Từ việc triển khai dạy học trực tuyến trong học kỳ II năm học 2019-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giáo viên vùng khó không ngần ngại giãi bày những “rào cản” tại địa phương.
Cô giáo Huỳnh Sơn Ca - giáo viên trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - cho biết: “Học sinh nông thôn không phải em nào cũng có điện thoại thông minh hay máy tính để kết nối; việc học online chưa được thực hiện thường xuyên nên thầy trò đều lúng túng; việc tương tác hạn chế, giảng và trao đổi mất nhiều thời gian; đường truyền thường không ổn định; chuyên cần thường khó đảm bảo,...”.
Cô giáo Nguyễn Vân Nhi - giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (huyện M’Đrăk, Đắk Lắk) - cũng chia sẻ: “Qua khảo sát, đa phần học sinh dân tộc thiểu số không đủ điều kiện và phương tiện học (máy tính, điện thoại, Internet) nên trường không thực hiện được. Tôi hy vọng năm học mới sẽ không bắt đầu với học trực tuyến bởi trường tôi chưa thể triển khai thực hiện, do không đủ điều kiện”.
Không chỉ ở vùng khó mới xuất hiện những vấn đề trong việc triển khai dạy học trực tuyến, mà ngay tại những thành phố lớn, nơi điều kiện có thể đáp ứng nhu cầu, các giờ học vẫn không thể diễn ra suôn sẻ.
Học sinh Lê Nguyễn Yến Anh (trường THPT Thăng Long - Hà Nội) nhớ lại: “Nhiều khi đang trong giờ học mà nhà mất điện hay mất mạng là “bó tay”. Trong giờ học, có những bạn “chống đối”, lấy lý do camera hỏng hay không có micro để không phải trả lời câu hỏi, và giáo viên thì không thể kiểm chứng được. Thậm chí, có bạn còn tranh thủ ngủ trong giờ mà thầy cô không thể kiểm soát.
Trong giai đoạn học trực tuyến, lớp em được làm bài kiểm tra qua Google Form, cô giáo còn cẩn thận đến nỗi xây dựng đề thi riêng cho từng học sinh để tránh hỏi bài. Nhưng tất cả các bài đó chỉ lấy điểm kiểm tra miệng hoặc 15 phút. Mặc dù kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến cũng có thể xảy ra gian lận, tuy nhiên, kiểm tra trực tuyến thì gian lận khó kiểm soát hơn vì các bạn có thể tra mạng hoặc hỏi bài nhau. Điển hình, lớp em từng có một trường hợp, khi bạn này đang chia sẻ màn hình và bạn kia nhắn đáp án thì bị cô giáo phát hiện”.
Thầy Lý Văn Công - Hiệu trưởng trường THPT Kim Xuyên (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) - cho biết: “Khi trẻ đến trường mới có thể phát triển toàn diện và đầy đủ. Học trực tuyến theo dõi bài giảng qua màn hình điện thoại, máy tính lâu cũng ảnh hưởng đến mắt của các em. Trong khi phụ huynh còn đang muốn con hạn chế sử dụng điện thoại di động, mà con học trực tuyến thì lại khó kiểm soát con học hay chơi...”.
Trước những băn khoăn về phương thức dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả lớn nhất, ông Dương Văn Bá - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, bộ GD&ĐT - đánh giá: “Giữa bối cảnh dịch bệnh, học trực tuyến cũng là một giải pháp hay, nhưng lại chỉ đáp ứng được ở những khu vực hạ tầng công nghệ thông tin tốt và những gia đình có điều kiện cho con sử dụng Internet.
Muốn triển khai dạy học trực tuyến, phải tìm hiểu một nền tảng chuyên dụng. Theo tôi, hiện tại, ở Việt Nam chưa có nền tảng nào thực sự có thể đáp ứng được nhu cầu dạy học trực tuyến”.
Ông phân tích: “Chỉ có sóng truyền hình có thể phủ được rộng nhất, phổ biến nhất trong tất cả các loại sóng, tạo điều kiện cho nhiều học sinh tiếp cận nhất. Tuy nhiên, việc dạy qua truyền hình không đủ thời lượng truyền tải kiến thức, và không có sự tương tác giữa thầy trò. Vì vậy, đây cũng chỉ là một trong những giải pháp tình thế.
Có nhiều nền tảng để dạy trực tuyến nhưng phải sử dụng Internet, điện thoại thông minh, mới có thể kết nối và tiếp cận với những nền tảng đó. Nếu các thầy cô dạy và tương tác trực tiếp được thì sẽ có hiệu quả cao hơn.
