img

Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là đầu năm 1967, theo lời mời của các nhà làm phim Walter Heynowski và Gerhard Scheumann để tham gia hợp tác trong một dự án phim tài liệu tại miền Bắc Việt Nam - Pilots in Pajamas. Họ muốn phỏng vấn những phi công Mỹ bị bắn hạ và bắt giữ.

Tôi vẫn còn nhớ những ấn tượng đầu tiên khi vừa đến nơi, mùi đất mới xộc lên do bom đạn cày xới, tiếng ếch nhái râm ran, không khí ẩm ướt của đêm miền nhiệt đới. Những ngôi nhà bị tàn phá hiện ra trước mắt khi ánh đèn pha quét qua, vách tường bị xé toạch, để lộ ra những món nội thất vương vãi mà có lẽ chỉ vài ngày trước vẫn còn là nơi tràn đầy sự sống, chốn quây quần của một gia đình.

Từ trong nhà ga sân bay, tôi thấy những ô cửa sổ che kín bằng giấy báo. Bất chợt, ký ức về căn hộ của chúng tôi ở Chemnitz (Đức) ùa về. Mẹ tôi cũng từng cố gắng bảo vệ những tấm kính cửa khỏi sóng xung kích của những vụ nổ bom theo cách ấy.

Thời điểm đó tôi chợt nhận ra, có lẽ tôi sẽ còn chứng kiến thêm nhiều cảnh tượng khác.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 1.

Về sau, cuộc chiến càng lúc càng khốc liệt, cứ có cơ hội là tôi lại quay trở lại Việt Nam để ghi nhận những hình ảnh chân thực nhất, trong đó có 1 khoảnh khắc đặc biệt khiến tôi ghi nhớ suốt cuộc đời.

Tháng 10 năm 1972, Mỹ ném bom rải thảm ở Hà Nội.

Ngày 27/10 năm đó, tôi đang đứng ở ban công khách sạn chụp ảnh trung tâm thủ đô thì nghe thấy tiếng rít của tên lửa và tiếng nổ trầm đục cách chỗ mình không xa. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là một đám khói nhỏ, trông có vẻ vô hại. Thế nhưng hậu quả thì vô cùng tàn khốc.

Khi đến nơi, tôi thấy quả tên lửa đã đánh trúng một khu dân cư, nhà cửa đổ sụp, mái tôn vỡ nát, mọi người hối hả giúp những người bị thương.

Bên trong nhà xác, tôi nghe được tiếng thút thít yếu ớt. Một bà cụ đang khóc, phía trước là một cậu bé 5 tuổi nằm bất động trên cáng. Xung quanh rất tối, ánh sáng ở đó quá yếu với cuộn phim ORWO của tôi nhưng tôi cảm thấy mình phải ghi lại hình ảnh này bằng mọi giá - một nỗi đau không thể diễn tả bằng lời.

Vậy là tôi nói chuyện với bà cụ, xin phép bà được di chuyển chiếc cáng ra phía gần cửa. Bà cụ không hiểu lời tôi, bà chỉ đi theo chiếc cáng như thể đang ở trong cơn mơ. Tôi xin bà tha thứ và tự hứa sẽ vạch mặt tội ác của chiến tranh bằng tấm ảnh này.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 2.

Người bà khóc thương bên thi thể cháu bé sau một trận bom trút xuống Hà Nội năm 1972. Ảnh: Thomas Billhardt/CameraWork

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 3.

Mùa hè năm 1969, tạp chí Free World cử tôi đến Việt Nam cùng biên tập viên Fritz Jahn, và những gì chúng tôi chứng kiến trên hành trình đến sông Bến Hải vượt quá khả năng tưởng tượng.

Không một ngôi làng hay thị trấn nào còn nguyên vẹn sau những trận bom. Không một bệnh viện, trường học, khu dân cư, nhà trẻ hay chùa chiền nào tránh khỏi sự tàn phá của chiến tranh.

Bom Mỹ đã phá hủy mọi thứ, những cuộc tấn công chia làm 3 giai đoạn: Làn sóng đầu tiên là thả bom san phẳng tất cả, kế đến là bom Napalm cháy rực với nhiệt độ kinh hoàng khiến người dân phải rời hầm trú ẩn, và cuối cùng là bom bi - mỗi hộp chứa tới 800 viên, lực sát thương cực lớn, va chạm không khác nào đạn bắn từ súng lục nhưng dày đặc.

Điểm đến của chúng tôi là Vĩnh Linh, một thị trấn nằm ngay bên bờ Bến Hải. Tất cả những gì chúng tôi có thể thấy chỉ là những đống đổ nát. Người dân ở đây phải đào sâu 40 mét xuống dưới lòng đất để sinh sống.

Tại đó, chúng tôi gặp những nữ thanh niên xung phong tuổi chưa đầy 20, những cô gái vui vẻ, trong sáng, tươi cười cần mẫn sửa đường sau những trận bom - trong số đó có Hồng Lí, một cô gái đến từ Hà Nội.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 4.

