Cuộc sống “không âm thanh” của họa sĩ nhí và món quà “tiếp sức” chiến binh chống Covid-19

Cẩm Mịch

Trải qua tuổi thơ kém may mắn với cuộc sống “không có âm thanh”, cậu bé câm điếc ngày nào đã tìm đến những đường nét, màu sắc trong hội họa để “lắng nghe” cuộc sống. Họa sĩ nhí Trần Nam Long vốn là cái tên đã không còn xa lạ với nhiều người yêu thích hội họa, nay càng được mọi người yêu mến hơn khi đấu giá tranh để ủng hộ cuộc chiến chống Covid-19.

Cuộc sống “không âm thanh” đến đam mê hội họa

Chúng tôi ghé thăm căn nhà trọ nhỏ bé nằm nép mình trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi cậu họa sĩ nhí Trần Nam Long (15 tuổi) hiện đang sinh sống cùng mẹ và em gái, vào một buổi chiều muộn khi cái tiết trời se se mang tên “rét nàng Bân” tìm về.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phùng Thị Hiếu (39 tuổi), mẹ Long không ngần ngại trải lòng, suốt bao năm bươn chải ở Hà Nội cũng nếm trải bao nỗi nhọc nhằn, nhưng chị không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong tìm một hạnh phúc giản đơn.

Hơn 14 năm trước, khi Long chưa tròn 1 tuổi, sau trận viêm phổi nặng phải uống kháng sinh liều cao, cậu bé không còn phản ứng với âm thanh xung quanh. Đi khám, bác sĩ kết luận cậu bị điếc, khắc phục được một phần nếu đeo máy trợ thính. Lên 2 tuổi, Long chỉ “ú ớ” trong cổ họng, thích chạy trên đầu mũi chân và nằm dài dưới sàn nhà. Mỗi lần nghe tiếng mẹ ru, cậu bé chỉ cười khành khạch, nằm trên giường vật vã rất lâu mới chìm vào giấc ngủ. Thấy con như vậy, người mẹ trẻ đưa con đi khám, rồi lại nhận thêm tin, con bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng.

Thương con, người phụ nữ ấy nén nỗi buồn để cùng con tập bước những bước chân đầu đời. Đó là cả một quá trình tỉ mỉ và kiên nhẫn, chỉ có thể là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng.

Nghỉ công việc giữ kho và quản lý thu mua cho nhà hàng với một nguồn thu nhập tốt và ổn định, chị về làm nghề giúp việc để có thời gian chăm lo, đưa đón con đi học tại một trường dành cho trẻ câm điếc ở Thanh Xuân.

Ngồi bên cậu con trai đang chăm chú với những bức vẽ, người mẹ nheo mắt nhớ lại: “Lên 3 tuổi, thấy Long nguệch ngoạc những hình khối trên bảng, cô giáo khuyên tôi nên cho con đi học vẽ. Nhưng, thời điểm ấy, tôi vẫn nghĩ rằng: “Nghệ thuật là thứ viển vông, không phục vụ gì cuộc sống sau này”, nên tặc lưỡi cho qua, vì còn bận lo chạy ăn từng bữa...”.

Năm 2016, khi kinh tế tạm ổn, Nam Long được mẹ đưa đến học tại một trung tâm mỹ thuật. Nhưng biến cố ập đến, bố cậu mất đột ngột vì tai nạn giao thông, gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai con nhỏ dồn hết lên vai người mẹ trẻ… “Khi chồng tôi mất, tôi chống chếnh không biết phải làm gì… Cũng vì thế mà Long mới theo lớp học vẽ được một buổi thì phải dừng lại”, chị Hiếu bộc bạch.

Tháng 11/2016, cô giáo cũ gọi điện thông báo về cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên “Cảm xúc trong em”, người mẹ nhìn con vẫn say mê với những đường nét, những gam màu, liền gửi hai bức tranh đến cuộc thi giúp con “thử sức”.

Bất ngờ thay, bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long giành giải đặc biệt, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng ban giám khảo. Một thành viên ban giám khảo nhận dạy vẽ miễn phí cho Long đã nhận xét: “Tư duy của cậu bé này không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành”.

