Các cô gái thường than thở rằng gặp người đàn ông đẹp trai, chững chạc, có sự nghiệp, lại tâm lý với phụ nữ mới chọn làm chồng, thế mà cưới nhau về chỉ toàn nước mắt đớn đau. Cũng phải thôi, bởi họ đã sai ngay từ khâu chọn lựa.
Tôi nhớ một cuốn sách thuộc loại bán chạy tại Mỹ có cái tên rất thú vị là “Tất cả đàn ông đều tồi - Cho đến khi chứng minh được điều ngược lại”. Tôi cũng nhớ có một vlog rất nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ chủ đề “Nhận diện trai tốt”. “Thế nào là một người đàn ông tốt” thực sự là nỗi băn khoăn của các cô gái hiện đại.
Tôi thường nghe họ nói với nhau: Chỉ cần tìm một người đàn ông bên ngoài ấm áp, bên trong nhiều tiền. Hay: Đàn ông tốt là đàn ông có tài chính và không có tình trái. Các cô gái bây giờ rất thực tế. Họ không còn tin vào kiểu tình yêu “một mái nhà tranh hai trái tim vàng”. Họ thậm chí bài trừ những chàng trai có học thức, có trí tuệ, có lý tưởng, có cả tâm hồn đẹp mà không có tiền như thầy giáo Ngạn trong bộ phim Mắt biếc.
Điều ấy chính đáng thôi, phụ nữ có quyền yêu cầu người đàn ông của mình là điểm tựa vững chắc về kinh tế như đàn ông có quyền yêu cầu người phụ nữ của mình là hậu phương bình yên, chu toàn con cái, cửa nhà. Ở góc độ nào đó, sự thành đạt của người đàn ông còn thể hiện phẩm chất năng lực của anh ta. Như phát ngôn của một cô diễn viên trẻ gần đây: Đàn ông không đủ tài thì mới nghèo. Riêng chữ nghèo đã đủ đánh trượt một người đàn ông trên đường đua xếp hạng “đàn ông tốt”.
Tất nhiên, đàn ông thành đạt (có tài chính), biết chiều chuộng phụ nữ (bên ngoài ấm áp) và lại thủy chung (không có tình trái), thêm ngoại hình như tài tử nữa thì hoàn hảo. Nhưng ngạn ngôn bảo: Đàn ông tốt như ma, ai cũng nhắc tới mà chưa ai nhìn thấy bao giờ. Còn các cô gái trẻ thì than vắn thở dài: Đàn ông tốt đều có vợ cả rồi. Thực ra, những thứ hoàn hảo giống như ngọc vậy, lúc nào cũng quý, cũng hiếm, ít khi nhìn thấy ở ngoài đời và lại thường chỉ dành cho một nhóm người thượng lưu. Đàn ông tốt cũng thế thôi, nếu có tồn tại thì luôn thuộc về các quý cô.
Thành ra, nếu chiếu theo lý thuyết ấy, những cô gái thường thường bậc trung trở xuống đừng mơ về đàn ông tốt làm gì. Ngay cả trong cổ tích, nếu Tấm không rực rỡ trong xiêm y Phật ban, nếu Lọ Lem không kiều diễm trên đôi giày thủy tinh, vua và hoàng tử nào thèm để mắt tới họ. Để đến được những bữa tiệc xa hoa chốn cung đình ấy và lọt vào mắt xanh của những người đàn ông trong mơ, ngoài sửa soạn một tâm hồn đẹp, Tấm và Lọ Lem còn phải có váy áo lộng lẫy và nhan sắc hơn người.
Bởi vậy nên, câu hỏi “thế nào là đàn ông tốt” không thể có câu trả lời chung cho mọi trường hợp. Chữ “tốt” là một khái niệm tương đối thôi, và nó mang nghĩa “phù hợp” nhiều hơn. Một người đàn ông tốt theo tiêu chí của người này chưa chắc đã tốt theo tiêu chí của người khác. Vua và hoàng tử là tuýp đàn ông tốt trong cổ tích, vì lẽ đơn giản, họ là… vua và hoàng tử. Còn họ ăn ở ra sao, tính cách thế nào, có thủy chung với ba ngàn cung tần mỹ nữ hay không thì cổ tích không nhắc tới. Cũng vậy, thầy giáo Ngạn trong Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh không được xem là đàn ông tốt của các cô gái hiện đại, đặc biệt không phải đàn ông tốt của Hà Lan, nhưng Ngạn lại là người đàn ông trong mơ của Hồng. Cuộc đời này vốn dĩ không có mẫu số chung, bởi thế mà, ngay cả kẻ cướp cũng có người đàn bà yêu thương.
Thế cho nên, các cô gái à, khi tìm “người đàn ông tốt” để trao duyên gửi phận, đừng lấy tiêu chuẩn của số đông làm phép đo, cũng đừng đặt ra những gạch đầu dòng chỉ có trong truyền thuyết. Đàn ông tốt trước hết là người tốt và là người tương đồng với mình. Sự tương đồng ấy chỉ có trực tiếp trò chuyện, gần gũi tìm hiểu mới nhận biết được. Và sự tương đồng ấy quan trọng hơn nhiều chiếc ghế anh ta ngồi, cái ví anh ta dùng, ngôi nhà anh ta ở, vóc dáng anh ta được cha mẹ ban tặng. Một cô gái khôn ngoan sẽ luôn có kỳ vọng hợp lý về người đàn ông của mình, cũng như không ngừng trau dồi, tu dưỡng bản thân. Bởi lẽ, muốn tìm một người đàn ông tốt thì chính mình phải đủ tốt cái đã.
Nam Anh
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.