Điệp vụ "giải cứu" và những chuyện chưa kể trong khu cách ly Covid-19 Quảng Nam

Nhâm Thân

Hàng trăm người là hàng trăm khẩu vị, hàng trăm tính cách. Để họ hiểu và chấp hành tốt nội quy khu cách ly, đòi hỏi nỗ lực từ lực lượng chức năng. Khi đó, người công an, chiến sĩ quân đội, hay y, bác sĩ không đơn thuần chỉ là làm nhiệm vụ. Họ sắm vai người anh, người chị, người em ... cùng sẻ chia, yêu thương.

Nghĩa tình vì công việc chung

Ngày đầu tháng Bảy cũng là ngày thứ 7 của 344 công dân từ Nhật Bản về nước trong khu cách ly trường Cảnh sát nhân dân 5 (CSND) đóng tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Họ - nam nữ, già trẻ đủ cả. Từ những người xa lạ, họ dần trở nên khăng khít, quây quần trong mái nhà chung.

Được sự cho phép và trang bị đầy đủ bảo hộ theo quy định, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có dịp vào khu cách ly này. Lúc PV đến cũng là lúc ban Chỉ huy khu cách ly tiến hành họp bàn, báo cáo thông tin trong ngày theo quy định.

Đại tá Lê Văn Quyển, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam kiêm Tổng chỉ huy khu cách ly cho biết, ngày 24/6, khu cách ly trường CSND 5 đón 347 công dân về nước. Trong đó, có 3 công dân được đưa đến các cơ sở y tế trên địa bàn để cách ly riêng vì yếu tố bệnh lý nên còn lại 344 người.

“Tại khu cách ly có nhiều lực lượng như quân đội, công an, y tế... cùng phối hợp để làm nhiệm vụ. Mỗi lực lượng có một chức năng riêng, phối hợp với nhau nhịp nhàng. Cạnh đó, số điện thoại của chỉ huy trưởng và một số đầu mối cũng được công khai cho công dân cách ly nắm, cho người nhà công dân biết để phản ánh những việc cần. Mọi việc rất minh bạch, dân chủ", Đại tá Quyển chia sẻ.

Đại tá Lê Văn Quyển, Tổng chỉ huy khu cách ly triển khai công việc.

Có vào những khu cách ly mới thấy hết vai trò, trách nhiệm và cả niềm tự hào của những người chiến sĩ quân đội, y tế đang đêm ngày trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thiếu tá Trần Văn Bắc - Chỉ huy hậu cần khu cách ly - mồ hôi nhễ nhãi nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi. Anh kể từ 3h sáng mỗi ngày, anh và đội hậu cần đã thức giấc bắt tay vào công việc. Anh đi chợ, anh nổi lửa, anh nhặt rau, ... nhịp nhàng, nhịp nhàng. Để rồi, khi con gà gáy sáng, khi tiếng kẻng báo hiệu vang lên thì cơm ngon canh ngọt cũng xong xuôi cho hơn 300 người.

Hỏi sao chỉ với vài người trong đội hậu cần mà các anh có thể lo được cho hơn 300 công dân, Thiếu tá Bắc cười bảo quen rồi. Môi trường quân đội kỷ cương rèn luyện nên sự bài bản, nhiệt huyết nơi mỗi chiến sĩ như anh là không hiếm. Nhưng hơn hết, đó là vì công cuộc chung, là trách nhiệm, là nghĩa tình.

"Không chỉ là nhiệm vụ hậu cầu, anh em chẳng khác gì những người thân của các công dân cách ly. Nhớ đợt cách ly trước cho 345 người trở về từ Đài Loan, trong đó có 243 phụ nữ mang thai ốm nghén, không ăn được, có mười mấy em nhỏ biếng ăn. Anh em lo và thương lắm, chạy đi hỏi han từng người, nắm bắt khẩu vị rồi điều chỉnh ngay. Giờ cứ mỗi lần phát cơm, anh em đều đưa kèm phiếu. Ai có có tâm tư gì cứ ghi vào. Cùng lắng nghe, sẻ chia", vị chỉ huy hậu cầu chia sẻ.

Những người lính áo xanh đảm đang trong công tác hậu cần.

Đặt tên con là Quảng Nam để lưu dấu kỷ niệm

344 công dân là 344 tính cách. Mỗi người một nết, để hòa chung trong khu cách ly không phải điều dễ dàng. Nắm được điều đó nên ngay từ đầu, lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích từ khâu tiếp nhận. Rồi sau nữa, những buổi khám bệnh, những lần đưa cơm, cách anh đều dành thời gian hỏi han, chia sẻ. Tình nghĩa cũng từ đây mà khăng khít, thắm thiết dần.

Ân cần hỏi han, lắng nghe tâm tư sẻ chia với các công dân.

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam chia sẻ, điều khiến ông vui nhất chính là sự đồng thuận, đồng lòng từ chính quyền đến người dân trong công cuộc phòng chống dịch. Từ trong khu cách ly cho đến từng tổ dân phố, thôn xóm làng quê.

