Đề xuất đào tạo tín chỉ ở phổ thông: Đang đi dưới đất hay bay trên trời?

Cẩm Mịch

Đề xuất cho học sinh phổ thông học bằng hình thức tín chỉ để rút ngắn thời lượng và tiết kiệm công sức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Giúp phát triển năng lực bản thân từ bậc phổ thông

Trong cuộc họp mới đây của hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, ông Trần Đức Cảnh (thành viên hội đồng) đã đề xuất sau 5 năm tới, chương trình học THPT nên chuyển hẳn sang hệ tín chỉ.

Trước đó, năm 2017, trong báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành luật Giáo dục, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng từng đề xuất đào tạo theo hình thức tín chỉ để rút ngắn thời gian. Bởi vậy, sau khi nội dung này được ông Trần Đức Cảnh đề cập một lần nữa, dư luận tiếp tục quan tâm đến mức độ khả thi của đề xuất.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - đánh giá: “Về mặt kỹ thuật thì Việt Nam có thể thực hiện được. Muốn cho học sinh học tín chỉ tức là chương trình phổ thông của chúng ta hiện nay phải xây dựng được rất nhiều “modul”, khả năng xây dựng chương trình như thế, chúng ta có thể làm được.

Tương tự như ở một số nước áp dụng học tín chỉ ở bậc phổ thông, không cần giáo viên chủ nhiệm lớp, học sinh đăng ký môn học theo hướng phát triển của bản thân. Như vậy, các trường đại học cũng sẽ không lấy điểm theo khối thi mà sẽ xét tuyển theo điểm số của những tín chỉ nào phù hợp với học sinh... Nếu có thể triển khai được thì rất tốt. Học sinh có thể phát triển theo thế mạnh và năng lực bản thân ngay từ bậc phổ thông”.

Ý tưởng liệu có quá “bay bổng”, “lãng mạn”?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ như trên, một số nhà giáo dục lại tỏ ra băn khoăn liệu đề xuất này có phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay hay không.

Thầy Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) - nhận định: “Đối với một chủ trương mới, luôn luôn phải dựa vào cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực và trình độ, năng lực thực tế của học sinh hiện nay. Căn cứ vào đó, tôi cho rằng đây là một ý tưởng hết sức “bay bổng” và “lãng mạn”...

Mặc dù hiện nay, có một số nước phát triển đang áp dụng cho học sinh bậc phổ thông học theo tín chỉ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận và đánh giá thực tiễn tại Việt Nam, liệu trong 5 - 10 năm tới, chúng ta đã kịp thay đổi để đáp ứng hay chưa? Về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực học sinh... hiện tại, chỉ có một số trường nằm ở trung tâm các thành phố lớn mới có đủ điều kiện đáp ứng. Để đào tạo theo tín chỉ trong trường phổ thông, thì quy định tổ chức của nhà trường như thế nào, học sinh đăng ký ra sao, chương trình thế nào? Năng lực hiện tại của các nhà trường chưa thể đáp ứng được”.

Đồng tình với quan điểm của thầy Chương, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) - cũng lý giải: “Bởi lẽ, giáo dục phổ thông khác với giáo dục đại học. Bên cạnh đó, khi sử dụng phương pháp này, chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều quy định, thậm chí phải điều chỉnh cả luật Giáo dục và nhiều quy định liên quan. Đồng thời, thiết kế chương trình cũng phải thay đổi cho phù hợp với đào tạo tín chỉ.

Hiện nay, cấu trúc chương trình của chúng ta vẫn theo niên chế. Nếu dạy theo tín chỉ, thời gian có thể co ngắn lại, mà cứ dạy theo chương trình hiện hành, không xây dựng lại thì không thể nào rút ngắn được. Ngoài ra, phải đưa ra những quy định về kiểm tra, đánh giá cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, phải quan tâm đến việc, nếu triển khai học tín chỉ ở phổ thông, thì chúng ta nên bắt đầu từ cấp học nào? Và phải sắp xếp lại cho phù hợp. Chính vì vậy, trong thời điểm hiện tại vẫn chưa thích hợp để sử dụng đào tạo tín chỉ”.

Theo thầy Bình, với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, giáo dục phổ thông vẫn phải dạy theo niên chế. Tuy nhiên, có thể có những quy định mở đối với học sinh có năng lực đặc biệt, vượt trội, ví dụ như tạo điều kiện cho thi học vượt lớp.

Để xây dựng nền móng cho đào tạo tín chỉ ở bậc phổ thông, thầy Chương cho rằng: “Sự thay đổi đầu tiên phải chú trọng là đội ngũ giáo viên và trình độ quản lý học đường. Giáo viên phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đây là yếu tố quyết định nhất. Bên cạnh đó, công tác quản lý của nhà trường mà đứng đầu là Hiệu trưởng cũng rất quan trọng, sắp xếp hoạt động dạy học ra sao, xây dựng chương trình và tổ chức kiểm tra, đánh giá như thế nào... Nếu làm không khéo thì có khi sẽ khiến “gậy lưng đập lưng ông”.

“Đề xuất được đưa ra ở thời điểm này chỉ để những người làm giáo dục suy nghĩ nghiêm túc về câu chuyện này, để sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho tương lai. Đó vẫn còn là một câu chuyện dài để hướng đến chứ chưa thể thực hiện trong khoảng 5 - 10 năm tới. Hiện nay, điều cần thiết hơn cả là tinh giản nội dung kiến thức, dành thời gian bổ sung hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học sinh” - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát phân tích thêm.

Chưa nên áp dụng vì cấp học phổ thông còn phải “rèn người”

Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) nhận định: “Việc đào tạo theo tín chỉ ở đại học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo tôi, chưa nên áp dụng học tín chỉ như sinh viên đại học đối với học sinh phổ thông. Lý do thứ nhất, học sinh phổ thông đông gấp nhiều lần so với bậc đại học. Thứ hai, ở bậc phổ thông, giáo viên không chỉ phải dạy những kiến thức thuần túy mà còn phải “rèn người”. Chính vì thế, chưa thể áp dụng ngay được. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ có thể áp dụng như sau: Khi chúng ta xây dựng được những trung tâm khảo thí độc lập, học sinh đã hoàn thành xong chương trình lớp 12 thì có thể thi rải rác trong năm, chia nhiều đợt, mỗi đợt có thể thi một số môn nhất định”.

C.M