Cô giáo của con liên tục vẽ ra khoản thu, tôi phải làm sao?

Cô giáo tự ý đăng ký cho cả lớp những thứ không bắt buộc ở trường, phụ huynh chúng tôi è cổ nộp tiền mà không được lựa chọn. Ngoài tiền học, hầu như tháng nào cô cũng “vẽ” ra một khoản nào đấy để thu tiền khiến ai nấy đều bức xúc.

Tôi đưa vấn đề này ra bàn luận vì tin chắc rằng đây là câu chuyện phổ biến tại rất nhiều trường học hiện nay, đó là nạn lạm thu. Mặc dù đây là câu chuyện không mới, nhưng bao nhiêu năm nay không giải quyết được nên đã trở thành gánh nặng cho rất nhiều gia đình.

Con gái tôi năm nay học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hoàng Mai (Hà Nội). Gia đình tôi vốn không khá giả gì nên cho con học trường công vừa gần nhà vừa có chi phí phù hợp với thu nhập trung bình của bố mẹ.

Và như nhiều người nói: Chấp nhận học trường công chi phí rẻ thì phải chấp nhận nạn lạm thu, chẳng có cách nào khác.

Đúng ra học phí của khối tiểu học đã được Nhà nước miễn phí, gia đình chỉ còn phải nộp các khoản tiền ăn bán trú, tiền nước uống, học cụ, tiền photocopy phiếu bài tập, sổ liên lạc điện tử, bảo hiểm y tế bắt buộc…

Thế nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn phải nộp cả khoản tiền chăm sóc bán trú (150 nghìn đồng), tiền học 2 buổi (100 nghìn đồng), nghe rất ngớ ngẩn và không biết dựa trên quy định nào.

Thôi thì nếu chỉ có vậy, chúng tôi vẫn chấp nhận được vì mỗi tháng chi phí khoảng 800 – 900 nghìn đồng. Nhưng thực tế, không có tháng nào cô giáo chủ nhiệm của con tôi không vẽ ra các khoản thu thêm.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo phát cho phụ huynh tờ phiếu thỏa thuận về các khoản thu, trong đó có môn học Tiếng Anh (140 nghìn đồng/tháng) và Toán – Tiếng Anh (100 nghìn đồng/tháng), tiền học ngoài giờ (292 nghìn đồng/tháng)…

Nhiều người băn khoăn vì trẻ lớp 2 đến tiếng Việt còn chưa sõi vì sao phải học đến hai môn Tiếng Anh. Nhưng cô giáo thuyết phục rằng các môn này dạy các em kỹ năng học ngoại ngữ, phát triển tư duy ngôn ngữ này nọ, và rằng nếu em nào không học thì đến giờ học Tiếng Anh sẽ bị “thu gom” thành một nhóm tách biệt khiến các em tự ti. Nghe vậy phụ huynh nào cũng cắn răng tick vào phiếu cho con học cả 2 môn.

Rồi chuyện học quản lý ngoài giờ, nhà tôi vốn ở ngay cạnh trường, buổi chiều ông bà vẫn có điều kiện đón cháu nên định không đăng ký. Học ngoài giờ vốn dành cho những gia đình bố mẹ về muộn hơn giờ tan học của con nên nộp thêm tiền để gửi con ngoài giờ.

Thế nhưng đoán được ý định này của nhiều phụ huynh, cô giáo thuyết phục rằng với thời lượng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều khi cô không đủ thời gian để truyền đạt kiến thức cho các con nên cần dạy bổ sung vào những tiết quản lý ngoài giờ (?!). Nghe rất trái tai nhưng xem lại thì cô giáo được hưởng 70% tiền quản lý ngoài giờ nên tôi và nhiều phụ huynh khác lại miễn cưỡng đồng ý.

Tưởng thế là hết, vì như thế chi phí hàng tháng (chưa có học phí) đã đội lên đến 1,5 triệu đồng rồi. Nhưng không, tháng nào cô cũng phát các tờ thông báo về các khoản thu thêm, nào là tiền tham quan, tiền mua báo, tiền ủng hộ quỹ Chữ thập đỏ, ủng hộ học sinh miền núi, mua tăm và nhiều chương trình khác.

Riêng chuyện mua báo, cô tự ý đăng ký cho 100% lớp mua báo Cầu Vồng (180 nghìn đồng/ học kỳ) với lý do mỗi tuần có một tiết đọc báo đội. Tôi thật sự cảm phục khả năng hợp lý hóa lý do thu tiền của cô giáo này. Chắc chắn với thời lượng giờ giảng hạn hẹp đến nỗi còn không đủ thời gian để giảng bài, phải giảng vào tiết quản lý ngoài giờ, cô cũng chả còn hơi sức đâu đọc báo đội, nếu như không vì khoản phát hành phí mấy chục phần trăm của tờ báo trên.

