Đề xuất trừ điểm bằng lái khi vi phạm giao thông, liệu có khả thi?

Nguyễn Lâm

Theo đề xuất của bộ Công an, mọi loại giấy phép lái xe phải có tổng điểm là 12 điểm. Số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm luật giao thông. Trong trường hợp hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực.

Đề xuất trừ điểm trên GPLX khi vi phạm

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ, đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Đáng chú ý, điểm mới nổi bật trong dự thảo là: Luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.

Theo đó, bộ Công an đề xuất mọi loại giấy phép lái xe phải có tổng điểm là 12 điểm. Số điểm này sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm luật giao thông. Trong trường hợp hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp bằng lái mới thì phải học và thi sát hạch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe bị coi là không còn hiệu lực.

Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm không thể hiện trên bằng lái xe như hình thức bấm lỗ trước đây. Dữ liệu trừ điểm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Khi tài xế vi phạm luật và bị CSGT kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ có thể tra cứu trực tuyến để nắm thông tin về điểm trừ bằng lái của người vi phạm đó.

Đề xuất có khả thi?

Đề xuất này của bộ Công an ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm, bàn luận của rất đông người tham gia giao thông. Đa số các ý kiến bày tỏ sự ủng hộ vì cho rằng sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo lắng về tính khả thi của đề xuất trên bởi, thêm vào đó là lo ngại tình trạng tiêu cực của lực lượng CSGT khi thực hiện việc xử phạt.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho biết, bản thân ủng hộ đề xuất của bộ Công an bởi quy định này khi được áp dụng sẽ nâng cao ý thức của mỗi tài xế khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để có thể áp dụng vào thực tế thì đề xuất trên cũng còn một số điểm cần phải xem xét, sửa đổi sao cho phù hợp.

Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng: “Hiện nay, Luật giao thông đường bộ ở nước ta đã nâng mức xử phạt lên rất cao so với thông thường, ngoài phạt tiền thì nhiều hành vi vi phạm TTATGT cũng bị áp dụng biện pháp tạm giữ GPLX, cao nhất có thể lên tới vài năm. Nếu áp dụng hình thức trừ điểm trên bằng lái thì cần rà soát, thay đổi lại tất cả những quy định xử phạt trước đây.

Bởi lẽ, nếu áp dụng trừ điểm mà vẫn tước bằng lái xe thì sẽ là trường hợp song trùng, một hành vi vi phạm không thể bị xử phạt vừa trừ điểm và vừa tước bằng lái. Việc thực hiện 2 biện pháp song trùng trên là vi phạm pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm”.

Luật sư Phất cũng cho rằng: “Phải thừa nhận ở nước ta hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng người vi phạm mà không bị xử phạt hoặc dùng nhiều cách khác nhau để thoát việc lập biên bản xử phạt.

Do đó, bản thân tôi cho rằng điều quan trọng nhất chính là mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hiện tại để người dân thấy được sự minh bạch trong việc xử lý. Nếu thực hiện nghiêm quy định mà tình trạng vi phạm giao thông vẫn không giảm thì chúng ta mới tính đến việc tăng nặng mức xử phạt.

Hơn nữa, việc đưa ra cách xử phạt trừ điểm vào bằng lái xe có thể làm tăng nguy cơ gia tăng gian lận, tiêu cực trong lực lượng chức năng khi thực hiện công tác thanh, kiểm tra hoạt động giao thông. Người vi phạm có thể sẵn sàng đưa ra số tiền lớn hơn để xin được bỏ qua lỗi, không bị trừ điểm”.

Được biết, trên thực tế việc trừ điểm trên bằng lái xe không hề mới, từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng bấm lỗ.

Theo đó, nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.

Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.

Cùng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết cơ bản đồng tình với đề xuất trên của bộ Công an. Tuy nhiên, dự thảo trên vẫn còn một số điểm vẫn chưa phù hợp với thực tế giao thông ở nước ta hiện nay.