Chiều nào có lịch học là chị Hiếu lại cặm cụi đưa con đến xưởng học vẽ của thầy. Lần đầu được biết đến toan và cọ, cậu bé 11 tuổi như được trở về thế giới của riêng mình. Thay vì dùng bút để căn tỷ lệ thì Long hoàn toàn tưởng tượng. Cậu thường dùng bàn tay vẩy khắp mặt toan rồi mới đặt bút. “Đó là con đang sắp đặt mọi hình ảnh trên khung hình trước khi vẽ”, chị Hiếu cho biết Long chưa bỏ buổi học nào của thầy, bất kể nắng mưa.

Từ khi bước vào hội họa chuyên nghiệp, cậu bé Nam Long như được “tái sinh”, trở nên tập trung và vui vẻ hơn. Có lẽ, từ nhỏ đã quá quen với cuộc sống không có âm thanh nên cậu cảm thấy thật thoải mái khi “vùi mình” vào những sắc màu để “lắng nghe” cuộc sống.

Món quà “tiếp sức” cho cuộc chiến

Những ngày qua, câu chuyện về họa sĩ nhí Trần Nam Long “tiếp sức” cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang được chia sẻ rầm rộ, với một tinh thần lạc quan và sự lan tỏa những niềm tin tươi đẹp nhất, như một cách truyền cảm hứng đến hàng triệu trái tim.

Nam Long và mẹ đã dành một nửa số tiền bán đấu giá bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” để ủng hộ cuộc chiến gian lao này, chung tay cùng Chính phủ quyết đẩy lui đại dịch.

Chị Hiếu nhắc lại cái duyên biết đến cuộc đấu giá tranh hồi cuối tháng 3 vừa rồi: “Khi một người bạn trên Facebook giới thiệu vào chương trình bán đấu giá tranh của cộng đồng Vietnam Art Space để ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, tôi đã hỏi Long: “Nhiều người từng hỏi mua bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” của con nhưng mẹ không bán, vì muốn giữ lại để sau này khi con có triển lãm sẽ mang ra trưng bày. Thế nhưng, giờ mình muốn góp quỹ, không có tiền mặt thì mình mang tranh ra bán để ủng hộ con nhé?!”. Long đồng ý ngay và còn tỏ ra khá hào hứng”.

Sau khi đấu giá thành công, mẹ con chị Hiếu đã ủng hộ một nửa số tiền là 12,5 triệu đồng, khoản còn lại, chị chia sẻ, sẽ dành cho ca phẫu thuật xương của Long vào tháng 8 này.

“Long bị liệt cơ trong và thiếu hụt xương mu bàn chân bẩm sinh nên mỗi lần nhấc bước đi, con thấy rất đau và khó khăn để có thể di chuyển. Con đã được mổ miễn phí năm 2018 và tháng 8 này, con sẽ mổ lần thứ hai. Dù chi phí lần này cao hơn, tôi cũng phải gắng hết sức cho con phẫu thuật, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc tự chủ đi lại của con sau này”, một nét buồn thoáng qua trên gương mặt người phụ nữ ấy.

Không dừng lại ở việc tham gia một chương trình đấu giá tranh của nhóm Vietnam Art Space, chị Hiếu và cậu con trai còn gửi bức ký họa “Phố Châu Long” cho nhóm Usk Hà Nội để tiếp tục tham gia bán đấu giá ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Trong gian phòng nhỏ với rất nhiều họa cụ, cũng chính là “khoảng trời” của riêng mình, cậu họa sĩ nhí vẫn từng ngày mải mê với những bức ký họa, vốn là những ý tưởng thoáng lướt qua trong đầu.

Một bộ tranh mới với những mẩu chuyện mang thông điệp đầy ý nghĩa giữa cuộc chiến chống dịch Covid-19. Dưới đôi tay của cậu họa sĩ nhí, từng đường nét, hình khối dần dần hiện lên, khắc họa rõ nét hình ảnh những chiến binh kiêu hùng với trang phục bảo hộ kín mít trong cuộc chiến.

“Đây là chú bộ đội đang phun khử khuẩn này, đây là bác sĩ đang nhảy theo nhạc này…”, chị Hiếu phiên dịch những lời thuyết minh “ú ớ” của cậu con trai.

