Cuộc chiến giành giật sự sống với “tử thần” mang tên Covid-19

Anh Ngọc

Bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc hiệu, ngoài ra bệnh này có một đặc điểm là diễn biến rất nhanh. Vì vậy, các y bác sĩ luôn phải bám bệnh nhân 24/24h để kịp thời phát hiện mọi diễn biến, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

Gác niềm riêng, chung tay chiến đấu với Covid-19

Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Nghệ An được đặt tại khối 7, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (trụ sở của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên). Hơn 70 cán bộ của trung tâm được điều động làm nhiệm vụ. Những người này buộc phải cách ly đến khi nhiệm vụ hoàn thành, nghĩa là xa gia đình và chưa xác định cụ thể ngày trở về.

Sau khi biết mình có tên trong danh sách điều động phục vụ Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị Lưu Thị Thỏa – nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên vội nhờ đồng nghiệp cắt giúp mái tóc dài. “Phải cắt bỏ mái tóc dài tôi tiếc lắm, nhưng đầu tóc phải gọn gàng để tránh nguy cơ thành nơi trú ẩn của virus SARS-CoV-2”, chị Thỏa giải thích.

Trong hơn 70 y, bác sỹ ấy, có những người hoàn cảnh khá đặc biệt nhưng vẫn quyết định gác niềm riêng, cùng đồng chí, đồng nghiệp và đồng đội lên tuyến đầu chống dịch.

Như trường hợp chị Nguyễn Hải Thanh - chồng đang trong quá trình điều trị bệnh, thuộc diện ưu tiên nhưng vẫn động viên chồng tự chăm sóc sức khỏe để chị lên đường. Hay như bác sỹ Lê Hữu Nam vừa phẫu thuật ruột thừa được 1 tuần, chưa kịp nghỉ ngơi lại sức cũng đăng ký làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến.

Đặc biệt nhất là trường hợp chị Nguyễn Thị Thùy Linh là Kỹ thuật trưởng, Khoa xét nghiệm của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên. Ngày 3/7, chị đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì nhận tin mẹ chồng qua đời. Do nhiệm vụ nên chị đã phải kìm nén nỗi đau để tiếp tục ở lại bệnh viện.

Hiểu được nỗi lòng kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thùy Linh, Ban giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 đã đồng ý để chị lập bàn thờ bái vọng mẹ chồng ngay trong khuôn viên bệnh viện.

Bác sỹ Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 cho biết: “Nhiều cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ bệnh viện dã chiến đều có con nhỏ, phải nhờ ông bà chăm sóc để lên đường làm nhiệm vụ. Ai cũng có một gia đình để yêu thương và trở về sau những mệt mỏi hằng ngày. Nhưng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, các y, bác sỹ làm nhiệm vụ đều chưa xác định ngày trở về”.

Bệnh viện là nhà, bệnh nhân là ưu tiên số 1

Tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có 25 y bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19. Thế nhưng, thời điểm cao nhất, trung tâm điều trị lên đến 74 bệnh nhân, gấp gần 3 lần số y bác sĩ.

Bác sĩ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc hiệu, nên trước mắt điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Với những trường hợp diễn biến nặng, tổn thương phổi và nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh và sử dụng thuốc chống đông đặc phổi…

“Bệnh này có một đặc điểm là diễn biến rất nhanh. Có trường hợp vừa đi khám qua, quay lại đã tím tái, tổn thương phổi. Đặc biệt, bình thường đặt ống nghe không phát hiện được gì, khi phát hiện được thì bệnh đã nặng. Vì vậy, anh em phải bám bệnh nhân 24/24h để kịp thời phát hiện mọi diễn biến, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp”, bác sĩ Trâm nói.

Ngoài điều trị về bệnh lý, các y bác sĩ kiêm luôn chuyên gia tâm lý, bởi hầu hết các bệnh nhân vào đây đều rất hoang mang. Rồi cũng chính y bác sĩ kiêm luôn người nhà chăm sóc, phục vụ cơm nước cho bệnh nhân hàng ngày. Vất vả, nguy hiểm, áp lực nhưng các y bác sĩ không được để xảy ra sai sót, dù nhỏ nhất, để tránh lây nhiễm chéo cho những người xung quanh.

Nhiều tháng qua, các bác sĩ đã gác lại mọi lo toan chuyện gia đình tình nguyện ở trung tâm chiến đấu, giành giật từng cơ hội sống cho bệnh nhân. Vì vậy, mỗi khi có bệnh nhân diễn biến nặng thì tất cả mọi người đều vô cùng lo lắng. Đến khi chứng kiến có bệnh nhân không qua khỏi, các bác sĩ đều cảm thấy vô cùng đau đớn.

“Điều chúng tôi thấy vui nhất chính là thời khắc được trao giấy chứng nhận cho bệnh nhân đã khỏi bệnh. Bao nhiêu mệt mỏi trong thời gian qua đã được xóa tan. Họ khỏe lại và được ra viện là món quà tuyệt vời nhất, cũng là động lực để các y bác sĩ tiếp tục cố gắng”, bác sĩ Trâm cho hay.

Mới đây, sau khi đi kiểm tra thực tế khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý ghi nhận, mặc dù nhiệm vụ hết sức nặng nề, nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng cán bộ y, bác sỹ vẫn hàng ngày, hàng giờ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân; tìm mọi phương án, phác đồ điều trị để giành giật sự sống cho các bệnh nhân diễn biến nặng.

Nhấn mạnh dịch Covid-19 trong cả nước và trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An mong muốn cán bộ, nhân viên, đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm bệnh Nhiệt đới tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh; tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.

Tính đến ngày 24/7, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 187 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 14 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 97 bệnh nhân. Số bệnh nhân chuyển tuyến Trung ương điều trị là 2 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong là 1 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị trên địa bàn tỉnh là 83 bệnh nhân.

A.N