Đẻ con gái “ngồi mâm dưới” và nỗi đau dai dẳng

Trọng nam khinh nữ vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc ở một số nước châu Á. Tình trạng này thể hiện nhức nhối trong mọi lĩnh vực cuộc sống, mọi thế hệ và thậm chí còn cực đoan đến mức phân biệt đối xử với cả những đứa trẻ còn chưa ra đời.

Câu chuyện đẻ con trai hay đẻ con gái vẫn chưa bao giờ đi đến hồi kết. Trong quan niệm của nhiều bậc phụ huynh ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc hay Ấn Độ, sinh con trai là điều tự hào và được hãnh diện “ngồi mâm trên”. Lý do rất đơn giản, vì con trai về già sẽ trở thành chỗ dựa, còn con gái tốn công nuôi lớn bao năm đi lấy chồng là mất trắng.

Như ở Trung Quốc, một người vợ được coi là làm tròn bổn phận là khi sinh con trai cho gia đình nhà chồng. Nếu thành công, người vợ có thể thở phào nhẹ nhõm, được nhà chồng yêu thương, cung phụng, còn lỡ có sinh con gái thì sẽ phải đón nhận sự lạnh nhạt, trách móc.

Thậm chí, có những câu chuyện người trong cuộc cố đẻ cho bằng được mụn con trai để rồi phải chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười, gia đình lục đục. Theo SCMP, giữa tháng 9 vừa qua, cô gái Lệ Lệ, 22 tuổi, ở Trung Quốc đã bị cha mẹ ruột kiện ra tòa vì từ chối nuôi dưỡng em trai 2 tuổi. Lý do vụ kiện hy hữu này xảy ra là do Lệ Lệ phản đối việc bố mẹ cô dù đã ngoài 50 tuổi vẫn giữ tư tưởng phải sinh được đứa con trai nối dõi tông đường.

Tin vui cuối cũng đến khi em trai của Lệ Lệ ra đời, nhưng đối với cô đó là một điều vô cùng trái khoáy. Cô cho rằng bố mẹ đã ích kỷ, khi bắt cô phải gánh vác trách nhiệm nuôi nấng em trai khi cha mẹ già cả. Nhưng bất chấp mọi lý lẽ, Lệ Lệ vẫn thua kiện và buộc phải thay chăm sóc cậu em kém mình đến 20 tuổi một cách bất đắc dĩ.

Kể từ năm 2001, Trung Quốc đã cấm các bệnh viện cung cấp dịch vụ xét nghiệm giới tính thai nhi hoặc phá thai để lựa chọn giới tính. Mặc dù biện pháp này đã giúp cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính ở quốc gia tỷ dân nhưng tư tưởng “đẻ con trai” vẫn chưa chấm dứt triệt để.

Dạo qua một vòng các diễn đàn phụ nữ ở Việt Nam, những trải lòng gửi đến cho chuyên gia về những rạn nứt trong hôn nhân, cuộc sống gia đình, không hiếm để thấy có quá nhiều những câu chuyện liên quan đến vấn đề “đẻ con gái”. Những câu chuyện không mới, vẫn xoay quanh kịch bản quen thuộc, vợ chồng yêu nhau thắm thiết nhưng khi vợ đẻ con gái, gia đình nhà chồng, thậm chí chính người chồng tỏ thái độ thất vọng ra mặt, thể hiện sự hắt hủi, dẫn đến hôn nhân cũng trên bờ vực tan vỡ.

Cũng không hiếm những bi kịch đau lòng liên quan đến “đẻ con gái” xuất hiện trên các mặt báo, đơn cử như câu chuyện về Lê Thị Ngoan phạm tội giết người ở Thanh Hóa cách đây 4 năm trước. Là người phụ nữ tần tảo, ngoan hiền, không ai nghĩ Ngoan sẽ trở thành kẻ sát nhân. Giọt nước tràn ly khi Ngoan có cô con gái thứ ba. Chồng Ngoan tỏ thái độ chán nản, thờ ơ với vợ, rồi công khai ngoại tình. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, Ngoan tìm đến nhà tình nhân của chồng sát hại. Chỉ vì một phút cuồng ghen, Ngoan phải chịu án tù 10 năm, rời xa đàn con thơ không thể có được tình yêu trọn vẹn từ người mẹ.

Không ít làng quê Việt Nam, nhiều ông bố, bà mẹ phải chịu cảnh bị xem thường một cách vô lý vì “không biết đẻ con trai”. Họ hàng cười chê, hàng xóm cười chê cái gia đình ấy toàn con gái. Giỗ chạp, họp mặt gia đình bị “xếp mâm dưới”, suốt ngày là đối tượng bị dè bỉu, so sánh.

Trong một gia đình, dù người con trai hư hỏng, phá phách nhưng cha mẹ vẫn mù quáng nuông chiều vì được coi là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng bố mẹ già. Còn con gái dù có ngoan ngoãn, học hành giỏi giang đến đâu thì cũng chỉ là vế thứ hai.

Nhưng xã hội càng văn minh hiện đại, nhiều gia đình đã nhận ra rằng, giới tính con cái không còn là điều quan trọng nữa và sự kì thị ngay trong bụng mẹ này cần được chấm dứt. Các gia đình trẻ hiện nay cũng rút ra bài học từ chính bản thân mình, chính bản thân họ cũng từng là nạn nhân của sự kì thị hoặc chứng kiến những hệ quả tiêu cực từ vấn đề đẻ con trai hay con gái.

Con trai có thể thông minh, nhạy bén có sức vóc hơn nhưng nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng con gái cũng có những phẩm chất đặc biệt hơn con trai, đó là tình cảm, sự chu đáo và tinh tế. Bởi vậy, dù là giới tính nào, con của mình cũng đáng để nhận được sự yêu thương hoàn hảo.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Bố mẹ đông lạnh não con gái 3 tuổi để chờ hồi sinh

Thứ 2, 21/09/2020 | 10:01
Một cặp vợ chồng ở Thái Lan đã quyết định đông lạnh não của cô con gái 3 tuổi đang hấp hối, chờ cơ hội cứu sống bé.