Một giải pháp nữa mà cũng đã có nhiều địa phương làm được, đó là đăng tải các bài giảng sẵn của thầy cô lên mạng để học sinh có thể truy cập vào và học bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, vẫn phải phụ thuộc vào Internet”.
“Trong đợt vừa rồi, sau khi khảo sát, tổng kết lại, rất nhiều tỉnh thành chỉ đạt khoảng 30% học sinh có điều kiện để học trực tuyến, còn lại 70% là không đáp ứng được. Chính vì vậy, trong trường hợp phải triển khai dạy học trực tuyến qua Internet, dạy học qua truyền hình, chắc chắn vẫn có một bộ phận học sinh không thể tiếp cận. Học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế và bổ trợ cho học trực tiếp chứ không thể thay thế hoàn toàn” - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) - đối với những học sinh dân tộc thiểu số vùng khó, yêu cầu học trực tuyến là quá xa vời, khi các em không có đủ điều kiện, và việc truyền đạt bài học đến đối tượng học sinh này là vô cùng khó khăn. “Chưa kể, việc giám sát để đảm bảo học mang lại hiệu quả thực chất cũng mang tính thử thách”, ông nhận định.
Vị Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: “Nếu trong tình thế bắt buộc phải triển khai dạy học trực tuyến, với những học sinh này, cần có sự quan tâm sát sao của người thầy, có thể chuyển nội dung bài học đến nhà, động viên học sinh học tập. Nhà trường, giáo viên bộ môn và gia đình phải kết nối và phối hợp để quan tâm, nếu “thả lỏng” để các em chậm lại thì không hòa nhập được, sẽ bỏ học”.
Nhìn lại quá trình dạy học trực tuyến trong năm học qua, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT - đánh giá: “Trong học kỳ vừa rồi, nhiều thầy cô bắt buộc phải dạy học trực tuyến, họ bị rơi vào tình thế “bắt cóc bỏ đĩa”, mặc dù giáo viên có quyền từ chối giảng dạy nếu như nội dung đó chưa được đào tạo nhưng họ vẫn nỗ lực để dạy.
Khổ nhất là nhiều giáo viên thậm chí không có phương tiện, không được tập huấn giới thiệu phương pháp, nhiều Hiệu trưởng chỉ biết yêu cầu mà không biết giúp đỡ, hay tạo cơ hội cho giáo viên... Chính vì vậy, điều đầu tiên phải nhìn nhận, chúng ta không nên bỏ rơi giáo viên, để cho họ “tự bơi” trong hành trình dạy trực tuyến”.
“Bên cạnh đó, nhiều nhà trường có những giải pháp tức thì, giải quyết tốt việc học trực tuyến, nhưng đó mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, tức là về công cụ để tương tác; còn học trực tuyến muốn thành công thì đòi hỏi phải có phương pháp và tài liệu được số hóa chuyên nghiệp. Khi dạy trực tuyến, không thể bắt học sinh ngồi trước máy tính trong 45 phút như ngồi trong lớp học. Chính vì vậy, phải phối hợp nhiều phương pháp để học sinh có thời gian tự học, thời gian tự nghiên cứu, do đó, việc số hóa tài liệu để học sinh có giai đoạn tự học là cực kỳ quan trọng!” - vị chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang - cho biết: “Khó khăn trong việc triển khai dạy học trực tuyến tại địa phương là một số giáo viên và học sinh mới đầu còn chưa quen, chưa “bắt nhịp” được; đặc biệt, học sinh vùng sâu, vùng xa thì điều kiện mạng còn yếu, khó tiếp cận. Để đảm bảo “phủ sóng” việc dạy học trực tuyến tối đa nhất có thể trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có phương án, phối hợp với các nhà mạng Viettel, Vinaphone để tăng cường phát sóng mạnh hơn ở những vùng mạng yếu, nhằm cung cấp và phục vụ tối đa nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh - cũng thông tin: “Hiện tại, Sở cũng đã và đang chuẩn bị những giải pháp cụ thể phục vụ triển khai dạy học trực tuyến, như tập huấn cán bộ giáo viên và hoàn thiện các thiết bị đường truyền, các thiết bị đầu cuối tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Sở cũng đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng các tài nguyên dạy học trực tuyến để đảm bảo khi học sinh đi học, có thể khai thác các bài giảng số của các thầy cô một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cũng chỉ triển khai tập trung chủ yếu ở bậc THCS, THPT, còn ở bậc tiểu học thì triển khai dạy học trực tuyến cũng chưa có hiệu quả”.
