Đề xuất biện pháp cắt điện, nước để xử lý chây ì khi vi phạm hành chính: Không thể “râu ông nọ cắm cằm… bà kia?!

Mai Thu

Đề xuất cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của bộ Tư pháp đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp này để tăng tính răn đe, sự nghiêm minh và công bằng cho các chủ thể, ngăn chặn các hành vi chây ì, lách luật. Tuy nhiên, về lâu về dài không thể mãi “râu ông nọ cắm cằm bà kia” mà cần có một chế tài mạnh hơn để loại bỏ “biện pháp tạm thời”.

Chây ì nộp phạt vi phạm hành chính sẽ bị cắt điện, nước?

Cụ thể, chiều 22/5, Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án luật bổ sung biện pháp cưỡng chế mới trước Quốc hội. Việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, chưa triệt để, còn một số lượng không nhỏ quyết định chưa được chấp hành.

Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” và dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Chây ì nộp phạt vi phạm hành chính sẽ bị cắt điện, nước

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.

Nhưng mặt khác, điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống, là “nguyên liệu” quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt (nộp tiền phạt) là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

Từ đề xuất này, đã có nhiều những ý kiến và quan điểm khác nhau và đưa ra những quan điểm trái chiều. Bà Nguyễn Thị Tân (Hương Canh, Vĩnh Phúc) cho hay: “Tôi đồng tình ủng hộ với quan điểm và quyết định này. Nhiều người khi vi phạm nhưng kiên quyết không chịu nộp phạt, như vậy sẽ tạo thành tiền lệ xấu. Nếu muốn có điện, nước dùng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật”.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy (Mai Dịch, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi nghĩ chỉ nên áp dụng quyết định này đối với các công trình xây dựng trái phép. Nếu như muốn phổ biến rộng rãi, chúng ta cần có sự giám sát và đảm bảo minh bạch, công bằng. Vì, điện nước là nhu cầu thiết yếu của người dân”.

Áp dụng như thế nào là phù hợp?

Đề xuất cắt điện, nước để xử vi phạm hành chính chây ỳ cũng đã được nhắc đến nhiều lần và cũng không ít những tranh cãi xung quanh. Về vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng Luật sư Chính Pháp), người có nhiều kinh nghiệm trong tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý và phổ biến kiến thức pháp luật, đã có những phân tích sắc bén.

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, việc người dân không chấp hành quy định xử phạt thì pháp luật đã có những quy định về việc cưỡng chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc xử phạt hành chính, tổ chức thực hiện, các biện pháp cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. Khó khăn ở chỗ cơ quan Nhà nước ra quyết định xử phạt, nhưng người bị xử phạt chây ì, không chấp hành.

Luật hiện nay quy định nếu không chấp hành sẽ niêm phong, kê biên tài sản, tài khoản nhưng không phải trường hợp nào cũng thực hiện được vì có rất nhiều người không đứng tên tài sản nào cả, gần như vô sản mặc dù họ rất nhiều tài sản. Hơn nữa, có nhiều người không sử dụng tài khoản, nếu như họ không tự giác nộp thì rất khó nên bộ Tư pháp đưa ra đề xuất như vậy thực sự là một trăn trở, cần cân nhắc.

Luật Sư Đặng Văn Cường

“Đối với biện pháp cắt điện, nước mặt dù luật chưa có quy định nhưng thực tiễn trong đời sống xã hội cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức cá nhân đã vận dụng rất nhiều, tương đối hiệu quả. Thứ nhất, trong biện pháp cưỡng chế hành chính đối với hành vi xây dựng trái phép, trong thủ tục có quy định cắt điện nước. Với một công trình xây dựng trái phép, đồng thời việc xử phạt hành chính còn có quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm, cưỡng chế tháo dỡ. Khi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ cơ quan chức năng cắt điện cắt nước để hạn chế hành vi vi phạm, tránh việc cháy nổ đối với việc tháo dỡ.

Đối với các hành vi vi phạm hành chính khác, như chủ nhà cho thuê nhà nhưng người đi thuê đến hạn không trả nhà, chủ nhà có những biện pháp làm văn bản đề nghị dừng cung cấp điện nước để người đang chiếm giữ nhà trái phép phải trả lại nhà, hoặc rất khó khăn cho người sử dụng... đấy là những biện pháp mà một số tổ chức hoặc cá nhân đang sử dụng có hiệu quả”, luật sư Cường cho biết.

