.

Quá trình khám xét tại nhà, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ một số giấy tờ và tài liệu liên quan. Cơ quan Điều tra đã xác định được số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 90% và 10% ngân sách đối ứng địa phương).

Theo đó, Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I từ 2016 - 2020 và giai đoạn II từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Chủ đầu tư là Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Các hạng mục chính phát triển kinh tế - xã hội cho người Ơ Đu gồm: Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục.

Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Trao bò giống cho người dân

Hé lộ những sai phạm nghiêm trọng

Sau khi hoàn thành các bước như trình tự, ngày 11/7/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ký Quyết định số 2618/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.

Theo đó, có 6 nội dung, bao gồm hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí là hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng.

Mỗi chuồng bò khoảng 236 triệu đồng

Đáng chú ý, trong mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng trại.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m; Trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn...

Tổng hợp tất cả các “giá trị” từ chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu thi công xây dựng; chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu gói xây lắp; chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói xây lắp; chi phí giám sát thi công xây dựng… mà 67 chuồng bò hỗ trợ cho bà con dân tộc Ơ đu ở bản Văng Môn, xã Nga My đã lên đến hơn 12 tỷ đồng.

Việc xây dựng chuồng bò “khủng” tại khu vực miền núi vô cùng khó khăn, người dân đang thiếu đói hàng năm như vậy khiến cho mọi người vô cùng xôn xao. Thế nhưng, bỏ qua tất cả các kiến nghị, hạng mục xây dựng nhà ở cho bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện, mặc dù tại bản Đửa không có người dân tộc thiểu số Ơ Đu sinh sống, nhưng cơ quan chức năng ở Nghệ An vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án trên. Để “chữa cháy”, ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà đề án trước đó đã đưa ra.

Trao đổi thêm về việc này, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết: “Trên địa bàn xã Lượng Minh và bản Đửa tuyệt đối không có người dân tộc Ơ Đu. Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu cũng chưa triển khai hạng mục nào”.

Việc chuồng bò "khủng" tại xã miền núi đáng khiến du luận xôn

Ngoài ra, số liệu về dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng có sự bất thường. Theo báo cáo ngày 25/6/2020 của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An thì tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn tỉnh Nghệ An có 856 người dân tộc Ơ Đu. Tuy nhiên, theo dữ liệu lưu tại Cục Thống kê Nghệ An thì theo tổng điều tra dân số năm 2009, toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 340 người Ơ Đu. Năm 2015, Nghệ An có 314 người Ơ Đu; còn năm 2019 toàn tỉnh cũng chỉ có 411 người Ơ Đu sinh sống.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết đề án được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ số liệu khảo sát ở Tương Dương từ trước đó nhiều năm. Số liệu người Ơ Đu cũng thay đổi không logic vì người Ơ Đu sống chung trong cộng đồng người Thái, người Khơ Mú, trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng là người Ơ Đu; duy nhất 1 hộ ở bản Văng Môn có cả nhà là người Ơ Đu. Chính vì thế quá trình điều tra mỗi thời điểm có số liệu khác nhau.

“Quá trình xây dựng đề án là nhiệm vụ chuyên môn của Ban và địa phương nên không sử dụng kinh phí từ đề án. Ban Dân tộc Nghệ An thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án. Trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu xây dựng đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018. Ngoài ra không có động cơ lợi ích cá nhân khi tham mưu xây dựng đề án”, ông Hải khẳng định.

A.N