img

Địa phương phàn nàn vì mua kit xét nghiệm Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo “công khai, minh bạch”

HÀ NHÂN

Chiều 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 địa phương về tình hình và các biện pháp mới phòng, chống dịch Covid-19.

Từng bước kiểm soát tình hình tại Đà Nẵng

Theo báo cáo của bộ Y tế, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, số trường hợp mắc mới giảm trong những ngày gần đây.

Cụ thể, từ ngày 23/7 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp, trong đó có 46 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 405 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng bộ Y tế nhận định, các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 bệnh nhân) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung là 172 trường hợp.

Trong 17 bệnh nhân tử vong có 10 nữ và 7 nam, độ tuổi dao động từ 33-86 tuổi (11 người trên 60 tuổi). Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo. Phổ biến nhất là suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư nên nguy cơ tử vong rất cao và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường họp tử vong trong nhóm các bệnh nhân này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, do phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó khăn. Trường hợp bệnh đầu tiên chỉ được phát hiện khi có triệu chứng tại bệnh viện C Đà Nẵng nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì khi đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

img

Tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng đang được kiểm soát tốt.

Vì thế, công tác nâng cao năng lực cho hệ thống bệnh viện các tuyến, từ địa phương đến Trung ương và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.

Mặc dù, đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, nhưng trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Tăng cường xét nghiệm sàng lọc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng lần lượt báo cáo với Thủ tướng về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu trình bày, Thành phố đang cách ly điều trị cho 10 bệnh nhân, tất cả đang ổn định, không sốt, không ho và không khó thở.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cách ly tập trung 1.030 trường hợp; cách ly y tế tại các bệnh viện Thành phố đối với 28 người nhập cảnh có bệnh lý; cách ly tại nhà/nơi lưu trú 3.602 người cũng được thực hiện nghiêm túc.

Đến 10h30 ngày 12/8, tổng số mẫu xét nghiệm (lũy tích) đã thực hiện cho tất cả các nhóm đối tượng là 109.093 mẫu. Bốn cơ sở xét nghiệm được bộ Y tế cấp phép có công suất thực hiện 5.000 mẫu/ngày.

img

Lãnh đạo TP.HCM báo cáo thực tế phòng, chống dịch của địa phương.

TP.HCM cũng ghi nhận 51.046 người đang cư trú trên địa bàn từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1/7 khai báo y tế tại 24 quận huyện. Trong đó, có 50.905 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, có 49.797 mẫu có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính đã được công bố là bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589).

“Theo kế hoạch, trong 2 ngày 13 và 14/8, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tổ chức tiếp nhận 625 người từ Đà Nẵng, có nguyện vọng trở về địa phương. Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ tổ chức xét nghiệm kiểm tra cho tất cả những người này và đều có kết quả âm tính. Những người trở về từ Đà Nẵng sẽ được tổ chức cách ly tập trung, tiếp tục xét nghiệm giám sát trong thời gian cách ly”, ông Châu thông tin.

Trên cơ sở diễn biến dịch bệnh, chính quyền TP.HCM sẽ tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc đối với những người có triệu chứng hô hấp khi đến khám tại các cơ sở y tế.

Sau khi việc xử phạt đối hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng đã bước đầu có hiệu quả, TP.HCM sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát những người có nguy cơ cao như tài xế, tiểu thương tại các chợ đầu mối, nhân viên tại các nhà hàng,…

img

Thiếu thốn về trang bị vật tư y tế

So với TP.HCM, một số địa phương khác đã báo cáo với Thủ tướng về khó khăn trong việc trang bị vật tư y tế để phòng, chống dịch. Như tại Thanh Hóa, ngành y tế địa phương đang phấn đấu nâng khả năng xét nghiệm từ 400 mẫu/ngày lên 800 - 1.000 mẫu/ngày.

Thế nhưng, việc mua sắm kit xét nghiệm, sinh phẩm gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung, ít cơ sở đủ năng lực cung ứng, việc cung ứng chậm tiến độ và giá cả không ổn định, không mua được giá mua công bố trên webside của bộ Y tế. Các trang thiết bị phòng chống dịch khác như trang phục chống dịch, khẩu trang chuyên dụng, hóa chất khử khuẩn... cũng trong tình trạng tương tự.

