Học lúc nào cũng quý. Nhưng, học cái gì và học vì điều gì lại quan trọng hơn.
Điểm trúng tuyển vào lớp 10 công lập năm 2020 tại nhiều địa phương khiến dư luận vừa bất ngờ vừa hoang mang. Một trường THPT ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa lấy điểm chuẩn là 2,9 điểm, tức 0,58 điểm một môn. Ba trường THPT ở Cần Thơ lấy điểm chuẩn lần lượt là 5,3 điểm, 6,4 điểm và 7,5 điểm, tức trung bình từ 1,06 tới 2,5 điểm một môn. Và ngay tại thủ đô Hà Nội, một số trường lấy điểm chuẩn là 13 điểm (hai môn Văn Toán nhân hệ số 2), tức 2,6 điểm một môn.
Những học sinh đủ điều kiện trúng tuyển chỉ với chưa đầy 1 điểm hay chưa đầy 3 điểm mỗi môn sẽ học gì tại bậc THPT? Đó là câu mà các nhà quản lý giáo dục bỏ ngỏ không trả lời. Tuyển sinh như vậy có thể ví von như “vơ bèo vạt tép” Sự học sẽ ra sao nếu năng lực đầu vào chỉ cách xa con số 0 một quãng ngắn?
Giải thích với báo chí về mức điểm chuẩn bất thường, ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa phát biểu đầy cảm thông: "Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc. Các em dự thi và thoát điểm liệt để đi học là điều rất quý giá”.
Thầy Hòa nói không sai. Sự học lúc nào cũng quý. Dù ở trình độ nào, xuất phát điểm ra sao, còn muốn học thì còn quý. Nhưng cũng vì tấm lòng khao khát sự học đáng quý ấy, nhà làm giáo dục càng nên trân trọng mà vạch đường hướng cho các em học sinh biết nên học gì, học như thế nào, học vì mục tiêu gì, thay vì nhét bằng được các em vào chung một hệ để học những thứ mà 9 năm trước đó các em đã từ chối học.
Các em sẽ phải làm gì với 3 năm cấp 3 khi kiến thức của 9 năm trước chỉ đạt vẻn vẹn 0,58 điểm mỗi môn? Và các thầy cô sẽ phải làm gì với các em đỗ vào cấp ba chỉ với vẻn vẹn 0,58 điểm mỗi môn? Sẽ lại cố gắng đẩy các em lên lớp, rồi lại cố gắng đẩy các em ra trường. Cuối cùng là để cuộc đời xô đẩy các em mà không có lấy một chiếc phao kiến thức đủ căng để cứu sinh.
Tình trạng “ngồi nhầm lớp” đã diễn ra tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng có lẽ phải đến kỳ thi vào lớp 10 của năm 2020 này, xã hội mới biết đến một hiện trạng chứa nhiều nguy cơ lớn hơn: “Ngồi nhầm cấp”. Tất nhiên, ngồi nhầm cấp là hệ quả tất yếu của ngồi nhầm lớp. Song, khi các học sinh còn nhỏ tuổi, những tác động tiêu cực của việc “bị bắt lên lớp” không hiển hiện rõ nét như khi các em bước sang giai đoạn trưởng thành. Do đó, việc cho các em lên lớp 10 với số điểm chưa đến 1 hay chưa đến 3 hoàn toàn không phải là nhân văn. Bắt các em mất thêm 3 năm để học những thứ không phù hợp với trình độ, không tương thích với nhu cầu thực tế và không ích lợi cho con đường tương lai của các em là lãng phí thời gian của chính các em, lãng phí tiền bạc của gia đình các em và lãng phí nhân lực vật lực của nhà nước.
Những năm qua, xã hội đã chứng kiến thực tế này khi hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, chạy xe ôm công nghệ cùng nhiều công việc lao động phổ thông khác. Những công việc ấy, lẽ ra các em hoàn toàn có thể làm khi tròn 18 tuổi mà không cần tới 4 năm ngồi ghế giảng đường đại học tốn nhiều tiền mồ hôi công sức của bố mẹ.
Đã đến lúc, các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện công tác phân loại và hướng nghiệp học sinh ngay từ bậc THCS. Hướng dẫn cho các em đi đúng đường, học đúng thứ cần học, học đúng khả năng và sở trường, có đủ kiến thức và khả năng lao động để nuôi sống bản thân cũng như đóng góp cho xã hội khi đủ tuổi công dân mới là mục tiêu thiết thực nhất, nhân văn nhất.
Thời gian là vàng là bạc, tuổi trẻ cũng chính là bạc là vàng. Khi các em bước trên lối đi của người khác thay vì của mình, ở đó cả tiền bạc lẫn tuổi trẻ sung sức đều lãng phí. Đường vào đời và lối đi đến thành công không chỉ cần tấm bằng “vô nghĩa” nếu không có kiến thức thực sự. Có một ngôi trường lớn hơn để tất cả cùng học và trưởng thành đó chính là trường đời. Ở đó sẽ không có chỗ đứng cho những thứ lý thuyết sáo rỗng và tấm bằng không kiến thức.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.