Lí và các đồng đội nhận diện được mọi loại bom: bom bi, bom nổ mạnh, bom hẹn giờ, bom từ trường lắc lư khi rơi, và bom vô tuyến có ăng-ten trông giống mầm cây, có khả năng truyền tín hiệu về căn cứ không quân Mỹ khi nghe thấy tiếng động cơ hoặc cả âm thanh bước chân người.

Hồng Lí kể với chúng tôi, rằng có những thời điểm máy bay bay thấp đến mức nhìn thấy cả phi công, nhất là khi lính Mỹ dùng súng tấn công những người sửa đường.

Đội có 45 người, lúc đó 12 người đã hy sinh.

Tôi hỏi Lí: "Điều đầu tiên em sẽ làm khi hòa bình, được về nhà là gì?".

- "Em sẽ ra Bờ Hồ và uống một cốc chanh đá - thật nhiều đá", Lí trả lời.

Mong ước của Lí thật giản dị. Nhiều đồng đội của cô đã ngã xuống trong chiến tranh. Giữa sự khốc liệt ấy, người ta dường như không nghĩ đến cái gì xa xôi, mà chỉ có những mong muốn rất đỗi giản đơn. Họ vẫn lạc quan, vẫn làm thơ, vẫn viết thư tình.

Bom rơi đạn lạc không phá hủy được khát vọng sống và sự lãng mạn trong những con người trẻ tuổi ấy. Điều này tôi đã bắt gặp trong nhiều hành trình tới Việt Nam. Khi tác nghiệp trong chiến tranh biên giới phía Bắc, trên những chặng đường vương xác bom, tôi vẫn bắt gặp những người lính thổi sáo, hát ca, súng đeo trên vai nhưng tay vẫn cầm một nhành hoa đỏ.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 5.
Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 6.

Bộ phim Pilots in Pajamas mà tôi tham gia lần đầu tiên tới Việt Nam được chiếu khắp thế giới, sức ảnh hưởng ở mức không tưởng tượng được.

Các cuộc phỏng vấn lột tả một khía cạnh của cuộc chiến. Khi được hỏi, những người phi công Mỹ không biết gì về Việt Nam, trước khi đến đây nhiều người thậm chí không biết đất nước này nằm ở đâu. Dù vậy, họ vẫn có cơ hội sống sót cao hơn so với những người dân Việt Nam sống dưới bầu trời Hà Nội.

Họ được cấp một bộ dụng cụ sinh tồn, trong đó có 1 tấm vải để cầu cứu, xin giúp đỡ bằng nhiều ngôn ngữ (gồm cả tiếng Việt) và 1 khẩu súng lục để tự sát nhằm tránh bị bắt. Scheumann hỏi liệu họ đã dùng tấm vải hay khẩu súng đó chưa. Tất cả đều trả lời là chưa.

Chúng tôi tới Nhà tù Hỏa Lò, lúc đó được gọi là Hilton Hỏa Lò, nơi giam giữ các phi công Mỹ. Điều kiện sinh hoạt ở đó không tệ, hàng tuần họ được làm lễ thánh, có cả mục sư, ăn uống đầy đủ.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 7.
Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 8.

Phi công Mỹ bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò: Rơi nước mắt khi đọc thư nhà (trái) - Trả lời phỏng vấn cho phim tài liệu "Pilots in Pajamas" (phải). Ảnh: Thomas Billhardt/CameraWork

Về sau, khi chiến tranh kết thúc và họ được trả tự do, có người còn nói rằng khoảng thời gian bị giam cầm như tra tấn, đơn giản vì không có điều hòa trong những đêm nóng bức ở miền nhiệt đới. Thế nhưng vào thời điểm đó, người dân miền Bắc Việt Nam có lẽ chẳng mấy ai được biết tới điều hòa.

Trong khi quay bộ phim tài liệu năm 1967, tôi đã có cơ hội chụp cảnh bàn giao phi công Mỹ bị bắt giữ cho quân đội. Một cô gái Việt Nam bé nhỏ, tay cầm súng trường gắn lưỡi lê áp giải người đàn ông Mỹ cao to đi qua cánh đồng lúa. Trong đầu tôi lúc ấy lập tức nghĩ đến hình ảnh David và người khổng lồ Goliath.

Những bức ảnh của tôi chụp Wayne Waddell - người phi công Mỹ bị bắt giữ - cùng bài viết của Heynowski và Scheumann đã xuất hiện khắp thế giới: trong tạp chí Life của Mỹ, Paris Match của Pháp, Stern, Der Spiegel và nhiều tạp chí khác.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 9.

Phi công Mỹ bị lực lượng dân quân bắt giữ và chuyển giao cho bộ đội. Ảnh: Thomas Billhardt/CameraWork

Hơn một phần tư thế kỷ sau, vào năm 1996, khi chiến tranh Việt Nam đã lùi xa, Waddell đến thăm tôi tại Kleinmachnow. Chuyến đi của Waddell được tình báo quân sự Mỹ theo dõi chặt chẽ.

