Công lý cho nạn nhân bị bạo lực và sự vùng lên thoát khỏi “tổ kén”… im lặng

Hương Lan

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành gia đình, điển hình như vụ bố bạo hành con gái 6 tuổi ở Bắc Ninh, chồng nhẫn tâm đánh đập vợ ngay cả khi vợ đang ôm con nhỏ (Hà Nội)… làm dậy sóng dư luận xã hội. Đi tìm căn nguyên cho vấn nạn bạo lực gia đình, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS.Nguyễn Thị Kim Quý, hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Sự dã man, tàn bạo bị đẩy quá giới hạn

PV: Những vụ bạo hành gia đình dã man xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”. Theo bà, đâu là căn nguyên của vấn nạn này?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Bạo lực gia đình không còn là câu chuyện của riêng mỗi gia đình mà là vấn đề của toàn xã hội. Xem những hình ảnh bố bạo hành con đến gãy tay, chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ… được chia sẻ trên mạng mà tôi thấy nghẹn lòng. Vấn nạn bạo hành gia đình đang ở mức báo động, sự dã man tàn bạo bị đẩy quá giới hạn. Ít ai có thể hình dung, ở không ít gia đình, chuyện đánh đập, ngược đãi đã là chuyện bình thường, xảy ra nhiều lần, vết thương cũ chưa lành, trận đòn mới đã ập đến.

Theo tôi, cội nguồn của bạo lực gia đình là bất bình đẳng giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn phổ biến nên nhiều người đàn ông tự cho mình quyền được “dạy vợ”. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh tế thường tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc đối với thành viên gia đình và do đó dễ dẫn tới các mâu thuẫn, tranh chấp nếu không biết cách xử lý phù hợp có thể gây nên bạo lực gia đình.

Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm…là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bạo lực gia đình. Thực tế từ nhiều vụ việc cho thấy, 60% nạn bạo hành gia đình xảy ra sau khi người chồng uống rượu hay dùng các chất kích thích.

Ảnh hưởng từ mạng xã hội cũng đang tạo ra những “phản ứng ngược”, thay vì thức tỉnh nhiều người lại bị ảnh hưởng từ những vụ án và tăng thêm “hung tính”. Theo đó, khi cộng dồn những áp lực, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, người chồng dễ “trút giận” lên đầu vợ, con.

TS.Nguyễn Thị Kim Quý

PV: Có khi nào, chính những người phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi hàng ngày lại không coi đó là bạo hành và vô tình “tiếp tay” cho vấn nạn này gia tăng, thưa bà ?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Như tôi vừa nói, nhiều người đàn ông cho mình quyền được “dạy vợ” và tâm lý của người phụ nữ là cam chịu, họ không lên tiếng tố cáo và cách nghĩ “xấu chàng thì hổ ai” đã gây ra một chuỗi nhận thức sai lầm khác. Có người nghĩ chịu đựng để giữ êm ấm nhà cửa, vì tương lai các con, để giữ vỏ bọc “gia đình nề nếp”, họ cắn răng chịu đựng đòn roi, bạo hành.

Không chỉ người trong cuộc mà những người xung quanh như bạn bè, hàng xóm, đoàn thể, thậm chí chính người thân trong gia đình thường khuyên nhủ người phụ nữ chịu đựng người chồng vũ phu để "gìn giữ gia đình". Trong bối cảnh như thế, cho dù người phụ nữ bị bạo hành muốn tự giải phóng cho mình song không tìm được nơi bấu víu, nương tựa nên đa số phải từ bỏ ý định thoát khỏi cuộc hôn nhân bế tắc.

Bị đe dọa đến mạng sống vẫn…im lặng?

PV: Nín nhịn để giữ gìn hạnh phúc gia đình nhưng vì sao nhiều phụ nữ vẫn chọn cách im lặng ngay cả khi sự sống bị đe dọa ngay chính trong gia đình của mình, thưa bà?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Nạn nhân của các bạo lực gia đình không phải ai cũng biết tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình, không ít người phụ nữ đã chọn con đường chấp nhận bạo hành và giữ im lặng.

Trong quá trình làm tư vấn, tôi nhận thấy, có rất nhiều lý do khiến người phụ nữ chịu đựng bạo hành như điều kiện kinh tế phụ thuộc, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ chồng lấy mất quyền nuôi con, đến tính mạng hoặc thân nhân, sợ điều ra tiếng từ dư luận làm tổn thương đến danh dự của mình và gia đình... Thế nên, phần lớn các vụ bạo hành nghiêm trọng lại kết thúc bằng “hoà giải”, bằng “rút đơn và quay về”.

Điều đau lòng, tôi đã gặp không ít trường hợp sau khi đã hoà giải, cơ quan chức năng vào cuộc, người chồng cũng viết giấy cam kết với cơ quan công an sẽ không có hành động, lời nói đe doạ, đánh đập vợ nhưng khi quay trở về chung sống với nhau, người vợ lại bị đối xử tồi tệ hơn.

