ĐBQH, chuyên gia bàn luận nên hay không tiếp tục giãn cách xã hội

Bích-Huyền-Hường-Thuỷ
Ảnh: Phạm Tùng

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chỉ còn 1 ngày nữa là Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc giãn cách xã hội kết thúc (từ 1/4 đến 15/4). Nhiều ý kiến băn khoăn việc nên hay không tiếp tục giãn cách xã hội. PV Người Đưa Tin Pháp Luật ghi nhận ý kiến của chuyên gia y tế, kinh tế, ĐBQH.

Tâm lý người dân thay đổi theo ngày

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 13/4, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 là biện pháp quan trọng để cùng các giải pháp khác giúp ngăn chặn dịch bệnh lây qua đường hô hấp.

Theo ông Long, qua rà soát và theo dõi, tâm lý người dân là đa phần ủng hộ cách ly xã hội. Song tâm lý này thay đổi theo ngày. Ngày công bố số ca bệnh nhiều hơn thì tâm lý ủng hộ cách ly xã hội cao hơn so với ngày công bố ít ca.

Bộ Y tế cũng đã gửi văn bản đề nghị các tỉnh thành báo cáo đánh giá việc thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1-15/4, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc nếu có.

“Có ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng nên hài hòa, linh hoạt với từng địa phương, tùy theo mức độ nguy cơ, không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả. Nhưng tất cả đều nhất trí rằng, nếu nguy cơ lây nhiễm ở mức độ cao thì đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội”, vị Thứ trưởng thông tin.

Ông Long cũng nêu lên một số hạn chế trong quá trình thực thi Chỉ thị 16, khi một số địa phương hiểu chưa đúng, chưa rõ Chỉ thị 16 nên đã có việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương khác nhau. Có địa phương áp dụng rất mạnh, đã gần như “ngăn sông cấm chợ”.

Tuy nhiên, sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, cách ly xã hội đã được thực hiện tốt. “Trong những ngày đầu, cách ly xã hội được thực hiện nghiêm. Nhưng những ngày gần đây, khi các ca mắc Covid-19 thấp hơn nên một số địa phương người dân sinh ra tâm lý chủ quan và ra đường đông hơn so với những ngày đầu”, Thứ trưởng Long nói.

Nên tiếp tục cách ly

Về vấn đề nên tiếp tục cách ly xã hội hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM cho rằng, quyết định cách ly xã hội mà Chính phủ ta đưa ra trong thời gian qua đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, làm giảm ca bệnh và ngày càng tạo bức tranh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chấm phá những tín hiệu lạc quan.

Trong thời gian qua, việc triển khai công tác xét nghiệm trên diện rộng, người dân đặt niềm tin trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ, chính những điều này đã làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

“Để duy trì tín hiệu lạc quan và hướng đến đẩy lùi dịch bệnh, tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn phải tiếp tục cách ly xã hội, giám sát các đối tượng có khả năng phát tán bệnh. 15 ngày chưa phải là nhiều, có những nước còn thực hiện cả tháng, thậm chí gần như phong tỏa.

Trong công cuộc này, trách nhiệm cá nhân vô cùng quan trọng. Bởi nếu một người dù chưa bệnh nhưng nếu không chịu cách ly xã hội thì người đó có thể bị lây bệnh từ người khác rồi phát tán ra những người xung quanh. Vậy nên mỗi người cùng đồng lòng thực hiện thì việc đẩy lùi dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Theo nhận định của bác sĩ Khanh, cách ly xã hội đem lại những hiệu quả về y tế, tiếp theo đó là hiệu quả về mặt xã hội. Một trong những yếu tố khiến thời gian qua chúng ta chống dịch tốt là nhờ niềm tin của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp của Chính phủ.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, cần thêm ít nhất một tuần nữa thực hiện giãn cách xã hội nhưng phải làm quyết liệt. “Tôi thấy thời gian đầu thực hiện cách ly xã hội khá tốt. Nhưng bây giờ, người dân lại ra đường đông, vì vậy chúng ta phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải có chế tài mạnh hơn.

Nếu được hỏi, tôi sẽ nói rằng, cần thêm ít nhất một tuần nữa thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng cũng phải làm quyết liệt, bởi kéo dài mà không quyết liệt thì bằng thừa. Cách ly xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt toàn Thành phố”, ông Dương nhấn mạnh.

Nên áp dụng linh hoạt từng địa phương

Cơ bản đồng quan điểm với những ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế còn cho rằng, hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội và một số nơi lân cận vẫn còn rất phức tạp nên những vùng này vẫn cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt ở những vùng, khu vực có dịch.

Cũng theo ông Nga, nếu tính toán về lợi ích kinh tế thì việc cách ly sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực, nhưng tại các thành phố đông dân như Hà Nội và TP.HCM cần áp dụng khắt khe. Tuy nhiên, Chính phủ có thể xem xét các khu vực không hoặc ít có nguy cơ nhiễm dịch như miền Trung có thể nới dần giãn cách xã hội.

Điều quan trọng ở thời điểm này là phải thực hiện quyết liệt, bản chất là ngăn không cho người bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại. Nếu không quyết liệt, toàn bộ công sức bao lâu nay sẽ coi như bỏ. Đối với những vùng tình hình dịch không đến nỗi phức tạp thì có thể nới dần giãn cách xã hội.

