Có vắc xin Covid-19 nhưng không chủ quan

Đối với các nhân viên y tế tại một trung tâm tiêm chủng dã chiến ở Wales, ngày 8/12 được gọi là "Ngày Chiến thắng". Họ coi mỗi lần tiêm vắc xin Covid-19 là một lần trao đi hy vọng.

Ngày 8/12, Anh đã thực hiện tiêm chủng đại trà Covid-19 sau khi vắc xin Pfizer/BioNTech được phê chuẩn. Các dược sĩ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên tập hợp từ nhiều bệnh viện và cơ sở y tế trên khắp thành phố Cardriff đã chuẩn bị cho thời khắc này suốt nhiều tuần qua.

Bác sĩ Venkat Chandra là người đã chiến đấu trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Anh suốt từ đầu năm 2020 cho đến nay mà không thể về thăm nhà ở Ấn Độ. Sáng 8/12, Chandra được tiêm vắc xin Covid-19, tiến gần hơn tới niềm mơ ước giản đơn là được về quê thăm cha mẹ, theo CNN.

Chandra, bác sĩ cấp cứu 46 tuổi tại Bệnh viện Đại học Wales ở Cardriff, là một trong những người đầu tiên được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech sau khi vắc xin được Chính phủ Anh cấp phép. Chandra và 244 người khác nhận mũi tiêm bên trong một trung tâm tiêm chủng tạm thời trong ngày đầu tiên Anh triển khai chương trình tiêm chủng đại trà toàn quốc. "Vẫn còn cả một chặng đường dài phải đi nhưng hy vọng tất cả mọi người sẽ đến tiêm chủng để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng", ông nói.

Còn với Michael Fox, bác sĩ cấp cứu nhi khoa tại Cardiff, anh cảm thấy rất biết ơn khi mình nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin. Vợ chồng vị bác sĩ 32 tuổi này sẽ chào đón đứa con đầu lòng vào tháng 3 năm sau. Rủi ro với những phụ nữ mang thai cao hơn khi họ nhiễm Covid-19. Vì vậy, việc tiêm chủng đạt đủ và phần nào kiểm soát được Covid-19 sẽ giúp các bà mẹ mang thai như vợ của anh sẽ hạ sinh một cách an toàn hơn.

Những người được tiêm vắc xin đầu tiên đều mong đợi rằng bước tiến này có thể chặn đứng làn sóng Covid-19 đã làm tổn hại đến cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới kể từ đầu năm trở lại đây. Theo số liệu của trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống (CSSE) tại đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 9/12, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới con số 68,2 triệu người, với số ca tử vong là 1,56 triệu. Con số này vẫn không ngừng tăng lên tại các điểm nóng như Mỹ, Ấn Độ…

Dịch bệnh không chỉ gây chết người mà còn làm đình trệ sự kết nối giữa các lục địa, các hoạt động giao thương, kinh tế, sản xuất, và mọi lĩnh vực đời sống. Rủi ro sức khỏe bủa vây, thất nghiệp, khiến nhiều người lao đao. Hơn bao giờ hết, vắc xin là niềm hy vọng của cả thế giới để sớm ngăn chặn đại dịch.

Song hành với các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các bước thử nghiệm và tiêm vắc xin đại trà, Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin đối với tình nguyện viên từ ngày 10/12. Dự kiến có khoảng 20 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm những mũi vắc xin Covid-19 thử nghiệm đầu tiên. Sau ba tháng thử nghiệm trên một nhóm nhỏ, vắc xin Covid-19 sẽ được tiêm thử nghiệm cho khoảng 400 người.

Tuy nhiên, một khi có tin vui về vắc xin, điều quan trọng nhất vẫn là tránh tạo cảm giác chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Dù thử nghiệm thành công, vắc xin sẽ chưa thể cung ứng rộng rãi ít nhất là cho đến quý II/2022, do đó, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch thay vì có tâm lý có vắc xin phòng bệnh thì không cần thực hiện tiếp các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm.

Mặc dù Việt Nam đã ghi nhận hơn một tuần liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng nhưng qua vụ việc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng ở TP. HCM gần đây, bộ Y tế đã yêu cầu các hoạt động giám sát cách ly cần được triển khai chặt chẽ hơn.

Trên các chuyến bay giải cứu từ nước ngoài vẫn ghi nhận những ca nhiễm mới, trong khi các tỉnh biên giới vẫn phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp không thực hiện cách ly. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập luôn thường trực. Mỗi người dân sẽ càng phải thêm cảnh giác và ý thức cao độ trong những tháng cuối năm để chuẩn bị cho một cái Tết an lành, tìm lại hy vọng cho một năm sóng gió đã qua.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Ai sẽ tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam?

Chủ nhật, 06/12/2020 | 16:59
Theo các chuyên gia, những người được lựa chọn tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 là những người khỏe mạnh, không có bệnh nền.