“Trước tiên, tôi cho rằng mục đích của việc xử phạt vi phạm giao thông là để răn đe, uốn nắn những sai sót trong vi phạm là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, đề xuất này cũng phải có những quan điểm đổi mới đó là giáo dục là chính, nhắc nhở là chính chứ không nên đưa những điều quá nặng vào việc xử phạt vì quy định xử phạt ở nước ta hiện nay cũng đã khá nghiêm.

Cũng cần phải lưu ý rằng, mật độ phương tiện tham gia giao thông hiện nay đang ở mức cao trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân do đó sắc xuất người tham gia giao thông vi phạm là rất cao. Do đó, việc quy định số điểm trên bằng lái xe cũng như số điểm bị trừ cũng cần được tính toán lại sao cho phù hợp.

Một vấn đề khác là số điểm không thể hiện trên GPLX mà chỉ ở trên hệ thống dữ liệu sẽ khiên tài xế rất khó nhớ họ còn bao nhiêu điểm, đã bị trừ những điểm gì”, TS. Thuỷ bày tỏ quan điểm.

Con theo PGS.TS Bùi Công Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị (trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) thì lại cho rằng đề xuất trừ điểm trên GPLX khi vi phạm giao thông của bộ Công an là khó khả thi. Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản,... đã áp dụng rất hiệu quả việc xử lý này nhưng để áp dụng được tại Việt Nam thì vẫn còn nhiều điểm phải thay đổi.

Trước tiên là vấn đề minh bạch trong khâu xử phạt vi phạm giao thông, nếu ở một số quốc gia trên thế giới việc xử phạt vi phạm giao thông được thực hiện rất công khai, minh bạch thì ở nước ta hiện nay lại chưa thực hiện được một cách nghiêm túc. Vẫn tồn tại tình trạng người vi phạm giao thông cố tình dùng nhiều cách khác nhau để "xin" khi bị xử phạt.

Bên cạnh đó, để áp dụng đề xuất trên vào thực tế thì cơ quan chức năng cần có thêm thời gian để đào tạo từ người tham gia giao thông đến từng cán bộ CSGT và có thời gian thí điểm để họ làm quen với nội dung này chứ không thể ngày một ngày hai có thể áp dụng đề xuất này vào thực tế.

Trong chiều 23/4, phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật cũng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Đức Đoàn – Công dân ưu tú Thủ đô, nguyên chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 1, phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP. Hà Nội để lắng nghe những phân tích, đánh giá của ông về đề xuất trừ điểm trên bằng lái khi vi phạm giao thông.

Theo Thượng tá Đoàn, đề xuất trên của bộ Công an là khá phù hợp với tình hình giao thông ở nước ta, việc này sẽ giúp người dân ý thức hơn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để đề xuất này đạt hiệu quả tốt nhất thì cơ quan chức năng vẫn cần có thời gian, chuẩn bị lộ trình cụ thể.

Bởi hệ thống quản lý, giám sát, xử phạt đối với ngành giao thông đang từng bước đi vào hoàn thiện. Cho nên việc quản lý, xử trừ điểm trên bằng lái xe đối với người vi phạm thế nào, mức điểm bị trừ là bao nhiêu, ai là người chấm điểm? Thì vẫn cần được nghiên cứu thêm và có thời gian thử nghiệm trước khi chính thức áp dụng vào thực tế.

Cần nhớ rằng trước đây, chúng ta cũng áp dụng cách xử lý bấm lỗ trên bằng lái xe giống như một vài nước trên thế giới nhưng đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cải tiến sao cho phù hợp với tình trạng giao thông và cơ sở vật chất của nước nhà để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bàn luận về biện pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng người dân vi phạm Luật giao thông đường bộ, Thượng tá Đoàn cho rằng biện pháp cốt lõi chính là nâng cao nhận thức, kỹ năng của từng người dân khi tham gia giao thông. Trước tiên là việc quản lý chặt chẽ trong khâu đào tạo, sát hạch GPLX tiếp đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biết Luật giao thông đường bộ tới từng người dân. Chỉ khi nào nhận thức của người dân về việc chấp hành quy định về luật giao thông được cải thiện thì bài toán về xử lý vi phạm TTATGT mới được giải quyết tận gốc.

N.L