Những ngày tháng nghỉ học ở nhà chống dịch, Trần Nam Long vẫn thường xuyên theo dõi và cập nhật tin tức của cuộc chiến này qua truyền hình và mạng xã hội. Có lẽ, chính vì thế, cậu họa sĩ nhí đã dành không ít thời gian để vẽ về những chiến sĩ, những y bác sĩ, những nhân viên phục vụ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đó là giấc ngủ tạm bợ sau những đêm thức trắng chống dịch, đó là những bữa ăn vội sau giờ phục vụ tại khu cách ly, thậm chí, là cả những điệu nhảy để các bác sĩ giải tỏa tinh thần, và đó là niềm tin chiến thắng trước đại dịch… được bàn tay của Long tái hiện thật sinh động.

Những gam màu sặc sỡ đầy ấm áp

Người mẹ nghèo không thể ngờ niềm đam mê với những đường nét, hình khối và màu sắc của con trai lại có ngày “đơm hoa kết trái”.

Nhiều người mến mộ tài năng của Nam Long, quyết định mua những bức tranh của cậu chỉ trong “một nốt nhạc”, sau khi mẹ cậu chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Cũng nhờ vậy, cuộc sống của ba mẹ con cũng đỡ chật vật hơn phần nào. Tiền bán tranh của Long mới đây đã giúp cậu mua được máy trợ thính và cậu bé 15 tuổi lần đầu tiên nghe được những âm thanh “kỳ diệu” của cuộc sống - điều mà với người bình thường tưởng chừng như thừa thãi, nhưng lại là “món quà” tuyệt vời đối với cậu bé nghèo khuyết tật.

Hơn 3 năm kể từ khi được học vẽ chuyên nghiệp, gian phòng nhỏ ngoài chiếc giường ấm áp, còn lại được lấp đầy bởi những bức tranh của Nam Long. Cậu vẽ tất cả những gì mình nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày như góc phố cổ Hà Nội, người phụ nữ bán hàng rong hay cả chiếc loa phường với dây điện chằng chịt xung quanh... Dù là cảnh hay người, tĩnh vật hay cuộc sống nhộn nhịp, tranh của cậu vẫn lấp lánh sự vui tươi và sống động như tâm hồn của một thiếu niên.

Từ ngày nhận ra hội họa thực sự là niềm đam mê của cậu con trai, chị Hiếu tích cực tham gia vào các hội nhóm mỹ thuật để con được học hỏi, giao lưu thêm. Hiện tại, cậu bé 15 tuổi đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nam Long phải nghỉ học, thậm chí, vì phòng tránh dịch nên Long phải “bỏ lỡ” những buổi tập vẽ giao lưu ngẫu hứng cùng các hội nhóm. Mỗi ngày, cậu lại hỏi mẹ những câu quen thuộc: “Mẹ ơi, bao giờ mới hết dịch? Bao giờ con mới được đi vẽ tranh ở ngoài kia?”.

“Tôi nghe mà cũng thấy thương!... Nhưng vẫn còn dịch nên đành cho con tìm niềm vui ngay tại phòng mình”, chị Hiếu gượng cười.

Nhắc đến sở trường và “linh hồn” chủ đạo qua các bức tranh của con, chị Hiếu chia sẻ: “Long thường thích những gam màu rực rỡ, ấm áp, hầu hết các bức tranh của con đều lựa chọn những gam màu nóng như vậy. Có lẽ, bởi con là một cậu con trai rất tình cảm và ấm áp”.

“Long luôn khát khao có một ngôi nhà thật đẹp để ba mẹ con sinh sống, và sau này có điều kiện chăm sóc mẹ. Từ trong sâu thẳm, con rất mong có thể mở được triển lãm tranh cá nhân, chứ không phải chỉ vẽ thật nhiều để bán. Vì thế, tôi cũng đang ấp ủ, sau khi phẫu thuật chân cho con xong, chờ con bình phục, tôi sẽ tích cóp để hoàn thành ước mơ đó cho con.

Hiện tại, mặc dù cũng có nhiều người đặt tranh, nhưng tôi nghĩ con vẫn cần được trau dồi, học hỏi thêm. Hơn nữa, sức khỏe của con cũng không tốt, nên tôi muốn con được nghỉ ngơi thêm… Để con phát triển được năng khiếu, tôi nghĩ mình cần vun đắp, nhưng không thể khiên cưỡng”, người mẹ bồi hồi quay sang, khẽ vuốt mái tóc của cậu con trai vẫn đang chăm chú với những bức vẽ.

C.M