Chuyện về cụ bà 84 tuổi, 75 năm đi tìm lại gia đình sau bi kịch ly tán

Minh Minh

Đã 75 năm trôi qua kể từ khi xảy ra nạn đói năm 1945 khiến gần 2 triệu người chết đói, song trong ký ức của bà Nguyễn Thị Hòe (84 tuổi, hiện ở tổ dân phố Văn Trì, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn vẹn nguyên ký ức về một cuộc chia cắt gia đình không thể nào đau lòng hơn...

Nỗi day dứt xuyên thế kỷ

Chỉ cách trung tâm Hà Nội 13km nhưng tổ dân phố Văn Trì (trước đây là thôn Văn Trì), phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm có một không gian văn hóa lịch sử rất đặc biệt. Nguyên là một ngôi làng cổ nằm kề phía sau hai thôn Ngọa Long và Nguyên Xá ở mạn bắc con đường lớn từ Cầu Diễn đi Nhổn, ngày nay trong nhịp sống đô thị hóa hối hả, Văn Trì trở thành ngôi “làng trong phố” rất đặc trưng Bắc Bộ.

Từ đầu làng đi vào, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mưu sinh khó nhọc từ những cánh đồng hoa hồng xen lẫn luống rau xanh, những vườn bưởi Diễn vừa đậu quả nằm thanh bình cạnh đình Văn Trì, chùa Bồ Đề, cây đa, bia đá... được bao quanh bởi một con ngòi chảy từ cánh đồng Ba Na tới cửa sông Nhuệ.

Cùng với nhiều gia đình người nhập cư ở Văn Trì, bà Nguyễn Thị Hòe, 84 tuổi, là người đã sống ba phần tư thế kỷ ở mảnh đất này, chỉ vì bà không biết mình quê ở đâu, cha mẹ là ai.

“Cha mẹ anh chị em tôi chết đói hết rồi!” – bà Hòe nói câu đầu tiên khi chúng tôi tới hỏi chuyện. “Vì sao bà lại khẳng định như vậy?”, chúng tôi hỏi và bà buồn bã nói trong nghẹn ngào: “Đó là nỗi đau của một giai đoạn cô ạ”.

Trong ký ức của cô bé Hòe (tên cũ là Hải) 6 tuổi, cái đêm năm 1945 đó không thể nào quên. Nạn đói hoành hoành, gia đình phải ăn cám, ăn rau sam luộc nhưng vẫn không trụ nổi, ngày nào cũng có người đến đòi nợ. Biết không thể ở lại làng nên ông bố thợ mộc và người mẹ bán trầu cau dẫn bốn chị em Hải bỏ trốn trong đêm.

Bố Hải còng lưng gánh hộp đồ nghề làm mộc. Hai chị gái lớn chừng 12, 13 tuổi gánh xoong nồi, quần áo. Người mẹ một tay bế con trai út lúc đó còn bú, một tay dắt Hải. Cả nhà lếch thếch rồng rắn đi bộ theo đường tàu suốt đêm. Trên đường, người chết đói nằm la liệt. Đến khi chân Hải chùn xuống, họ dừng ở cổng chợ Nhổn (nay thuộc quận Nam Từ Liêm).

Tại đây, Hải được một nữ địa chủ tên Thịnh ở làng Kiều Mai (nay là phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi mua. Cô bé níu lấy chân bố gào khóc: "Thầy ơi, con không đi đâu". Người mẹ nhìn con bật khóc. Nhưng người cha đã gạt nước mắt gỡ tay con ra trao cho người lạ rồi cầm lấy đồng hai hào màu xanh. “Con đi thì sẽ có cái ăn...”, câu cuối cùng ông nói với Hải cũng là câu nói làm bà đau đớn day dứt suốt 75 năm qua.

Từ đó bà về làm con sen nhà địa chủ với cái tên mới là Nguyễn Thị Hòe. Khi nhỏ, Hòe được giao nhiệm vụ quét sân, vườn. Chiều nào nghe tiếng chim kêu trên cây cổ thụ, đứa trẻ 6 tuổi nhớ nhà cũng ngồi khóc. Được khoảng một tháng, Hòe bị bệnh kiết lị, nhà chủ bèn mang đi cho một nhà chủ khác ở gần đó và Hòe gắn bó với gia đình này cho đến năm 18 tuổi lấy chồng.