“Dù đã có không ít cơ quan, cá nhân áp dụng nhưng chúng ta cũng không thể vận dụng một cách đại trà vì chưa thật sự ổn và hợp lý. Trong lĩnh vực xây dựng hoặc dân sự như tôi đã nói trước đó, áp dụng là cần thiết, còn những vi phạm hành chính khác, tùy vào mỗi một lĩnh vực chúng ta sẽ có những biện pháp khác nhau. Vì điện nước là nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, thiết yếu của người dân, nếu không có điện nước, cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn, không thể duy trì trong đời sống hiện đại”, luật sư Cường bày tỏ.

Những tranh cãi chưa hồi kết

Thực tế, việc một số người chây ì khi xử lý vi phạm hành chính cần có những biện pháp mạnh để răn đe để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực thi các biện pháp quản lý của Nhà nước. Vậy cắt điện, nước có đủ mạnh, phù hợp và cần thông qua để áp dụng? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hùng (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Với tư cách luật sư, tôi cho rằng trước mắt để tăng tính răn đe, sự nghiêm minh và công bằng cho các chủ thể, đề xuất này là hợp lý nhằm ngăn chặn các hành vi chây ì, lách luật.

Nhưng về lâu dài nên có các cơ chế khác như được quyền thông qua ngân hàng trích lập, hoặc phong toả tài khoản để đảm bảo khả năng chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có như vậy mới đảm bảo, bởi lẽ việc cắt điện nước hoặc ngừng cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng tới các cá nhân khác không có liên quan gì tới chủ thể vi phạm”.

Khi được hỏi về đề xuất xuất “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước” để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vừa được trình Quốc hội, ông Lê Văn Cuông (nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nói: “Theo tôi, chúng ta nên rõ ràng trong mọi chuyện, việc gì ra việc đó chứ không nên lấy việc này để phạt việc kia, như vậy khác gì “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Làm như thế không được nghiêm túc và như đang bắt bí người dân”.

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông thẳng thắn, đã là quyết định xử phạt của Nhà nước thì cần phải thực hiện một cách thật sự nghiêm túc, nếu như cá nhân, tổ chức không chịu xử lý vi phạm hành chính, cứ mãi chây ì, cơ quan Nhà nước cần có chế tài mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Còn, vì việc không thể xử phạt hành chính lại cắt điện, nước như vậy thật sự không hay và không thể hiện được sự tôn nghiêm của pháp luật. Hơn nữa, điện, nước được coi như một nhu cầu trong đời sống tối thiểu của người dân. Lẽ ra, cơ quan Nhà nước cần chăm lo và thực hiên tốt vấn đề an sinh xã hội, điều kiện sống cho người dân chứ không thể vì vi phạm không thể xử lý đi cắt điện, nước. Điều này khó thuyết phục.

Nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông

“Tôi cho rằng, điện, nước do ngành của họ quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước đừng lấy áp lực để bắt họ “giúp” mình đạt được mục đích. Nếu như người dân vi phạm về điện, nước mới nên có biện pháp phạt về điện, nước chứ không thể phạt chéo sang như vậy.

Theo tôi, đảm bảo tính nghiêm minh nếu như ai vi phạm không thực hiện, tiếp tục tái phạm, cần có chế tài mạnh. Một vài lần thông báo không chịu nộp phạt, có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn, thậm chí xem xét xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành để đảm bảo kỷ cương, phép nước được nghiêm minh”, nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông nhấn mạnh.

Luật sư Hùng cũng đưa ra, việc cắt điện, nước nếu như chây ì khi xử lý vi phạm hành chính chỉ nên coi là biện pháp tạm thời trước mắt khi Nhà nước hoàn thiện, đồng bộ hoá quy định pháp luật khác có liên quan. Bởi vì, gia đình có 4 nhân khẩu có năng lực pháp luật than gia quan hệ xã hội. Họ trên 18 tuổi tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm, không thể vì 1 cá nhân vi phạm mà cắt điện, nước làm ảnh hưởng tới đời sống của các chủ thể khác. Chưa kể quy định này còn phát sinh thêm việc cho cơ quan, cá nhân thực thi vì lúc đó để đảm bảo tính khả thi, khách quan, đúng luật họ sẽ phải đi xác minh...

M.T