Cơn sốt TikTok: Sáng tạo hay mầm phá hoại?

TikTok, ứng dụng mạng xã hội chia sẻ các video giải trí tự làm đang trở thành cơn sốt trên toàn cầu với 800 triệu người dùng hàng tháng. Sự phát triển thần tốc của ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc đang đe dọa nhiều mạng xã hội danh tiếng khác như Facebook, Youtube cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về những hệ lụy tiêu cực và xâm phạm quyền riêng tư.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã gọi TikTok là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và đe dọa cấm cửa ứng dụng này hoạt động trên đất Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội thu hút giới trẻ bị chỉ trích.

TikTok đã hai lần bị buộc tội vi phạm luật bảo vệ trẻ em ở Mỹ, bao gồm cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản mà không có sự đồng ý của phụ huynh, cùng với đó là nguy cơ thu thập dữ liệu như ảnh, tiểu sử và vị trí ngay cả khi tài khoản được đặt ở chế độ riêng tư.

Giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại khả năng TikTok bị Trung Quốc sử dụng cho mục đích bất chính. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay dữ liệu về người dân Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, thông tin bạn bè".

Nhưng điều gây tranh cãi nhất của TikTok không phải những nguy cơ liên quan đến quyền riêng tư mà là những nội dung, trào lưu chia sẻ trên mạng xã hội này ngày càng trở nên mất kiểm soát, nguy hiểm, lan truyền một cách tiêu cực.

Không thể phủ nhận cộng đồng TikTok – hầu hết là những người trẻ - rất sáng tạo và kỳ công trong các clip mang đậm dấu ấn cá nhân, có tính giải trí cao. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những thử thách oái oăm, gây sai lệch thông tin, hoặc chơi khăm gây chết người.

Năm ngoái, trào lưu có tên "thử thách gạt chân khi nhảy" xuất phát từ Mỹ đã nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trên TikTok. Theo đó, thử thách sẽ có ba người tham gia cùng nhảy với nhau, hai người bên ngoài sẽ lừa người đứng ở giữa nhảy, sau đó họ sẽ dùng chân gạt để người ở giữa trượt ngã.

Nhiều người cảm thấy thích thú khi lừa được bạn của mình và hả hê khi nhìn nạn nhân ngã đau điếng dưới đất. Nhưng họ không biết rằng trò đùa này nguy hiểm tới mức nào. Năm ngoái, diễn đàn Reddit đã chia sẻ trường hợp một cô gái ở Brazil tử vong vì thử thách này. Cô gái bị 2 người bạn gạt chân té ngã, nhưng không may khiến đầu đập đầu mạnh xuống đất dẫn tới cái chết đầy thương tâm.

Một trong những thử thách gây tranh cãi khác là "ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân" trên TikTok. Theo New York Post, việc ăn cà rốt chấm mù tạt được cho sẽ gây nên chứng rối loạn ăn uống với người làm theo. Có các tài khoản trên TikTok khoe rằng một ngày họ chỉ ăn vỏn vẹn 900 calo, khiến nhiều người cho rằng nếu mình cũng ăn như vậy thì sẽ có vóc dáng đẹp tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đó là thói quen gây hại, bởi làm vậy sẽ khiến họ bị đói, gây nguy hại sức khỏe về lâu dài.

Nhiều ngôi sao TikTok đang cổ súy cho lối ăn uống không lành mạnh, như ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân nhằm câu tương tác, tăng sự nổi tiếng cho bản thân, trong khi những người khác lại mù quáng làm theo và lan truyền rộng rãi hơn.

Ở Việt Nam, TikTok cũng thành trào lưu sáng tạo của giới trẻ và cũng có không ít những thử thách, trò đùa bị chỉ trích. Hôm 30/7, sở Thông tin và Truyền Thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt một cá nhân đăng tải clip trên ứng dụng TikTok có nội dung kỳ thị Đà Nẵng đang chống dịch Covid-19.

Clip mô phỏng một buổi chào đón nhân viên mới, trong đó một người đóng vai “chủ tịch” tỏ vẻ kì thị, khó chịu khi nghe cô gái nói đến từ Đà Nẵng, do nơi đây đang bùng phát những ca bệnh mới. Sau đó, nhóm người này thực hiện nhiều động tác xua đuổi “cô gái Đà Nẵng” một cách phản cảm.

Clip nhanh chóng khiến dư luận phẫn nộ. Trong lúc cần có sự chung tay đồng lòng vì Đà Nẵng hơn thì nhóm người này lại kích động, gây chia rẽ, cười cợt bằng trò đùa nhảm nhí, vô duyên.

Mặc dù bị chỉ trích vì những nội dung gây sai lệch, TikTok đã không có động thái giải quyết nào vì cho rằng những video đó không vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của họ. Lời giải thích đó có vẻ như không thỏa đáng đối với chính quyền nhiều quốc gia. Đã đến lúc TikTok cần phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát những nội dung mà người dùng tạo ra trên nền tảng của mình.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Tổng thống Trump sẽ "cấm cửa" ứng dụng TikTok ở Mỹ?

Thứ 7, 01/08/2020 | 11:49
Do các quan ngại về TikTok, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc  "cấm cửa" ứng dụng tại Mỹ.