"Cứ sau 14 ngày là tổ chức lễ trao chứng nhận cho công dân hoàn thành cách ly. 14 ngày tưởng chừng ngắn ngủi mà hóa ra bao kỷ niệm. Nhìn những công dân xa lạ hóa thân quen, bịn rịn, quyến luyến bên nhau thời khắc chia tay rất xúc động. Còn nữa, có nhiều cô cậu bé nhỏ chạy theo níu chân các anh quân đội hay những lá thư tay của các công dân trao lời cảm ơn. Tôi nhớ trường hợp một người mang bầu đã 7 - 8 tháng. Hai vợ chồng đều làm ở Đài Loan. Anh chồng về nước trước do hết việc. Chị vợ phải ở lại do chưa giải quyết xong chế độ lương. Một thân một mình lại bụng mang dạ chửa nơi xứ người chị ấy rất lo. Khi về nước nghe cách ly 14 ngày ở Quảng Nam chị lại càng lo, mếu máo khóc điện cho chồng. Nhưng rồi vào cách ly thấy nhiều chị em giống mình, thấy lực lượng quân đội, y tế chăm sóc tận tâm, chị ấy hiểu ra, mừng vui. Rồi nữa, có chị còn sinh con trong khu cách ly và đặt tên con là Quảng Nam luôn đó", ông Hai nói mà không giấu được sự xúc động.

Đứng cạnh lực lượng y tế, một bà bầu tranh thủ ghi lại những hình ảnh khó quên.

Kỷ niệm thót tim

"Vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, kỷ niệm phải không anh?", nghe tôi hỏi, Thiếu tá Phan Bá Anh - cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - làm nhiệm vụ tại khu cách ly không giấu được nỗi niềm.

Anh kể, với anh đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn trách nhiệm, là tự hào. Có đêm bộ quân phục người chiến sĩ này ướt đẫm mồ hôi, có ngày anh phải thay 3 bộ đồ bảo hộ y tế vì nhiệm vụ liên tục đến. "Nhớ nhất là đêm đầu tiên khi đón những công dân này", Thiếu tá Anh nói.

Điều nhớ nhất của vị Thiếu tá trẻ tuổi đó chính là về 2 công dân "đặc biệt". Theo đó, trong tổng 347 công dân về nước có 3 công dân mắc phải một số bệnh lý (3 người này được đi cách ly ở bệnh viện nhằm điều trị bệnh nên còn 344 người - PV). Trong 3 người này, 1 người bị ung thư giai đoạn cuối và 2 người có những dấu hiệu của bệnh về tinh thần, dễ kích động, la hét.

Sau khi vào khu cách ly, người bị ung thư khai báo nên nhanh chóng được đưa đi bệnh viện. Đêm đầu tiên, 2 người kia la hét, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các công dân khác. Lúc này, ban chỉ huy khu cách ly mới phát hiện ra và lên kế hoạch đưa 2 người đi viện thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, kế hoạch đang lên thì 1 trong 2 công dân trèo lên ban công tầng 5 đòi nhảy xuống. Sự việc khiến cả khu cách ly lo lắng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của chính công dân.

Xuất thân là giáo viên lại kinh qua công tác tuyên huấn, Thiếu tá Bá Anh xung phong tiếp cận công dân này. Thời điểm đó, trời đã tối. Anh khoác đồ bảo hộ lên vai khi chén cơm còn bỏ dở, cùng đồng đội triển khai các biện pháp nghiệp vụ.

"Tôi lại gần người này cố gắng, khuyên nhủ, tâm sự. Suốt mấy giờ liền người này dần dần nguôi đi. Lúc này mới đưa họ từ tầng 5 xuống tầng 1. Vừa đi vừa thủ thỉ đủ chuyện. Hồi sau xe y tế đến, anh em lại tiếp tục khuyên nhủ rằng lên xe về bệnh viện chữa trị, ăn ngon ngủ kỹ hơn. Xe dời đi anh em nhẹ nhõm. Lúc này cũng đã 1, 2h sáng. Mình thì đẫm mồ hôi. Bụng lúc này mới cồn cào vì đói. Vui nhất là sau đó nhận được nhiều lời cảm ơn của bà con ở chính khu cách ly", vị Thiếu tá nhớ lại.

Cũng theo lời Thiếu tá Anh, đây là câu chuyện anh chưa từng kể cho ai. Còn rất nhiều câu chuyện phía sau khu cách ly về buồn vui, gian khó của lực lượng làm nhiệm vụ.

Xe y tế rời đi cũng là lúc 1,2h sáng. Mồ hôi các anh ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn vẹn nguyên sau nhiệm vụ khó khăn.

Đại tá Lê Văn Quyển - Phó Tham mưu trưởng bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - cho biết, việc phòng chống thiên tai, dịch bệnh là nhiệm vụ mà lực lượng quân đội là một trong nhiều lực lượng được giao trọng trách. Ở công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Quảng Nam, cùng với các ngành khác quân đội tham gia ngay từ đầu. "Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ một cách đầy tự hào", Đại tá Quyển hào sảng nói.

N.T