Vì vậy, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng nguồn cung (cả số lượng và số nhà cung ứng đủ điều kiện), thống nhất khung giá sát với thực tế thị trường để đáp ứng hậu cần cho công tác phòng, chống dịch.

img

Một số nơi đang lúng túng vì thiếu trang thiết bị chống dịch.

Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch trên địa bàn như Cloramin B, trang phục bảo hộ, khẩu trang y tế, test kit để xét nghiệm Realtime PCR.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng cho hay, địa phương đã có kế hoạch mua máy xét nghiệm Covid-19 nhưng không tìm được đơn vị thẩm định để xác định giá mua. Cho nên, kết quả là đến hiện nay vẫn chưa được mua thiết bị quan trọng.

Bởi lẽ, sau khi viện Pasteur Nha Trang thông báo tạm dừng nhận mẫu xét nghiệm, các địa phương phải gửi kèm hóa chất, sinh phẩm nếu muốn xét nghiệm. Nhưng ngay cả sinh phẩm và hoá chất, tỉnh Khánh Hòa cũng đang rất khó khăn trong việc mua sắm do thủ tục và khan hiếm.

Còn tỉnh Quảng Nam đã thành lập thêm 6 đội phản ứng nhanh, phối hợp với viện Pasteur Nha Trang, đội Y tế dự phòng Quân khu 5, viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn, bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, trường đại học Phan Châu Trinh, bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức… để nâng cao năng lực xét nghiệm lên ít nhất 6.000 mẫu/ngày, tập trung xét nghiệm các trường hợp F1, người trong khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung. Vì thế, nhu cầu thiết bị phòng, chống dịch cũng rất cấp thiết.

Bình tĩnh, trách nhiệm, theo đúng quy định

Trước phàn nàn "không dám" mua sinh phẩm, kít xét nghiệm của một số nơi, Thủ tướng khẳng định, theo quy định của luật Đấu thầu, có thể chỉ định thầu trong điều kiện có dịch và thuộc thẩm quyền của bộ Y tế, sở Y tế các địa phương.

Thủ tướng cũng chỉ đạo thành lập tổ liên ngành, bao gồm y tế, tài chính, bảo hiểm,… và một số bệnh viện lớn để làm việc với các nhà cung cấp nhằm xác định mức giá thành, công bố rộng rãi đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để thiếu kinh phí chống dịch Covid-19. Chúng ta công khai minh bạch, không tham nhũng thì không có gì phải ngại. Không đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, các cấp các ngành phải tiếp tục thực hiện các biện pháp căn cơ, kiên quyết để phòng chống dịch. Khác với trường hợp xuất hiện ca bệnh số 17 trước đây, lần này người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Tình hình thị trường, giá cả ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần bình tĩnh và trách nhiệm trong đối phó dịch bệnh.

Từ kinh nghiệm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thủ tướng chỉ đạo cần thành lập các tổ công tác tại địa phương, cộng đồng để đi từng ngõ, gõ từng nhà, nhất là ở các địa phương có lây nhiễm, không để dịch bệnh lây lan. Đi liền với đó là bộ Quốc phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, bộ Công an hoàn thành tốt tình hình an ninh trật tự trong tình hình dịch bệnh.

Thủ tướng cũng gửi lời hoan nghênh, trân trọng đối với hơn 300 cán bộ, y tế, hàng trăm sinh viên tình nguyện tăng cường cho khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng trong thời gian qua. Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn.

Trên tinh thần trách nhiệm, Thủ tướng đề nghị mỗi địa phương cần xây dựng chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa phát triển kinh tế xã hội.

“Chúng ta đề cao nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, không chủ quan, mất cảnh giác nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở một quy mô quá rộng không chỉ tê liệt các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng tâm lý người dân và xã hội. Phải đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực trong 1 địa phương, không nhất thiết phong tỏa toàn bộ thành phố hoặc quận, huyện trong thời gian quá dài”, Thủ tướng nhận xét.

H.N

img