Đa ái ở nước Mỹ: Xã hội trở về thời nguyên thủy?

Điều gì sẽ xảy ra khi khái niệm “ngoại tình” bị khai tử, chúng ta có thể yêu nhiều người cùng một lúc?

img

Theo The New York Times, thị trấn Somerville ở bang Massachusetts, Mỹ vừa thông qua một quyết định bất ngờ, đó là hợp pháp hóa mối quan hệ “đa ái” – khái niệm gây tranh cãi nhiều năm qua. Giờ đây, một người có thể thiết lập thêm nhiều mối quan hệ khác, không còn ràng buộc khuôn mẫu “một vợ một chồng” như trước đây.

Ngay sau sắc lệnh nói trên, Miles Bratton, 47 tuổi, đang cân nhắc việc lập gia đình với Anne Marie Taylor, 43 tuổi, người bạn thân của mình. Bratton quan niệm, khi chính thức được công nhận là gia đình của nhau, cô và người bạn đời cùng giới tính có thể cùng chia sẻ về vật chất, tinh thần.

Cả hai cũng có quyền xây dựng thêm nhiều mối quan hệ yêu đương với người khác mà không còn bị coi là ngoại tình. Thậm chí, cả hai có thể "kết nạp" thêm một người nữa để tạo thành một gia đình 3 người.

Mối quan hệ giữa Bratton và Taylor được gọi là “đa ái” - "polyamory" – khái niệm được đưa vào từ điển Cambridge vào năm 2006. Đa ái là xu hướng cho phép một người có mối quan hệ tình cảm hoặc tình dục với hai hoặc nhiều người cùng một lúc.

Đa ái không còn khái niệm chung thủy, lăng nhăng hay phản bội, thay vào đó là tự do, phóng khoáng, bình đẳng. Đối với mối quan hệ truyền thống, việc một người có quan hệ ngoài luồng là điều không thể chấp nhận, có thể dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình, thì người có quan hệ đa ái được phép gần gũi với thêm nhiều người khác mà vẫn tiếp tục mối quan hệ tình cảm với người bạn đời hiện tại.

Mặc dù bị cho là kéo ngược xã hội về thời nguyên thủy, đa ái bằng cách nào đó đã được công nhận ở một số nơi trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Ban đầu, đa ái xuất phát từ các cặp đôi quan hệ đồng tính, nhưng dần dần nó đã lan sang các cặp gia đình.

Những người bênh vực đa ái cho rằng, bản tính con người vừa ham của lạ nhưng vừa muốn độc chiếm. Con người bị kìm nén, bó buộc vào khuôn mẫu một gia đình đã lâu, ai cũng muốn thoát ra để sống đúng với ham muốn và cuối cùng khái niệm đa ái xuất hiện như vị cứu tinh.

Đa ái sẽ giúp mối quan hệ rộng mở hơn, nhu cầu tình cảm có thể được đáp ứng tốt hơn khi có nhiều người chia sẻ cùng một lúc. Đặc biệt, nó cho chúng ta cơ hội để tìm đối tác phù hợp với nhu cầu của từng giai đoạn trong cuộc đời.

Chắc chắn với một khái niệm đi ngược lại mọi giá trị đạo đức như vậy, đa ái bị chỉ trích rất nhiều. Ai cũng biết rằng con người là sinh vật bậc cao, ý thức của con người tạo nên truyền thống, nghi thức, quy tắc đạo đức, giá trị, chuẩn mực xã hội, và cả luật pháp để định hình nên thiết chế xã hội phù hợp, giúp đi đến nền văn minh tỏa sáng rực rỡ như hiện tại.

Xu hướng đa ái bị chỉ trích là làm băng hoại đạo đức trong hôn nhân, phá hoại nền móng gia đình trong xã hội và tạo ra những tiền lệ xấu đối giới trẻ thời nay. Đa ái được coi là mở đường cho việc hợp thức hóa chuyện ngoại tình, không tôn trọng giá trị thiêng liêng của tình yêu.

Ở Việt Nam, đa ái chưa bị ảnh hưởng rõ rệt, nhưng câu chuyện một người chia sẻ tình yêu bằng cách lấy nhiều vợ cũng từng gây ra những tranh cãi không hồi kết. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Đăng Hành, 70 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, người có đến 16 bà vợ, đều cưới xin đàng hoàng, thậm chí các bà vợ còn chung sống khá hòa bình.

Nhiều vợ là vậy nhưng chính người đàn ông 70 tuổi này cũng phải thừa nhận, "nhiều vợ càng khổ, càng nhiều vợ lại càng cô đơn”, khuyên mọi người không nên học theo mình.

Đa ái chỉ là một trong nhiều xu hướng đe dọa giá trị đạo đức con người thời nay cần được ngăn chặn. Thế mới thấy, con người càng hiện đại càng có những suy nghĩ quái dị, phá bỏ mọi khuôn khổ truyền thống mà nền văn minh tốn công vun đắp, gây dựng trong hàng trăm, hàng nghìn năm.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img