Cho đến giờ, bà Hòe cũng không biết việc mình bị bán là may hay rủi. Biết đâu nếu không bị bán, bà đã chết trong nạn đói đó rồi. Chỉ có một điều khiến bà Hòe hối hận nhất là chưa từng hỏi thầy, bu tên làng mình là gì. Tất cả ký ức còn sót lại chỉ đủ viết lại trên một trang giấy, trong đó có hai người chị tên là Phú và Phí, em trai tên Tám và người hàng xóm tên Tuân có đứa con gái tên Xế.

"Tôi hay thấy người làng gánh củ ấu, mực tươi và rươi qua nhà. Mỗi lần mẹ đi chợ về, tôi lại hỏi “Nay bu đi chợ gì?”, hôm thì bà bảo “chợ Cầu”, hôm thì nói “đi chợ Đồn (hoặc chợ Cồn)" gì đó, bà Hòe nghẹn ngào nói.

Dấu hỏi phía sau một số phận

Cùng tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 giản dị hôm nay có cả ông Vương Duy Đệ 87 tuổi, chồng bà Hòe) và chị Vương Oanh, anh Vương Duy Sáng, con gái cả và con trai út của ông bà.

Bà Hòe kể, năm 13 tuổi bà được người nông dân trong làng là ông Đệ đến hỏi, năm 18 tuổi thì về ở với nhau. Ông bà làm ruộng, sau này ông Đệ làm cán bộ xã, rồi lần lượt sinh 5 người con (1 gái, 4 trai). Đến giờ cuộc sống đã ổn định, có thể nói là viên mãn so với xưa song càng đến tuổi gần đất xa trời, bà Hòe càng ủ rũ vì chưa tìm được gốc gác, người thân.

Mặc dù bà Hòe tin là cả nhà đã chết đói nhưng anh Sáng, đã vì đôi mắt u buồn của mẹ mà lặn lội đi tìm suốt mấy chục năm qua.

Với tấm bản đồ vẽ tay của một người quen có chuyên môn, anh Sáng đã hàng chục lần về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng – nơi có củ ấu, có mực và rươi, có chợ Cầu, chợ Đồn, chợ Cồn tìm người thân cho mẹ.

Trong suy đoán của anh Sáng, quê ngoại có thể ở Thái Bình. Anh đến trụ sở phường, xã nhờ giúp đỡ, lân la hỏi chuyện các cụ già tầm tuổi mẹ mình sống ở các chợ, nhờ đăng cả đài truyền thanh... nhưng đều vô vọng.

“Có lẽ ông bà ngoại và các bác tôi đã mất, nhưng có thể cậu tôi và các con của cậu vẫn còn", anh Sáng nói và cho biết sẽ cố gắng tìm đến cùng để mẹ thỏa tâm nguyện cả đời mình.

Mặc dù luôn miệng khẳng định gia đình mình đã chết, tìm kiếm chỉ mất công nhưng bà Hòe vẫn nhẫn nại kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời mình một cách rành rẽ mà theo như các con bà thì mẹ mình đã kể câu chuyện này vài trăm lần nhưng không sai sót một chi tiết nào. Có lẽ cũng như tôi, trong thâm tâm bà vẫn ao ước biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

“Chuyện đã 75 năm rồi, nhưng mỗi dịp lễ Tết, con cháu sum vầy vui vẻ, nhìn mâm cơm ngày hôm nay đủ đầy tôi lại ứa nước mắt vì thương bố mẹ và các chị em. Hôm cả nhà bỏ trốn, tôi còn quá nhỏ lại đói khát nên cứ luôn miệng đòi ăn cơm. Giá kể hôm đó tôi không đòi ăn cơm thì có khi không bị bán” – người phụ nữ ở cái tuổi 84 nói trong nỗi thống khổ.

“Nạn đói ở Miền Bắc Việt Nam diễn ra từ tháng 10/1944 đến tháng 5/1945. Theo thống kê chưa đầy đủ, nạn đói này đã làm khoảng 2 triệu người bị chết trên địa bàn 32 tỉnh cũ tính từ Quảng Trị trở ra. Trong đó, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình là những tỉnh có số lượng người chết đói nhiều nhất”.

(Nhà văn – nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến)

M.M