Học trực tuyến không đồng bộ khi mạng yếu
PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với TS. Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, bộ GD&ĐT - về vấn đề này.
Thưa Tiến sĩ, theo ông đánh giá, yếu tố “cốt lõi” để triển khai dạy học trực tuyến một cách toàn diện và đồng bộ là gì?
Triển khai toàn diện, đồng bộ dạy và học trực tuyến đương nhiên phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thầy được trang bị rồi thì cũng đòi hỏi trò phải có thiết bị, máy tính có webcam hoặc điện thoại thông minh. Cho nên những vùng khó đương nhiên gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Những nơi không có mạng thì “giơ tay đầu hàng”.
Thưa ông, có giải pháp nào cho dạy học trực tuyến đối với những vùng mạng còn chập chờn?
Nếu tốc độ mạng không ổn định, thầy và trò có thể chuyển sang chế độc học không đồng bộ. Học đồng bộ tức là khi điều kiện kỹ thuật cho phép thầy và trò cùng tương tác tức thời, học sinh đặt câu hỏi nào là thầy cô có thể trả lời ngay lập tức.
Còn không đồng bộ, là có “sự trễ”. Có nghĩa, chẳng hạn, khi có mạng, học sinh gửi câu hỏi qua email cho giáo viên và giáo viên cũng giải đáp qua email. Tuy nhiên, quá trình đặt câu hỏi và giải đáp có thể sẽ cách một khoảng thời gian, do điều kiện mạng. Ở những vùng này, giáo viên có thể chia sẻ những bài giảng có sẵn để học sinh có thể truy cập vào bất cứ lúc nào có mạng.
Tuy nhiên, với nơi không có mạng thì vẫn không thể tiếp cận!
Vậy, để triển khai dạy và học trực tuyến, ngành giáo dục cần có những hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Vấn đề này quả thực cũng rất khó! Với cơ chế như hiện nay, Nhà nước đã và đang huy động xã hội hóa để các tập đoàn, công ty, các tổ chức xã hội hỗ trợ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các vùng đặc biệt khó khăn, về mặt ý tưởng, chủ trương thì có nhưng mang tính chất hỗ trợ trực tiếp thì chưa thực hiện được nhiều.
Trước đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã ký cam kết hỗ trợ ngành giáo dục một số nội dung như: Viettel, VNPT hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục đại học (máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền); cung cấp miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến cho toàn bộ các trường đại học, phổ thông trên toàn quốc.
Căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế, các cơ sở giáo dục đại học, trường học nghiên cứu, liên hệ với các doanh nghiệp nêu trên để được hỗ trợ phần mềm, cơ sở hạ tầng phục vụ dạy học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19.
Xin cảm ơn ông!
Học trực tuyến qua video
Thầy Lê Bá Trần Phương - giáo viên hệ thống Giáo dục Hocmai - bật mí: “Triển khai dạy học trực tuyến có hai dạng chính: đầu tiên là ghi hình bài giảng, sau đó đăng tải dưới dạng các video; còn thứ hai là dạy trực tiếp qua hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, dạy trực tuyến qua phần mềm cũng gặp phải nhiều bất cập về bảo mật, quản lý học sinh. Đối với Hocmai, hình thức truyền thống vẫn là thầy cô ghi hình bài giảng, sau đó đăng tải video lên website. Với hình thức này, học sinh có thể học mọi thời điểm, và tương tác khá ổn định qua những bình luận dưới video. Kinh nghiệm giảng bài đối với phần dạy trực tuyến cần trau chuốt, cô đọng, đúng trọng tâm và có tính thẩm mỹ, như vậy, có thể tạo sự thu hút, học sinh xem đi xem lại bài giảng vẫn không bị nhàm chán”.
Nền tảng dạy học trực tuyến tối ưu?
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên gợi ý: “Để tối ưu việc dạy học trực tuyến, có hệ thống A-Z Learning, về cơ bản giống Zoom và hoàn toàn miễn phí, nhưng hay hơn ở chỗ không giới hạn thời gian. Hệ thống này hiện tại đang cung cấp miễn phí. Đơn vị nào muốn chuyên nghiệp hơn, khi đăng ký, sẽ có thêm tính năng làm bài test, có trí tuệ nhân tạo để đo lường, đánh giá được mức độ tập trung của học sinh hay độ khó của bài thông qua thời gian học sinh dừng lại ở mỗi câu hỏi. Đồng thời, có hệ thống LMS, ghi nhận điểm số, ghi nhận quá trình học tập của học sinh”.
C.M