img

CSGT cấp huyện được trao quyền xử lý xe vi phạm trên quốc lộ: Liệu có “quá sức”?

Nguyễn Lâm

Thừa nhận rằng, việc lực lượng CSGT cấp huyện được phép tự bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại một số tuyến quốc lộ trên địa bàn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT. Song, vẫn còn những băn khoăn về việc “quá sức” so với nhân lực được bố trí tại địa phương.

Gỡ khó cho CSGT cấp huyện

Mới đây, bộ Công an đã ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 5/8/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).

Điểm mới của Thông tư lần này là lực lượng Công an cấp huyện được phép tự bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải là tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) phức tạp, bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thị trấn thuộc huyện.

Trao đổi với phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, - cho biết, quy định này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện.

img

Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

“Thực tế, lực lượng CSGT cấp huyện ở nhiều địa phương lâu nay vẫn được Công an tỉnh ủy quyền để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến quốc lộ trên địa bàn huyện. Thông tư lần này đã phân cấp cho lực lượng CSGT cấp huyện, tạo điều kiện để lực lượng này được tự tổ chức kiểm tra, xử lý, bảo đảm TTATGT trên địa bàn”, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn chia sẻ.

Còn theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP Hà Nội): “Theo Thông tư 01/2016 của bộ Công an quy định, CSGT Công an huyện không đủ thẩm quyền để xử lý tại các tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn các huyện. Điều này tạo ra “kẽ hở” để các đối tượng vi phạm giao thông cố tình vi phạm, qua mặt, gây khó khăn cho lực lượng CSGT cấp huyện khi làm nhiệm vụ.

Thông tư này của bộ Công an đã giải quyết được vướng mắc về cơ chế cho lực lượng CSGT cấp huyện trong công tác đảm bảo ATGT. Đây cũng được coi là tiền đề cho tương lai theo xu hướng tinh gọn, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bằng cách sáp nhập các đơn vị hành chính, cấp xã, cấp huyện”.

Liệu có quá sức?

Đồng tình, ủng hộ với Thông tư 65/2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSGT cấp huyện của bộ Công an, thế nhưng nhiều ý kiến cũng băn khoăn, quy định trên được ban hành thì liệu lực lượng CSGT địa phương có bị “quả tải”?

Những lo lắng trên của người dân cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ, bên cạnh khó khăn về trang thiết bị, đặc thù của địa phương,… thì khó khăn về nhân sự cũng là một trong những lý do mà lực lượng CSGT nói chung và CSGT cấp huyện nói riêng đưa ra khi chưa xử lý dứt điểm, để tồn tại những bất cập trên địa bàn, đặc biệt là tình trạng xe quá khổ, quá tải lộng hành.

Mới đây nhất, trong cuộc trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp luật về khó khăn trong xử lý xe quá khổ, quá tải ở tỉnh lộ 421B (đoạn qua địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội), Thượng úy Nguyễn Quang Vinh - Đội phó đội CSGT-TT (Công an huyện Quốc Oai) - thừa nhận, mặc dù đơn vị đã nỗ lực hết sức trong việc xử lý xe quá tải nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tình trạng xe quá tải ngang nhiên lộng hành trên tuyến tỉnh lộ 421B vẫn tồn tại, khiến người dân bức xúc. Song, với 11 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên địa bàn 21 xã, thị trấn của huyện Quốc Oai nên nhiều khi không đảm bảo được quân số để tiến hành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

img

Xe quá khổ quá tải lộng hành trên tỉnh lộ 421B.

Trả lời về câu hỏi liệu rằng, việc CSGT cấp huyện được trao thêm quyền hạn và nghĩa vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trên các quốc lộ trên địa bàn có “quá sức” đối với đơn vị? Thượng úy Vinh cho biết, nếu được trao thêm nhiệm vụ mà quân số vẫn giữ nguyên thì đơn vị sẽ xem xét để báo cáo, đề nghị tăng cường nhân lực thì mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao.

Cùng chia sẻ về những khó khăn của lực lượng CSGT cấp huyện trong công tác xử lý vi phạm giao thông, ông Bùi Thống Nhất - Trưởng công an huyện Văn Bàn (Lào Cai) - cho biết, huyện Văn Bàn là một huyện miền núi, trên địa bàn có một bộ phận dân cư là người dân tộc thiểu số, hiểu biết về luật Giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông gặp phải một số khó khăn nhất định.

Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT phải phối hợp giữa tuyền truyền và xử lý, nhiều trường hợp lực lượng chức năng chỉ tuyên truyền cho người dân biết và hiểu luật rồi cho họ tiếp tục tham gia giao thông.

Thông tin tới PV, một cán bộ cục CSGT (bộ Công an), cho biết: “Hiện, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về số lượng cán bộ, chiến sĩ tại lực lượng CSGT cấp huyện. Quân số của lực lượng CSGT được thay đổi dựa theo chỉ đạo của Giám đốc công an tỉnh và phụ thuộc vào đặc thù của từng địa bàn. Có trường hợp một huyện ở khu vực miền núi chỉ có 4 - 5 chiến sĩ, thế nhưng tại TP Hà Nội, do tình hình giao thông phức tạp, diện tích lớn nên một đội CSGT huyện có tới hơn 20 chiến sĩ”.

N.L

img