DẤU ẤN THU HÚT ĐẦU TƯ FDI Ở NGHỆ AN

Bài 1: "Chiếc gậy thần" mang tên Nghị quyết 26

Lê Giáp

Trong hành trình vươn mình trở thành "ông lớn" về thu hút đầu tư nước ngoài, Nghệ An đã vận dụng linh hoạt rất nhiều yếu tố trong đó Nghị quyết 26 đóng vai trò rất quan trọng, xuyên suốt và mang tính bước ngoặt ở nhiều thời điểm.

Hành trình đón "đại bàng"

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, Nghệ An chậm hơn nhiều so với các địa phương trong cả nước. Đơn cử như khi hai tỉnh "hàng xóm" là Thanh Hoá và Hà Tĩnh đã vươn mình, với những đại dự án ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vũng Áng (Hà Tĩnh) thì Nghệ An vẫn đang phải loay hoay tìm nhà đầu tư. Trước năm 2015, con số về thu hút FDI của Nghệ An cực kỳ khiêm tốn và khát vọng đón "đại bàng" như Thanh Hoá và Hà Tĩnh luôn ấp ủ với lãnh đạo Nghệ An.

Đi chậm hơn nên Nghệ An cũng xác định chọn hướng đi riêng. Theo đó, thay vì tìm đến các "ông lớn" đầu tư công nghiệp nặng, Nghệ An chọn hướng đi khác, đó là công nghiệp xanh, vừa thân thiện với môi trường vừa tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. VSIP được lãnh đạo Nghệ An ưu tiên, tiếp cận. Đây là nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã khẳng định được thương hiệu lúc bấy giờ ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Dương...

Sau rất nhiều nỗ lực, tỉnh Nghệ An cũng đã mời được lãnh đạo tập đoàn này ra khảo sát. Ông Lê Bá Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời điểm ấy, tỉnh giới thiệu cho VSIP rất nhiều địa điểm nhưng họ không ưng ý. Sau cùng, họ chọn địa điểm thuộc khu vực xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Vấn đề khó họ đặt ra cho địa phương lúc bấy giờ là yêu cầu tỉnh phải đưa khu vực họ muốn đầu tư vào diện tích của Khu kinh tế Đông Nam vì nguyên tắc của VSIP, các dự án của họ phải thuộc một Khu kinh tế nào đó”.

Kéo được VSIP về đầu tư ở Nghệ An là thành công lớn của Nghệ An

Để kịp làm hồ sơ chuyển đổi trong 1 thời gian ngắn theo yêu cầu của Nhà đầu tư là việc rất khó vì liên quan đến nhiều sở ngành tại địa phương cũng như Trung ương. Lúc này, Nghệ An đã vận dụng rất linh hoạt Nghị quyết 26 mà Bộ Chính trị giành riêng cho địa phương này.

Nghị quyết 26 có đề ra mục tiêu, phấn đấu đưa Nghệ An thành một tỉnh công nghiệp, là trung tâm về khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ. Theo ông Lê Bá Hùng, Nghị quyết 26 thời điểm này như "chiếc gậy thần" để Nghệ An vận dụng, làm các thủ tục một cách nhanh nhất để sau đó Chính phủ đồng ý đưa phần đất mà VSIP yêu cầu địa phương chuyển đổi vào đất Khu kinh tế Đông Nam, đủ điều kiện để họ tiến hành đầu tư tại Nghệ An.

“Nếu không có Nghị quyết 26 chỉ đường thì thời điểm ấy, rất khó để Nghệ An có thể đảm bảo các yêu cầu của nhà đầu tư. VSIP khi ấy và đến tận bây giờ luôn là thương hiệu lớn nên gần như các địa phương đều trải thảm đỏ, Nghệ An tranh thủ các điều kiện để kéo được họ về sớm thực sự là thành công lớn”, ông Lê Bá Hùng chia sẻ.

Hiệu ứng từ câu chuyện của VSIP

Nghị quyết 26 đã giúp Nghệ An có những lợi thế trong thu hút đầu tư mà câu chuyện VSIP là một ví dụ. Đón được nhà đầu tư này, Nghệ An cũng đồng thời nỗ lực để đồng hành với họ trong công tác giải phóng mặt bằng và đặc biệt là có nhiều ưu tiên trong đầu tư hạ tầng để nhà đầu tư có những điều kiện tốt nhất triển khai dự án.

Thể hiện nhà đầu tư có uy tín hàng đầu trong kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, VSIP đã nhanh chóng đưa được nhiều doanh nghiệp lớn về thuê đất làm dự án, có thể kể đến các dự án hàng trăm triệu đô như dự án của Luxshare ICT, Everwin...

Từ câu chuyện của VSIP, Nghệ An bắt đầu chiếm được niềm tin của nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp khác. Đặc biệt, địa phương cũng có thêm bài học trong cải cách hành chính liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài để nhanh hơn, gọn hơn, đơn giản hơn trong mọi thủ tục.

Sau VSIP, WHA cũng đến đầu tư ở Nghệ An

Rất nhanh, sau VSIP đến lượt một nhà đầu tư lớn đến từ Thái Lan là WHA cũng chọn Nghệ An để “lót ổ’. Tại Nghi Lộc, WHA cũng mau chóng thể hiện năng lực của mình bằng cách kéo được nhiều "ông lớn" về đầu tư, trong đó có “gã khổng lồ” về công nghệ là Goertex Vina.

Tiếp tục thể hiện là mảnh đất lành, ở phía Bắc của tỉnh, một tập đoàn lớn trong nước là Hoàng Thịnh Đạt chọn Hoàng Mai để kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp. Hoàng Thịnh Đạt đã rất thành công ở nhiều địa phương trong cả nước như Thái Nguyên, Quảng Ngãi và ngay khi được chấp thuận ở Nghệ An, họ cũng sớm đưa về một doanh nghiệp lớn để “trình làng”, đó là nhà đầu tư linh kiện điện tử đến từ Đài Loan - Ju Teng.

Kéo được 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Nghệ An chính thức bước vào chu kỳ bội thu trong thu hút FDI.

Để ưu tiên Nghệ An phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, sau đó kéo dài thêm 3 năm đến năm 2023. Mục tiêu là đưa Nghệ An trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học- công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Vận dụng Nghị quyết này, Nghệ An đã linh động, phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết để VSIP và sau này là nhiều nhà đầu tư khác triển khai đầu tư. Nghị quyết 26 hiện nay đã được thay thế bằng Nghị quyết 39 trên cơ sở kế thừa và phát huy để tiếp tục nâng tầm vị thế của Nghệ An. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, điểm nhấn lớn nhất trong bức tranh kinh tế của Nghệ An đó chính là việc vươn lên để lọt top đầu các tỉnh thu hút đầu tư FDI của cả nước.

L.G

NGUOIDUATIN. | Thứ 7, 23/12/2023 | 07:00