img

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đua của bất ngờ và những “kịch bản” khi TT Trump mắc Covid-19

Vũ Thu Hương

Cuộc đua giành vào Nhà Trắng vẫn còn ở phía trước song những diễn biến bất ngờ cho thấy bầu cử Tổng thống Mỹ luôn kịch tính và đầy biến ảo…

Lịch trình bầu cử có bị đảo lộn?

Tổng thống Mỹ đã rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed sau 4 ngày nhập viện vì nhiễm Covid-19 và trở về Nhà Trắng để tiếp tục điều trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đeo khẩu trang y tế màu trắng, mặc vest màu xanh hải quân, thắt cà vạt xanh sọc trắng và tự đi ra từ trung tâm quân y lúc 18h38 ngày 5/10 (giờ địa phương), xung quanh ông là các vệ sĩ cũng đeo khẩu trang. Phóng viên đặt câu hỏi nhưng ông không trả lời và chỉ nói cảm ơn.

Ông Trump nhiều lần giơ ngón tay cái thể hiện mọi việc vẫn ổn, cũng như giơ nắm tay thể hiện sự quyết tâm trước khi lên ô tô màu đen di chuyển ra vị trí trực thăng Marine One đậu sẵn.

img

Sau khi trở về Nhà Trắng, ông Trump một mình đi lên tầng hai trong khi các vệ sĩ ở lại bên dưới. Ông đứng trên ban công, cất khẩu trang vào túi áo và giơ tay chào kiểu nhà binh với các sĩ quan trên chiếc trực thăng đang chuẩn bị rời đi. Tổng thống Mỹ tiếp tục giơ ngón cái lần nữa trước khi trở vào trong.

Ông Trump sẽ tiếp tục được điều trị Covid-19 tại Nhà Trắng, nơi có đội ngũ bác sĩ và các thiết bị y tế cần thiết.

Trước đó, ông Trump thông báo trên Twitter về việc xuất viện. "Tôi sẽ rời Trung tâm Quân y Walter Reed tuyệt vời vào 18h30 hôm nay. Tôi cảm thấy thực sự khỏe! Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Dưới thời chính quyền Trump, chúng tôi đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thực sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy khỏe hơn so với 20 năm trước!", Tổng thống Mỹ cho hay.

Quốc hội Mỹ vẫn chưa lên tiếng trước các đồn đoán cho rằng việc ông Trump mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới lịch bầu cử Tổng thống ra sao. Tuy nhiên, thông tin này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới chiến dịch tranh cử của nhà lãnh đạo Mỹ khi chỉ còn 32 ngày nữa là tới Ngày bầu cử (3/11).

Bắt đầu những màn “so găng”

Trước đó, trong cuộc tranh luận Tổng thống căng thẳng và kịch tính tối 30/9 tại Cleveland, Mỹ, điểm đồng thuận hiếm hoi của hai ứng viên, ông Donald Trump và ông Joe Biden là sự đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, không phải ông Trump hay ông Biden mà chính Trung Quốc mới là "người thắng" trong cuộc đối đầu này.

Trong hơn 90 phút tranh luận, qua sáu chủ đề chính là hồ sơ lý lịch của các ứng viên, tòa Tối cao, đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ, bạo lực sắc tộc ở các thành phố Mỹ và tính toàn diện của tiến trình bầu cử, cách ông Trump và ông Biden tranh luận khiến người dân nhiều nước bối rối về nền dân chủ Mỹ.

Trong phần cuối cuộc tranh luận, ông Trump đã chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua thư, đồng thời kêu gọi người ủng hộ "hãy đến các điểm bỏ phiếu và xem xét thật cẩn thận" vì những lo ngại của ông về nguy cơ "đánh cắp bầu cử".