Lúc này nước Đức đã thống nhất, các mật vụ Mỹ tới nhà tôi, tìm tư liệu về người Mỹ mất tích. Tôi có thể giúp họ phần nào bởi trong các chuyến đi đến vùng chiến sự, tôi đã chụp nhiều ngôi mộ, thậm chí cả thi thể của những binh lính Mỹ, trên đó vẫn còn đeo thẻ nhận dạng.

Các mật vụ Mỹ nói với tôi rằng "Pilots in Pyjamas" và những ấn phẩm quốc tế có các bức ảnh của tôi đã gây tổn thương sâu sắc cho người Mỹ. Khi đó, họ từng tính kế để lấy được những tài liệu mang tính chỉ trích nước Mỹ, thậm chí còn lên kế hoạch đánh cắp hoặc phá hủy kho lưu trữ ảnh của tôi. Nhưng hồi đó vẫn còn bức tường Berlin và nhờ nó mà tư liệu của tôi được an toàn.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 10.
Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 11.

Ngày 20 tháng 4 năm 1975, tôi trở lại Việt Nam - cùng một nhóm nhà báo quốc tế đến Đà Nẵng.

Lúc này, cuộc chiến đang đi tới hồi kết. Các chiến lược gia ở Washington phải thừa nhận họ không thể chiến thắng trước một dân tộc kiên cường như vậy.

Ở Đà Nẵng, quân đội Mỹ từng duy trì một trong những căn cứ lớn nhất, với một lượng lớn thiết bị quân sự. Giờ thì vũ khí, mũ sắt, quân phục bị bỏ lại vương vãi. Khắp nơi đều là bằng chứng của một cuộc tháo chạy vội vã. Những lính Mỹ cuối cùng đã lái xe jeep thẳng ra biển để lên tàu đổ bộ. Gần hai chục chiếc xe tăng bị bỏ lại, trơ trọi giữa làn nước.

Trong khi đó, trên con đường ven biển Việt Nam, những người giải phóng quân lái những chiếc W50, L60 từ Ludwigsfelde (nhà máy ở Đông Đức), những chiếc xe tải quân sự của Liên Xô như SIL tiến về phương Nam, tay đặt trên vô lăng, đầu nghiêng ra ngoài cửa sổ đón gió, phía sau thùng xe là những gương mặt trẻ trung phấn khởi reo hò.

Vài tuần sau, ngay khi Sài Gòn được giải phóng, tôi cũng lái chiếc xe jeep cùng Peter Jacobs từ tạp chí NBI xuôi về phía Nam. Thành phố lúc này đã bắt đầu mang dáng hình sôi động, tươi vui.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 12.

Sài Gòn sau ngày giải phóng. Ảnh: Thomas Billhardt/CameraWork

Tuy nhiên, khu phức hợp của Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thì chìm trong sự im lặng chết chóc. Lực lượng giải phóng quân đã tiếp quản khu vực này. Họ cho chúng tôi vào và để chúng tôi thấy những song sắt bảo vệ bị phá, những chiếc camera giám sát vô dụng, những băng đạn trống rỗng, két sắt hỏng, giấy tờ bị xé vụn, băng ghi âm rách nát và hồ bơi bị bỏ hoang...

Đó là những gì cuối cùng còn sót lại của một trung tâm liên lạc trọng yếu, nơi từng được mệnh danh là pháo đài ngoại giao, và cũng là tàn tích của một trong những cuộc chiến dài hơi nhất thế kỷ 20.

Cốc nước chanh giữa hòa bình và khoảnh khắc Việt Nam khiến nhiếp ảnh gia Đức nhớ suốt cuộc đời- Ảnh 13.

Ngày 23/1/2025, Thomas Billhardt đã rời cõi tạm. Trước đó hơn 1 năm, vị nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới vẫn trở lại Việt Nam, lần này trong vai trò như một đại sứ du lịch. Trên tay vẫn là 1 chiếc máy ảnh, ông ghi lại hình ảnh của một Việt Nam mà ông luôn yêu mến - giờ đã "đẹp đẽ, hiện đại hơn, có tương lai rộng mở". Dù là thời chiến hay thời bình, góc nhìn của Thomas Billhardt vẫn đậm chất nhân văn, có lẽ bởi ông luôn tâm niệm như đã chia sẻ với chúng tôi vào một trong những chuyến thăm cuối cùng tới Hà Nội: "Tôi chụp ảnh để thấm thía giá trị của tự do".

Bài viết dựa trên cuộc phỏng vấn với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt năm 2019 tại Hà Nội, và cuốn hồi ký của ông xuất bản năm 2017.

Xin chân thành cảm ơn ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Huyền Diệu đã giúp chúng tôi thực hiện bài viết này.


Thi Anh
Thomas Billhardt | CameraWork, Thanh Phạm
Bạch Quả

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.