img

Điểm chuẩn vào lớp 10 là 2,9: Cần có kênh học tập riêng để tránh “vơ bèo vạt tép”

Cẩm Mịch

Theo lý giải của đại diện lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, điểm chuẩn vào lớp 10 thấp là cách tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số được học tập. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục lại cho rằng, cần có kênh học tập riêng ngay từ đầu để không lãng phí thời gian đào tạo.

Điểm chuẩn thấp nhưng vẫn cần sàng lọc

Điểm trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Thanh Hóa năm nay khiến nhiều người bất ngờ khi 55/88 trường có mức dưới 20 điểm.

Trong đó, có những trường đưa điểm chuẩn thấp, học sinh chỉ đạt trung bình dưới 1 điểm/môn vẫn trúng tuyển. Chẳng hạn, trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh) có điểm chuẩn là 2,9 điểm (trung bình là 0,58 điểm/môn); trường THPT Thường Xuân III (huyện Thường Xuân) có điểm chuẩn là 4,6 điểm (trung bình là 0,92 điểm/môn. Kết quả thi được dùng để tuyển sinh vào lớp 10 gồm tổng điểm 3 môn thi (Toán, Văn, Ngoại ngữ). Trong đó, điểm Toán và Văn nhân hệ số 2.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Văn Hòa - Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết, điểm chuẩn vào các trường của tỉnh năm nay được xác định trên số học sinh dự thi và điểm thi đạt được. Đồng thời, thí sinh trúng tuyển phải đáp ứng được yêu cầu không có bài thi nào bị “điểm liệt”. Được biết, sở GD&ĐT Thanh Hóa quy định “điểm liệt” trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 - 2021 là 0,25 điểm.

“Như vậy, trường THPT Lang Chánh đưa ra mức điểm chuẩn là 2,9 điểm, tuy thấp nhưng không sai. Những học sinh không có môn thi nào bị “điểm liệt” và đủ điểm chuẩn đều trúng tuyển vào trường. Đặc biệt, Lang Chánh là một huyện miền núi khó khăn, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, các em dự thi và thoát “điểm liệt” để đi học đã là điều rất đáng quý, giáo dục tạo điều kiện cho các em có nhu cầu được học tập” - vị Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa phân trần.

Bên cạnh đó, không riêng trường THPT Lang Chánh, điểm chuẩn lớp 10 ở các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa cũng thấp. Có 11 trường THPT công lập tại địa phương này lấy điểm chuẩn dưới 9,0 điểm (trung bình chỉ 1,8 điểm/môn là đỗ vào lớp 10).

img

Điều này được ông Trần Văn Hòa lý giải, do số học sinh dự thi không nhiều. Chẳng hạn, theo kế hoạch, một trường tuyển 320 chỉ tiêu nhưng chỉ 300 thí sinh dự thi, thì em nào thoát “điểm liệt” là trúng tuyển.

Trước những băn khoăn của PV về chất lượng đào tạo của nhà trường khi điểm đầu vào quá thấp, ông bày tỏ: “Điểm chuẩn thấp không phản ánh chất lượng đào tạo của trường đó là thấp. Điểm chuẩn là điểm của những em cuối cùng trúng tuyển. Còn có những em trúng tuyển với mức điểm trên chuẩn, thậm chí, là một mức điểm cao. Chính vì vậy, muốn đánh giá chất lượng đầu vào của một trường thì phải tính điểm trung bình cộng của học sinh trúng tuyển, không thể chỉ nhìn vào điểm chuẩn, vì đó là mức thấp nhất”.

Cũng theo vị Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa, mặc dù điểm chuẩn lớp 10 của nhiều trường ở mức thấp nhưng vẫn phải tổ chức thi, vì đây là căn cứ để định hướng giảng dạy. Các trường cần biết năng lực học tập của học sinh để có định hướng dạy học phù hợp ở cấp THPT. Nếu học sinh có tư tưởng học hay không cũng trúng tuyển sẽ rất nguy hiểm.

Nên có kênh học tập khác

Trước những băn khoăn về điểm chuẩn của trường THPT Lang Chánh, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie (Hà Nội) - cho hay, ông cũng có phần ngạc nhiên khi điểm chuẩn là điểm tối thiểu để đỗ vào một trường THPT công lập lại thấp như vậy. Tuy nhiên, vị Hiệu trường này cũng nhấn mạnh, việc điểm chuẩn của mỗi vùng có điều kiện khác nhau thì sẽ khác nhau, không thể lấy những vùng như vậy để đem so sánh với những thành phố lớn, cần phân luồng cao.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (Cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft) nhận định: “Nếu điểm tuyển sinh đầu vào thấp như vậy, cái khó đầu tiên chính là cái khó cho trường. Những học sinh vừa đủ điểm chuẩn 2,9 điểm là những học sinh mà khi tuyển sinh, trường đã xác định sẽ phải dạy lại gần như toàn bộ những kiến thức từ bậc THCS. Đó là “con dao hai lưỡi”. Có thể nhận những thí sinh này vào thì trường sẽ đủ chỉ tiêu về số lượng, nhưng về chất lượng khó đảm bảo.

Khi nhận học sinh vào trường, các thầy cô phải có sự sắp xếp phù hợp. Tuy nhiên, nếu xếp dồn tất cả những em yếu nhất về một lớp thì sẽ vi phạm một trong những nguyên lý giáo dục, khiến các em không có động lực phát triển. Mà nếu không chia ra, xếp cả những em học khá với những em yếu như vậy thì lại gây khó cho cả thầy và trò”.

img

“Trong bối cảnh hiện nay, học sinh học tập cũng không nhất thiết phải đi thi đại học, thậm chí, không nhất thiết phải học hết 12 năm chương trình phổ thông. Các em hoàn toàn có thể học chương trình nghề, chương trình cao đẳng 9+, học những điều thiết thực hơn, thuận lợi hơn.

Với khả năng học tập các môn văn hóa của những em chỉ giới hạn ở mức thấp như vậy, biết chắc là khi học hết lớp 12 cũng không đủ khả năng đỗ đại học, vậy thì không nên đầu tư như vậy. Không nhất thiết học THPT mà có thể học nghề rồi đi làm luôn”, vị chuyên gia giáo dục phân tích.

Theo đó, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên đề xuất: “Nếu trường muốn nhận hết những học sinh có kết quả thi thấp như vậy để tạo điều kiện cho các em, thì nên có một kênh học tập khác dành cho các em. Trong 4 đặc điểm của giáo dục thế kỷ XXI, đặc điểm thứ tư là “cá thể hóa việc học”. Có nghĩa là, trường học nhận vào những có thể xin những chính sách phù hợp để những học sinh này sẽ không phải học tập hết tất cả các môn văn hóa, mà thế mạnh là gì thì được quyền học tập và phát huy thế mạnh đó”.

Nhiều trường của các tỉnh khác cũng lấy dưới 10 điểm

Theo công bố điểm chuẩn của nhiều địa phương, điểm chuẩn vào lớp 10 thấp nhất ở Bắc Giang là 6,7 tại trường THPT Lục Ngạn số; tại Hưng Yên, trường THPT Nam Phù Cừ lấy điểm chuẩn là 8,4, thấp nhất trong toàn tỉnh. Theo công bố của sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, trường có mức điểm chuẩn thấp nhất là THPT Con Cuông với 8,6 điểm (trung bình chưa đến 3 điểm/môn). Điểm chuẩn lớp 10 thấp nhất tại Cần Thơ, Lạng Sơn cũng là 9 điểm…

C.M

img