img
Tuấn Dũng – Công Luân - Mạnh Quốc (thực hiện)

Bộ GTVT đang xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) trên tinh thần phòng chống dịch để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Dự thảo Kế hoạch này được đánh giá là “khá thông thoáng” trong việc khôi phục lại vận tải hành khách. Xung quanh dự thảo Kế hoạch đang thu hút sự chú ý của dư luận này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã có cuộc trao đổi cởi mở với Phóng viên Người Đưa Tin.

XÂY DỰNG CÁC PHƯƠNG ÁN, KỊCH BẢN KHÁC NHAU, PHÙ HỢP VỚI TỪNG MỨC ĐỘ NGUY CƠ DỊCH BỆNH

img

Người Đưa Tin (NĐT): Thời gian qua, Giao thông- Vận tải (GTVT) là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của việc bùng phát dịch Covid-19. Diễn biến thực tế đang đặt ra một thách thức: làm thế nào vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa đạt được mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực GTVT. Xin Thứ trưởng cho biết, Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực mà Bộ GTVT đang xây dựng hướng tới mục tiêu nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Việc xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải của 05 lĩnh vực với mục đích chung là khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng bước nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn, đồng thời đảm bảo tính kết nối giữa các loại hình vận tải.

img

NĐT: Tại cuộc họp ngày 25/9 vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tinh thần này đã được thể hiện như thế nào trong Dự thảo mà Bộ xây dựng lần này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Xác định hoạt động vận tải là một trong những ngành dịch vụ có tính đặc thù cao và ảnh hưởng rất lớn đến khôi phục ngành nghề kinh tế khác, vì thế, quá trình xây dựng Kế hoạch Tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) lần này, Bộ GTVT quán triệt quan điểm của Thủ tướng về chuyển trạng thái mục tiêu phòng chống dịch Covid-19.

img

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng các phương án, kịch bản khác nhau, phù hợp với từng mức độ nguy cơ dịch bệnh khác nhau; qua đó, giúp các địa phương linh hoạt, chủ động trong tổ chức thực hiện, đồng thời cũng giúp các đơn vị vận tải có sự chuẩn bị tốt nhất về phương tiện cũng như người điều khiển với tinh thần sẵn sàng, chủ động thích ứng với cấp độ phòng, chống dịch để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã xin ý kiến của Bộ Y tế để quy định đối với người tham gia giao thông công cộng (hành khách đi trên phương tiện công cộng), các đơn vị phục vụ vận chuyển như: bến xe, trạm dừng nghỉ/trạm dừng chân, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng, bến thủy nội địa cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, cũng như biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo cho hoạt động vận tải được thuận lợi và an toàn.

NĐT: Xin Thứ trưởng cho biết, bên cạnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia, Bộ GTVT đã dựa trên những cơ sở nào trong quá trình xây dựng Dự thảo lần này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Dự thảo được Bộ GTVT xây dựng trên cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức vận tải đối với từng phương thức vận tải theo từng giai đoạn và cấp độ dịch bệnh từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước ta đến nay; đồng thời trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và những quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kế hoạch cũng được lấy ý kiến rộng rãi của 63 địa phương, các Bộ, ngành liên quan; đặc biệt là ý kiến của Bộ Y tế theo đúng chỉ đạo tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt, an toàn; chủ động phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện các quy trình, thủ tục kiểm soát người và phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn giãn cách) .

img

CẢNG HÀNG KHÔNG VÀ GA ĐƯỜNG SẮT LUÔN "XANH" VÀ LUÔN ĐƯỢC MỞ CỬA HOẠT ĐỘNG

NĐT: Trong Dự thảo lần này, có một trong những nguyên tắc chung là: “Các cảng hàng không, ga đường sắt trên địa bàn địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16”? Liệu quy định này có phù hợp và theo đúng yêu cầu hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đây là nội dung hướng dẫn hoàn toàn phù hợp với Chỉ thị 16 và xuất phát từ thực tế đang thực hiện trong thời gian vừa qua. Lần này, Bộ GTVT bổ sung hướng dẫn này nhằm thống nhất trong tổ chức thực hiện và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Khác với điều kiện khi hầu như địa phương nào cũng có bến xe khách (có thể đến cấp huyện) thì cảng hàng không hay ga đường sắt không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân sinh sống trên địa bàn địa phương đó mà còn phục vụ nhu cầu của nhân dân các địa phương lân cận hoặc trong một vùng.

img

Chính vì vậy, về nguyên tắc cảng hàng không hay ga đường sắt phải luôn được xác định là “xanh” để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Vấn đề là chúng ta phải có quy định, hướng dẫn cụ thể để người dân ở những tỉnh/ thành khác không áp dụng Chỉ thị 16 được đi đến và trở về từ các cảng hàng không, ga đường sắt đóng trên địa bàn đang giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ví dụ: trong thời gian Thành phố Hà Nội thực hiện chỉ thị 16 thì Cảng hàng không Nội Bài vẫn phải duy trì hoạt động để thực hiện các chuyến bay công vụ, vận chuyển y bác sĩ từ các địa phương khác nhau tăng cường cho miền Nam, vận chuyển hàng hóa; vận chuyển chuyên gia, du học sinh, người có nhu cầu xuất cảnh kể cả từ các tỉnh khác (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, …) là các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16.