Dù ông Trump thường xuyên đưa ra các tuyên bố tương tự trong suốt chiến dịch tranh cử, song nhà bình luận của hãng tin CNN, Griffiths cho rằng vẫn khá bất ngờ khi thấy một Tổng thống tại nhiệm chống lại chính hệ thống bầu cử của quốc gia, với ngụ ý nó đã bị phá vỡ hoặc dễ dàng thao túng, nguy cơ dẫn tới một cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử cuối cùng.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã cố gắng quảng bá mô hình dân chủ của mình trên khắp thế giới, có thể thông qua sức mạnh mềm, các sáng kiến do dân sự lãnh đạo và cả sức mạnh quân sự. Mỹ luôn nói với thế giới họ là siêu cường khác biệt so với Anh hay Liên Xô, bởi quốc gia này mang tính đại diện và các cuộc bầu cử luôn tự do, công bằng.

Ẩn số châu Á

Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc thường chỉ trích nền dân chủ kiểu Mỹ. Những người ủng hộ cải cách và tự do hóa ở Trung Quốc sẽ phải trả lời cho những thất bại của Mỹ, rằng tại sao nó lại tốt hơn hệ thống mang lại ổn định và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Cuộc tranh luận giữa ông Trump và ông Biden đã giúp củng cố quan điểm đó của Bắc Kinh, nhà bình luận Griffiths nhận định.

Dù cùng giữ quan điểm đối phó với Trung Quốc nhưng chính sách của hai ứng cử viên về vấn đề này khá khác nhau. Nếu tiếp tục trúng cử Tổng thống trong nhiệm kỳ tới, ông Trump nhiều khả năng sẽ sẵn sàng sử dụng các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh từ vấn đề Tân Cương, Hong Kong cho tới Đài Loan, theo Time. Nhà quan sát Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Standford cho rằng hướng tiếp cận đối đầu này đã "nhắm đến nhiều chính sách nội bộ của Trung Quốc".

Ông Trump được cho là ít quan tâm đến việc buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vấn đề như nhân quyền, tự do tôn giáo, quyền lao động và biến đổi khí hậu, vốn là những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington dưới thời Tổng thống George H.W.Bush và Tổng thống Barack Obama.

Năm 2013, ông Tập Cận Bình từng gọi ông Biden là "người bạn cũ của tôi" trong bài phát biểu đầy trân trọng. Ông Biden cũng là một trong những thượng nghị sĩ đầu tiên của Mỹ thăm Trung Quốc vào tháng 4/1979 gặp Chủ tịch Đặng Tiểu Bình chỉ 3 tháng sau khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ chính thức. Cựu Phó Tổng thống Mỹ còn từng có nhiều cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Trung Quốc hiện nay là ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng đến chính sách cứng rắn của ông Biden với Bắc Kinh một khi trúng cử Tổng thống.

Ông Biden khẳng định, công cụ then chốt để đối phó với Trng Quốc là sử dụng những biện pháp như hợp tác với các đồng minh, trong đó có tái đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Trên trang Foreign Affairs, ông Biden từng khẳng định: "Cách hiệu quả nhất để đối phó với thách thức này là xây dựng một liên minh thống nhất gồm các đồng minh và các đối tác của Mỹ nhằm kiềm chế các hành vi lạm quyền và vi phạm của Trung Quốc trong khi tìm cách hợp tác với nước này trên những vấn đề giao nhau về lợi ích".

Hồi tháng 1, ông Biden đã khẳng định mong muốn thúc đẩy một liên minh các quốc gia để cô lập Trung Quốc và thuyết phục nước này cư xử đúng mực hơn. Điều này có lẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo ngại hơn so với 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, người mà một số nhà phân tích cho rằng có các chính sách thực sự hỗ trợ cho Trung Quốc.

Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng và nền kinh tế nước này không ngừng mở rộng, sẵn sàng thách thức vị trí của Mỹ trong thập kỷ tới, dù ai giành chiến thắng thì Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ đối mặt với thách thức to lớn mà chưa có nhà lãnh đạo Mỹ nào gần đây từng phải đối phó, viện Lowy tại Australia nhận định.

Thu Hương

img