Ngoài báo Cầu Vồng, cô cũng gợi ý phụ huynh mua cả báo Thiếu Niên, báo Nhi đồng chăm học với lý do “ủng hộ phong trào của lớp và nhà trường”.

Rồi vấn đề tham quan, chụp ảnh thì ôi thôi 1001 chuyện vô lý và khôi hài. Đi tham quan chỉ sang đến Sóc Sơn nhưng mỗi cháu nộp 260 nghìn đồng chưa bao gồm tiền ăn, không muốn lích kích mang cơm theo thì nộp thêm tiền ăn. Chụp ảnh thì có một bộ áo mũ cử nhân các cháu thay nhau mặc vào cởi ra để thợ ảnh bấm lia lịa như sản xuất công nghiệp. Đến lúc nhận ảnh, nhiều bố mẹ bức xúc khi thấy con mình mặt như mếu trong bộ quần áo xộc xệch mà không hiểu sao thợ ảnh vẫn chụp, vẫn rửa ra để thu tiền.

Tôi thiết nghĩ vì sao các khoản đầu tư công đều phải đấu thầu công khai mà các khoản tham quan, chụp ảnh, mua sắm máy chiếu, điều hòa… trong trường học lại được các trường và ban phụ huynh tự do lựa chọn, bắt phụ huynh trả các khoản tiền đắt đỏ và dịch vụ kém chất lượng như vậy?

Lại nói đến ban phụ huynh, ban này liên tục đưa ra đề xuất thu tiền để sơn lại cửa lớp học, lắp rèm, mua cây cối trang trí lớp…

Thôi thì cái gì hợp lý, phụ huynh cũng ủng hộ, nhưng có những đề xuất phi lý như mua cây nước nóng lạnh. Trẻ nhỏ vốn được khuyến cáo không uống nước lạnh, và chúng cũng chả cần dùng nước sôi để uống trà hay cà phê gì nên cái cây nước nóng lạnh là không cần thiết, nếu không muốn nói là tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng cho các con.

Ban phụ huynh cũng chủ động dùng quỹ phụ huynh để chi các khoản liên hoan, quà cáp, biếu xén và cuối học kỳ, cuối năm nào cũng cho biết là vỡ quỹ, phải nộp thêm. Nhưng họ không công khai các khoản chi, phụ huynh nào muốn biết thì gặp riêng ban phụ huynh, vì lý do sợ lọt thông tin ra ngoài, các lớp khác xem được thì không hay (?!)

Chuyện lạm thu bao năm nay đã trở thành gánh nặng của không biết bao nhiêu gia đình nhưng không cách nào giải quyết triệt để. Tôi phải làm sao để cô giáo và ban phụ huynh không còn vẽ ra khoản thu vô lý mà không làm ảnh hưởng đến việc học cũng như tâm lý của con ở trường?

*Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin./p>

Thưởng Tết bằng dầu gội, dùng không hết, bán hay cho?

Thứ 4, 25/12/2019 | 11:21
Mang theo đống dầu gội ấy về quê thì vất vả quá nên buổi tối vợ chồng tôi tranh thủ bày bán bên lề đường với giá rẻ, mong bán được đồng nào hay đồng ấy, xem như một cách nhận tiền thưởng Tết.

Thịt lợn đắt gấp đôi, 100 nghìn đi chợ, dâu đảm vẫn nấu được mâm cơm 4 món 5 người ăn

Thứ 6, 20/12/2019 | 09:16
Thịt lợn tăng thì giãn ăn thịt lợn ra, chuyển sang ăn thực phẩm khác. Có cái gì mà các bà nội trợ cứ “sốt xình xịch” lên vì giá thịt lợn thế nhỉ? Không dám nhận mình là phụ nữ đảm đang nhưng những ngày này, cầm 100 nghìn đồng đi chợ, tôi vẫn lo cho gia đình 5 người bữa ăn sung túc 4 món đàng hoàng.

Vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục lạm thu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo...

Đầu tư giáo dục tăng nhưng lạm thu không giảm?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, bức tranh giáo dục nước nhà đã tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết tốt, việc lạm thu ở nhiều trường càng làm cho bức tranh ấy thêm rối rắm. Tuy nhiên, lỗi ấy không hoàn toàn do nhà trường và ngành giáo dục, mà một phần trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh.