Đánh học sinh phải nhập viện: Thầy giáo cũng cần học kỹ năng sống

Thủy tiên

Giáo viên đánh học sinh ngất xỉu tại trường, câu chuyện đau lòng xảy ra ở Thanh Hóa khiến nhiều người xót xa và đáng tiếc cho tình cảm thầy trò bỗng phút chốc hóa chuyện du côn ngoài đường, ngoài chợ.

Hành vi đáng lên án

Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thơm, mẹ của học sinh L.P.D., lớp 7B, trường THCS Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, khoảng 10h ngày 15/5, trong giờ học Thể dục do thầy giáo Nguyễn Văn Quân phụ trách, em D. bị giáo viên này đấnh dẫn đến ngất xỉu tại trường.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, trước câu chuyện này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển nhận định: “Theo dõi thông tin trên báo chí, nhưng tôi cũng chưa biết mức độ thực sự của câu chuyện, chưa biết thái dộ của học sinh khi đó sai đến đâu và thầy giáo đã đánh học sinh như thế nào… Tuy nhiên, căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, tôi có những bình luận như sau: Trong trường hợp này, thầy giáo thể dục kia không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo mà còn vi phạm pháp luật vì đã có hành vi gây thương tích, đến mức học sinh bị ngất, phải nhập viện… Thậm chí, khi thầy giáo này đánh học sinh, không chỉ là xâm phạm về mặt thân thể mà còn là sự xâm phạm về mặt tinh thần. Điều này thực sự rất đáng lên án!”.

PGS.TS Lê Quý Đức phân tích thêm: “Làm thế nào để người thầy giáo thu hút học sinh vào bài giảng, để học sinh vâng lời thầy giáo; làm thế nào trang bị kỹ năng sống cho người thầy để người thầy có kỹ năng ứng xử trước những tình huống phạm lỗi của học trò; bổ trợ kỹ năng giảm stress cho người thầy khi trò không hợp tác… Như vậy, khi học trò hư, người thầy sẽ không mất bình tĩnh đến mức phải sử dụng bạo lực đối với học trò.

Tuy nhiên, thầy cô cũng cần có những “quyền uy” trong một phạm vi, khuôn khổ nhất định ở môi trường học đường để răn đe học sinh. Có một số trường hợp, giáo viên chưa kịp động đến học sinh mà phụ huynh đã đùng đùng thổi bùng dư luận, đưa thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng mất kiểm soát… gây sức ép rất lớn đối với thầy cô giáo. Những trường hợp như vậy, “bênh” con quá vô tình khiến con “nhờn”, thậm chí đến mức hành hung, làm nhục, xúc phạm thầy cô, khiến thầy cô mất danh dự, uy tín, không dạy bảo được học sinh…”.

Đánh trò là tự phạt mình

Không đồng tình với cách hành xử của giáo viên này, thầy Ksor Y Giêng (Phú Yên), người thầy nổi tiếng với quan điểm “Trò hư là lỗi của thầy” chia sẻ: “Cá nhân tôi cho rằng, việc phạt học sinh bằng đòn roi hay sử dụng bạo lực dường như không có tác dụng, trái lại, nếu dùng phương pháp này thì chả khác gì tự phạt mình.

Một lý do nữa, theo quan niệm của tôi, học sinh cũng như con cái ở nhà, tôi chỉ dùng lời lẽ để các con nhớ lâu chứ roi vọt chỉ khiến các con không hợp tác hơn…

Hiện tại, nhiều giáo viên vẫn dùng biện pháp cứng rắn để răn đe học sinh nhưng chỉ là phạt có giới hạn, chừng mực, đôi khi phạt chỉ là hình thức để giữ được uy tín trong lòng học sinh, tức là, học sinh nào vi phạm thì phải chịu phạt, chẳng hạn như viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động, mời phụ huynh,... chứ biện pháp như thầy giáo ở Thanh Hóa đánh học sinh vừa rồi thì nguy hiểm quá!”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, lãnh đạo phòng GD&ĐT Hoằng Hóa cho biết: “Chúng tôi yêu cầu nhà trường căn cứ tình tiết vụ việc, để xử lý và kỷ luật thầy giáo Quân theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu thầy giáo Nguyễn Văn Quân đến gặp gia đình em D. để xin lỗi về hành vi của mình”. Hiện tại, em L.P.D. điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

T.T