Công an Bắc Ninh giải cứu bé A. bố giam giữ trong nhà

PV: Nhìn từ những vụ bạo hành gia đình gần đây, có ý kiến cho rằng giá trị gia đình truyền thông đang bị đứt gãy. Bà có nhận định gì về quan điểm này?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Dẫu không muốn nói ra nhưng đã và đang có rất nhiều người lo lắng có một sự đứt gãy các giá trị gia đình truyền thống. Chưa bao giờ kỷ cương gia đình bị nhạt nhòa như bây giờ, không còn sự kết nối chặt chẽ, các cá nhân thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc và kiểm soát. Sự đứt gãy này làm phát sinh nhiều hệ lụy đau lòng. Thậm chí, có những vụ án mà nạn nhân và hung thủ là những người thân trong gia đình: Vợ - chồng; cha mẹ - con khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Đã đến lúc cần xem sự đứt gãy mối quan hệ gia đình là 1 nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trừng phạt bạo hành gia đình

PV: Gia đình được coi là tổ ấm nhưng khi đã trở thành “địa ngục trần gian”, theo bà, liệu người phụ nữ có nên tự giải thoát?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Khi cuộc sống gia đình đã trở thành “địa ngục” không thể cứu vãn được nữa thì người vợ bị chồng bạo hành không nên duy trì hôn nhân. Mặt khác, khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng chứ không thể trông chờ vào những người xung quanh. Kinh nghiệm là phải phản kháng ngay từ đầu khi mức độ bạo hành còn nhẹ chứ không để đến lúc mức độ bạo hành đã trở nên nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, với sự trợ giúp của mạng xã hội, sự vào cuộc các cơ quan chức năng đã giúp cho người dân ý thức hơn về mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo hành gia đình, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với các hình thức bạo lực gia đình, tạo không gian an toàn hơn cho phụ nữ. Tuy nhiên, theo tôi cần thêm sự lên án mạnh mẽ trong dư luận xã hội cũng như sự can thiệp, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng đối với các hành vi bạo hành trong gia đình chắc chắn sẽ phần nào cảnh tỉnh những hành vi vi phạm pháp luật cũng như nguy cơ bạo hành gia đình.

Vụ người chồng đánh đập vợ xảy ra ngày 27/8 ở Long Biên (ảnh cắt từ clip)

PV: Theo bà, đâu là giải pháp để phòng, chống bạo lực gia đình?

TS.Nguyễn Thị Kim Quý: Theo quan điểm của tôi, biện pháp tốt nhất để phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay là tăng cường tuyên truyền giáo dục để người phụ nữ hiểu được mình đang bị bạo lực và thấy được trách nhiệm của bản thân cần phải lên tiếng và trình báo chính quyền địa phương khi bị bạo hành.

Để bảo vệ quyền lợi cho mình, các nạn nhân của bạo lực gia đình cần tự trang bị kiến thức pháp luật để có hành động hợp lý, có thể nhờ đến sự can thiệp của luật pháp trong trường hợp cần thiết. Nạn nhân có thể nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia về pháp luật hoặc luật sư tư vấn để tìm hiểu quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc giải quyết các vụ bạo hành gia đình chứ không nên quan niệm đó là chuyện nội bộ gia đình. Hiện nay, đang có rất nhiều sự giúp đỡ những người bị bạo hành, vấn đề chỉ còn ở chính những người bị bạo hành. Lời khuyên được nhắc đến rất nhiều đối với những người bị bạo hành là nhẫn nhịn chịu đựng không phải là cách để gia đình có được hạnh phúc.

Ở Việt Nam, dù đã có nhiều nỗ lực phòng chống bạo lực gia đình cả về mặt luật pháp và xã hội nhưng con số về các vụ bạo lực gia đình vẫn rất nóng bỏng. Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý (tùy tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật-PV) để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình, tuy nhiên các vụ việc bị đưa ra xử lý không nhiều. Theo tôi, chỉ khi những đối tượng bạo hành bị trừng phạt nghiêm mới đủ sức răn đe.

PV: Xin cảm ơn bà!

“Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn thành viên khác trong gia đình; tác động tiêu cực đến lực lượng lao động, hoạt động kinh tế. Đặc biệt, bạo lực trẻ em trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng căng thẳng, sợ hại, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung và không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn cùng lứa tuổi, có xu hướng kép kín với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, nhiều trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, và học theo hành vi của người lớn bạo lực lại người khác; thiếu tin tưởng vào người lớn; có thể có các hành vi bạo lực như người lớn; chán nản và có ý nghĩ tự tử; thậm chí tự tử”, TS. Nguyễn Thị Kim Quý nhận định.

H.L