NĐT: Trong 05 lĩnh vực vận tải, riêng cho vận tải hàng hải và đường thủy nội địa được xây dựng phương án 3 giai đoạn so với đường bộ, hàng không và đường sắt là 4 giai đoạn, xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân xây dựng phương án như trên có phải là đặc thù của hàng hải và đường thủy nội địa dễ quản lý hơn và dễ đảm bảo an toàn hơn so với các lĩnh vực khác?

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đúng là do đặc thù của lĩnh vực vận tải hàng hải, đường thủy nội địa không thể tính theo tần suất khai thác, do số chuyến hoạt động chủ yếu là trên tuyến từ bờ ra đảo (đặc thù số lượng chuyến ít, hoạt động trên biển không gây ùn tắc giao thông). Vì thế khi cho hoạt động trở lại thì cho hoạt động tất cả các chuyến đang được phép khai thác và chỉ tính theo “tỉ lệ % hành khách được chở trên tàu hoạt động trên tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo” và “Tỉ lệ % hành khách được chở trên tàu hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa” nhằm đảm bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Đối với nội dung hướng dẫn tại mục này, Bộ GTVT sẽ tiếp thu điều chỉnh theo ý kiến của Bộ Y tế.

NĐT: Dự thảo kế hoạch có quy định:“Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 19: Tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỉ lệ % phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải”, xin ông làm rõ thêm những căn cứ, tiêu chí cần thiết để các địa phương lựa chọn quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn đối với từng phương thức vận tải như quy định trong kế hoạch nếu ban hành.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đối với nội dung hướng dẫn tại mục này, Bộ GTVT sẽ tiếp thu điều chỉnh hoàn toàn theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Dự kiến, sẽ quy định theo tiêu chí: địa phương/vùng có nguy cơ rất cao, địa phương/vùng có nguy cơ cao, địa phương/vùng có nguy cơ thấp và trung bình thì có được hoạt động hay không? Nếu được hoạt động thì tỉ lệ được phép hoạt động đối với từng loại hình vận tải sẽ như thế nào?

CHƯA QUY ĐỊNH CHỨNG NHẬN TIÊM VẮC-XIN, KHỎI BỆNH HOẶC XÉT NGHIỆM ÂM TÍNH VỚI HÀNH KHÁCH

NĐT: Một trong những điểm rất mới của Dự thảo lần thứ hai kế hoạch là quy định đối với hành khách, theo đó Hành khách khi đi trên phương tiện vận tải cần đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiêm “Nguyên tắc 5K”; khai báo y tế theo quy định và thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người tham gia giao thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Quy định về giấy chứng nhận về tiêm vắc-xin, hoặc giấy chứng nhận chữa khỏi bệnh hay xét nghiệm âm tính trong vòng 72h không được đề cập. Xin Thứ trưởng giải thích thêm về việc này?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đối với nội dung quy định này, trước mắt khi xây dựng Dự thảo, Bộ GTVT đã xây dựng 02 phương án trên cơ sở những quy định, hướng dẫn về y tế đang triển khai của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến thẩm quyền quy định của Bộ Y tế, do đó khi có ý kiến trả lời chính thức của Bộ Y tế, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và áp dụng để hoàn thiện kế hoạch.

NĐT: Liệu đây có phải là quy định đi ngược với tiêu chí “thẻ xanh Covid” mà chúng ta đang hướng tới?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Như tôi đã nói ở trên, đây mới là Dự thảo và căn cứ xây dựng đó là dựa trên trên những quy định và tiêu chí y tế hiện hành. Chính vì vậy, khi có ý kiến chính thức của Bộ Y tế, Bộ GTVT sẽ tiếp thu, hoàn thiện để đảm bảo áp dụng, thực hiện theo quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP GTVT, KIẾN NGHỊ RÀ SOÁT, BÃI BỎ QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH CHƯA ĐÚNG TINH THẦN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG.

NĐT: Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất, ngoài xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải, Bộ GTVT sẽ có những chính sách, hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi trong thời gian tới?

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trong thời gian qua với các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải, các chính sách của Quốc hội, Chính phủ đưa ra để hỗ trợ cho các doanh nghiệp là rất kịp thời, đúng nội dung và có sức hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, như việc giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn trong việc quy định lắp camera trên phương tiện xe kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giảm 50% mức nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không; giảm 50% mức giá dịch vụ hạ cánh, cất cánh đối với các chuyến bay nội địa, áp dụng mức tối thiểu 0 đồng đối với các khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không... Trong tình hình diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết.