Đến nay việc áp dụng Chỉ thị 16 như tại Hà Nội đã thực hiện tốt, chúng ta không phát hiện nhiều ổ dịch mà chỉ có điểm dịch ở Hạ Lôi (Mê Linh).

"Ưu tiên cao độ cho phòng, chống dịch"

Cùng trao đổi về vấn đề trên, ĐBQH, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu quan điểm cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Ông cũng đồng tình về cách thức giãn cách có thể áp dụng linh hoạt hơn và có kiểm soát chặt chẽ đối với sự linh hoạt đó.

Vị ĐBQH nói: “Một số hoạt động có thể diễn ra được, trong điều kiện cơ quan chức năng phải kiểm soát. Ví dụ như công trường, các phân xưởng sản xuất nếu bố trí được khoảng cách hợp lý, môi trường đảm bảo an toàn thì vẫn có thể hoạt động được. Các hoạt động kinh doanh mà không phải là đông người thì vẫn có thể diễn ra.

Điều quan trọng theo ông Cường đó là phải đưa ra quy chuẩn, nếu cá nhân, đơn vị nào đó muốn tiếp tục hoạt động thì phải tuân thủ đúng…nếu làm được như vậy thì chúng ta vẫn đảm bảo được việc giãn cách, nhưng vẫn đảm bảo được các hoạt động cần thiết hoặc các hoạt động mà không có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Cường còn cho rằng, nếu chúng ta làm nghiêm thì dần sẽ tạo ra thói quen, tạo ra kỷ luật trong lao động sản xuất, để người lao động có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và cho những người xung quanh. Về lâu dài, nếu dịch vẫn diễn ra thì chúng ta có thể vẫn duy trì một số hoạt động cần thiết.

“Tôi nghĩ việc cách ly cũng nên khoanh vùng. Điều đó không có nghĩa là tỉnh này giãn cách, tỉnh kia không giãn cách, mà khoanh vùng ở đây là khoanh vùng ngay từng hoạt động, từng nhóm đối tượng trong 1 địa bàn nào đó.

Ví dụ, người nông dân có thể ra ruộng làm việc, sau đó chỉ về nhà và vẫn thực hiện tốt việc giãn cách, không tập trung đông người. Khi bán hàng thì họ chỉ mang ra 1 khu vực nhất định để bán, chứ không phải là đi nhiều khu vực. Như thế, nếu có ca nhiễm bệnh thì việc khoanh vùng cũng dễ dàng hơn”, vị này nói.

Nhấn mạnh thêm, ông Cường cho hay: “Nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, rõ ràng việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch thì sẽ dẫn đến đình trệ về kinh tế. Tuy nhiên, nếu như chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì mức độ nguy hại của nền kinh tế sẽ ít hơn. Do đó, thời điểm này chúng ta phải ưu tiên cao độ cho tiên phòng, chống dịch và tạo ra sự thích nghi của nền kinh tế”.

“Cứu kinh tế tốt nhất là sớm đẩy lui dịch”

Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị xã hội của Việt Nam. Trong đó, kinh tế và doanh nghiệp là một trong những lĩnh vực và đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Những báo cáo mới đây của các Bộ, ngành đã chỉ ra rõ những vấn đề nền kinh tế nói chung đang phải đối diện.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính) cho rằng, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bởi việc thực hiện cách ly xã hội.

“Kinh tế luôn là lĩnh vực được ưu tiên tạo nguồn lực để phát triển. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang phức tạp thì tư tưởng nhất quán của Chính phủ luôn là ưu tiên đặt sức khoẻ người dân lên trên hết. Tất cả với tinh thần “chống dịch như chống giặc” thì nhiều khả năng Chỉ thị 16 về việc dãn cách xã hội sẽ còn được kéo dài thêm sau 15/4”, vị chuyên gia dự báo.

Ông Long nêu lý lẽ, báo cáo mới đây của bộ KH&ĐT cho thấy: 35% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 3 tháng; 38% doanh nghiệp có khả năng cầm cự trong 6 tháng; 13% có khả năng cầm cự trong 1 năm; và 14% có khả năng cầm cự trên 1 năm.

Như vậy, rõ ràng việc cách ly tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Nhưng hơn lúc nào hết, nếu không quyết liệt đẩy lui thì dịch bệnh sẽ còn kéo dài, tình hình các doanh nghiệp sẽ càng khó khăn không biết đến khi nào. Bởi vậy, ưu tiên đặt phòng chống dịch lên hàng đầu là đúng đắn.

“Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 11 với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới doanh nghiệp, người lao động bị mất việc, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên như tôi nói, trong bối cảnh chúng ta đang dồn nhiều nguồn lực vào công tác phòng chống dịch thì nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ phải hạn chế hơn. Bởi vậy, hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, tự lực cánh sinh trong giai đoạn hiện nay”, vị chuyên gia cho hay.

Hơn nữa, dù Việt Nam được dự báo có thể kết thúc dịch bệnh sớm hơn nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên tình hình dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp và dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, kể cả khi dịch đã qua đi tại nước ta.

“Mức độ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội sẽ phụ thuộc vào độ kéo dài của dịch, cách thức các nước ứng phó với dịch. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng và tác động đến kinh tế-xã hội càng trầm trọng. Do đó, không giải pháp cứu trợ nền kinh tế nào hơn là đẩy lui dịch bệnh”, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

B.H.H.T