Phản ánh tới PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, các hộ dân ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực) tỏ ra vô cùng bức xúc vì nhiều hộ mặc dù có nhà tầng, xe hơi nhưng vẫn có tên trong danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền từ gói hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19, với số tiền 750.000 đồng/nhân khẩu. Trong khi đó, nhiều hộ kinh tế khó khăn, ở nhà cấp 4 xập xệ, có mức sống dưới mức trung bình lại không có tên trong danh sách. Liệu rằng, quy trình bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở thôn Xuân La có thực sự chính xác?
Thông thường, quy trình để chọn ra hộ nghèo, cận nghèo phải được thực hiện một cách dân chủ, bảo đảm tính chính xác, công khai, công bằng, có sự tham gia của người dân. Thế nhưng, các hộ dân tại thôn Xuân La lại cho rằng, đợt rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 họ không hề hay biết. Chỉ đến khi UBND xã Phượng Dực có danh sách thông báo chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 hồi tháng 5/2020 thì họ mới "té ngửa" khi nhiều gia đình khá giả bất ngờ có tên trong danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ Covid-19.
Chia sẻ với PV, bà X (nhân vật xin được giấu tên) ở thôn Xuân La cho biết: “Chúng tôi rất bức xúc về cách làm việc của chính quyền xã Phượng Dực. Không hiểu sao hàng chục hộ có điều kiện khá giả, thậm chí rất giàu lại có tên trong danh sách hộ cận nghèo của thôn, trong khi các hộ khó khăn thực sự thì lại không được xét duyệt. Đặc biệt, phần lớn những hộ không phải nghèo thật sự mà vẫn có tên trong danh sách được nhận hỗ trợ Covid-19 vừa rồi đều là họ hàng của trưởng thôn và cán bộ xã”.
Căn nhà 3 tầng đang được xây dựng của gia đình ông Đặng Đình Giang tại thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội.
“Gia đình ông Đ. có nhà 3 tầng, con đi xuất khẩu lao động; gia đình ông Giang đang xây nhà 3 tầng; Gia đình anh Đặng Văn T. có nhà 3 tầng, buôn bán vật liệu xây dựng… nhưng vẫn là hộ cận nghèo được hưởng tiền hỗ trợ. Trong khi rất nhiều hộ khó khăn thực sự như nhà chị Hương, nhà bà Láng,… thì lại không được xét duyệt là hộ cận nghèo, cán bộ làm thế thì hỏi sao dân không bức xúc”, một người dân trong thôn Xuân La bức xúc nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương, một trong những hộ khó khăn của thôn Xuân La, không khỏi xót xa cho biết: “Chồng tôi vốn đã bị bệnh về não, vừa rồi lại bị tai nạn giao thông nên 2 vợ chồng chỉ biết mò cua, bắt ốc bán lấy tiền sống qua ngày. Tôi đã nhiều lần lên UBND xã để hỏi và làm thủ tục xét duyệt hộ nghèo nhưng chỉ được trả lời rằng gia đình chị không được thôn xét duyệt hộ cận nghèo, không được hưởng hỗ trợ”.
“Bao nhiêu hộ nhà giàu, ở nhà 3 tầng vẫn được xét vào diện cận nghèo được nhận tiền hỗ trợ, vậy tại sao nhà tôi lại không được xét duyệt?”, chị Hương bức xúc nói.
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình ông Đặng Đình Giang (thôn Xuân La), một trong những hộ được người dân phản ánh không phải nghèo thực sự nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Trao đổi với chúng tôi, ông Giang khẳng định gia đình mình được chứng nhận là hộ cận nghèo từ năm 2015, ngôi nhà 3 tầng đang xây là của con trai và sau khi xây xong gia đình sẽ chủ động làm đơn xin rút khỏi hộ cận nghèo.
Ông Giang cho biết: “Sau nhiều năm đi làm, con trai tôi có tích góp được một ít nên đã vay mượn thêm để xây dựng căn nhà này chứ tôi làm gì có tiền mà xây nhà. Vừa rồi, gia đình tôi có nhận được 6 suất hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền là 4,5 triệu đồng. Tôi đang tính xây xong căn nhà rồi lên xã xin rút khỏi hộ cận nghèo”.
Ông Giang cũng thừa nhận rằng vừa qua, do gia đình chưa kịp tách khẩu nên con trai ông là Đặng Văn Nhơn vẫn nằm trong danh sách cận nghèo.
Liên quan đến thông tin phản ánh, mới đây, sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản đề nghị các địa phương trên địa bàn kiểm tra, chấn chỉnh công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Riêng với huyện Phú Xuyên, sở đề nghị huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, xác minh làm rõ thông tin theo nội dung một số cơ quan truyền thông đã phản ánh. Nếu phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện rà soát, xác định hộ nghèo, cận nghèo không đúng quy định, cung cấp thông tin sai lệch hoặc có hành vi trục lợi chính sách hỗ trợ giảm nghèo tại địa phương.
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Phượng Dực - cũng thừa nhận, có những bất cập trong việc xét duyệt hộ cận nghèo từ cấp thôn, dẫn tới những bất cập như phản ánh của người dân. Hiện UBND xã Phượng Dực đang rà soát và thu hồi lại tiền hỗ trợ chưa đúng đối tượng.
Theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 nêu rõ:
Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 - 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
N.L