Bộ GTVT đã có rất nhiều văn bản gửi đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như sau: (i) Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xem xét tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như: giảm thuế giá trị gia tăng; giảm thuế thu nhập DN cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch; …(ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải về việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

img

NĐT: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã có nhiều chỉ thị, công điện và chỉ đạo trực tiếp đề nghị với các Bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân trong tình hình dịch Covid-19, tuy nhiên một số địa phương còn có những quy định chưa phù hợp dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp. Có chăng chúng ta đang gặp lúng túng trong khâu tổ chức? Thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trong thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố vẫn còn áp dụng một số quy định phòng chống dịch chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa như: yêu cầu thay thế lái xe của địa phương; quy định giá trị hiệu lực của Giấy xét nghiệm SARS-COV-2 là 24 giờ hoặc 48 giờ ngắn hơn so với hướng dẫn của Bộ Y tế là 72 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm); giấy xét nghiệm SARS-COV-2 còn giá trị nhưng vẫn yêu cầu lái xe xét nghiệm lại; phải đăng ký phương tiện vận chuyển hàng hóa với Sở Công thương trước khi vào địa phương; tình trạng khó khăn khi lưu thông vận chuyển hàng hóa tại các chốt liên huyện, liên xã, nội tỉnh.

Bộ GTVT đã có nhiều công điện, văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát và chủ động thu hồi, bãi bỏ các văn bản chỉ đạo chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT phải làm đầu mối chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ GTVT trong công tác tham mưu các phương án tổ chức giao thông, đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được thông suốt, an toàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục duy trì chế độ họp trực tuyến hàng tuần với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, 63 địa phương và các Cục/Tổng cục, cơ quan tham mưu thuộc Bộ để nắm bắt tình hình, kịp thời trao đổi, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đồng thời, Bộ duy trì 4 tổ kiểm tra hiện trường trên các tuyến đường bộ, cảng hàng hải, đường thủy nội địa, tuyến đường sông để kịp thời nắm bắt tình hình, hướng dẫn và phối hợp với các địa phương điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông, phương án kiểm soát phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch…

Bộ tổ chức nhóm Zalo điều hành công tác vận tải chung trên toàn quốc để kịp thời nắm nắt, chia sẻ, cung cấp thông tin và hướng dẫn, xử lý những vướng mắc, phát sinh. Đồng thời Bộ cũng tổ chức bộ phận chuyên trách để theo dõi, nắm bắt, tiếp nhận thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, của nhân dân, của lái xe và doanh nghiệp vận tải nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc; trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, giải quyết “trúng”, “đúng”, “kịp thời” những vướng mắc, phát sinh trên thực tế trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của ngành GTVT.

CẤP THẺ "LUỒNG XANH” KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ TIÊU CHÍ LÁI XE ĐÃ TIÊM VẮC XIN.

img

NĐT: Thời gian qua, xe "luồng xanh" đã phát huy tốt hiệu quả trong điều kiện vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, sắp tới quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT như thế nào về vấn đề "luồng xanh"? Liệu có nên bổ sung thêm yêu cầu về tiêm vắc-xin trở thành một điều kiện để cấp thẻ "luồng xanh" cho doanh nghiệp?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại nước ta, đặc biệt với chủng Delta rất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh; chính vì vậy khi thực hiện các giải pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16, các địa phương đã tổ chức các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến đường một cách rất chặt chẽ, điều này nếu không có giải pháp riêng cho hoạt động vận tải thì sẽ xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài tại các chốt.

Chính vì vậy, việc xây dựng “luồng xanh” và cấp giấy nhận diện ưu tiên cho phương tiện vận tải hàng hóa (QR Code) khi lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch là một giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả giúp cho hoạt động vận tải hàng hóa được thông suốt, phục vụ kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân, phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Qua thực tiễn triển khai, đã được nhân dân, các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, các lái xe và dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Sau thời gian thực hiện và trước nhu cầu của thực tiễn, trên cơ sở tham mưu của Bộ GTVT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, quy định thống nhất các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đều là "luồng xanh" (trừ những tuyến đường bị cấm theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu cấp bách để phòng chống dịch),đồng thời các hàng hóa đều được phép vận chuyển trừ hàng hóa cấm theo quy định. Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 để thống nhất triển khai trong toàn quốc. Đến nay, cơ bản giao thông thoáng, hàng hóa lưu thông thuận lợi.

Bên cạnh đó, xác định giải pháp căn cơ để tạo điều kiện tiêm Vắc xin cho đội ngũ lái xe vận tải và người phục vụ theo xe; Bộ cũng đã kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận đưa đội ngũ lao động này là đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin; Bộ cũng đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Y tế và các địa phương ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ lái xe; tuy nhiên do nhu cầu cấp bách chung của cả nước, đến nay số lượng tiêm chủng cho đội ngũ lái xe vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã có quy định y tế đối với lái xe vận tải hàng hóa và đang được áp dụng hiệu quả, vì thế cho đến thời điểm này không cần thiết bổ sung thêm yêu cầu về tiêm vắc-xin cho lái xe trở thành một điều kiện để cấp thẻ "luồng xanh" cho doanh nghiệp.

NĐT: Xin cảm ơn Thứ trưởng.

* Tiêu đề do Toà soạn đặt.

T.D - C.L - M.Q

img