Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim. Hãy để trái tim lên tiếng và bộ não chỉ huy hành động. Hãy dành thời gian để cống hiến thay vì tập trung vào hình thức và lạc thú. Đó là cách để ta trở nên hữu dụng với đời. Đó là cách để ta thực sự sống trong đời. Đó là cách để ta có thể nở nụ cười mãn nguyện với đời. Và, đó là cách để ta thực sự hạnh phúc.
Nữ y tá bế ba trẻ sơ sinh tại bệnh viện Al Roum ở Beirut, Lebanon hôm 5/8. Ảnh: CNN.
“Chống dịch như chống giặc” là tinh thần của mỗi người dân Việt kể từ khi Covid-19 bùng phát. Ấy thế mà lại có ông Phó Chủ tịch xã thoái lui, bỏ chạy khi giặc đến nhà.
Trời mưa là lý do ông Viên Đình Nam, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hùng, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, từ chối tham gia công tác phòng chống dịch. Thật khó lý giải cho hành động của vị quan phó này. Thiếu ý thức, vô trách nhiệm, ông Nam nhận cái án ban đầu “đình chỉ 15 ngày”. Sự tắc trách của ông rồi sẽ được tiếp tục làm rõ và rất có thể, quan phó sẽ thân bại danh liệt vì cái lý trời mưa kia. Âu đó cũng là cái giá phải trả cho những người ích kỷ.
Sự lười nhác, tắc trách và vô trách nhiệm của ông Nam trở nên lố bịch hơn khi được đặt cạnh người dân, những con người đang ngày đêm tự nguyện lăn xả vì cộng đồng ở Đà Nẵng.
Họ là chủ gara ô tô, chủ quán cafe, chủ doanh nghiệp... nhưng khi Covid-19 bùng lên, họ sẵn sàng mang xe ôtô riêng chạy hàng trăm km mỗi ngày, tiếp sức chống dịch. Nhiệm vụ của các anh là vận chuyển nhu yếu phẩm, thiết bị y tế kịp thời cho các bệnh viện, trung tâm y tế, các khu cách ly tại Đà Nẵng. Khẩn trương, nhanh nhạy và quyết liệt chính là điều dễ dàng nhận thấy ở các anh. Mỗi lần nghe thông báo trong nhóm chat về chuyến hàng cần chuyển miễn phí, mọi người lại tranh nhau đi. Ai được chọn thì mừng như xe ôm công nghệ “nổ cuốc”.
Thật đau lòng khi cái lý “trời mưa” đặt cạnh niềm hân hoan “nổ cuốc”!
“Quân tử lấy ngôn ngữ mà giáo hóa người và lấy hành động của mình làm gương để ngăn cấm người. Vì vậy, ngôn ngữ phải suy nghĩ kỹ trước sau, hành động phải xét kỹ những chỗ sai sót, như vậy ắt dân sẽ cẩn trọng ở ngôn ngữ và nghiêm túc ở hành động”. Sau cả ngàn năm, những lời răn kia của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị. Làm quan nhưng chẳng thể làm gương âu là chuyện khó hiểu.
Hút thuốc bị nghiêm cấm trong quốc hội Malaysia. Bất cứ ai bị phát hiện vi phạm quy định này đều có thể bị phạt tiền từ 500-10.000 ringgit (khoảng 164 USD-2.300 USD) hoặc đối mặt án tù lên đến hai tháng hoặc chịu cả 2 án phạt. Ấy thế mà, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein lại vén khẩu trang để hút thuốc lá điện tử trong một phiên chất vấn của quốc hội. Clip đăng tải, người dân sốc! Ông Hishammuddin Hussein vốn là một người tài năng trên chính trường. Ông đã có được những thành tích nổi bật trên cương vị của mình. Ông được người dân kính trọng. Nhưng, điều đó không thể làm giảm sự phẫn nộ của họ trước hành động của ông.
Vẫn biết, “dụng nhân như dụng mộc”, đừng vì một chỗ mục nhỏ mà bỏ cả cây lớn, đừng vì một hành động nhỏ mà đánh đồng những giá trị khác. Nhưng… quan không tuân thủ luật thì dân sẽ đi về đâu?.
Khi quan là nốt trầm thì dân lại là nốt thanh, đó là nghịch lý nhưng lại là thực tế đã có.
Nếu ông Hussein bất chấp quy định để thoả mãn “cơn khát” thì một cô y tá lại bất chấp tính mạng để cứu 3 đứa trẻ. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra ở cảng Beirut, Lebano. Phóng viên ảnh Bilal Jawich đã lao đến bệnh viện Al Roum, quận Ashrafieh. Tại đó, anh đã có được bức ảnh để đời. "Tôi rất ngạc nhiên khi thấy một nữ y tá bế 3 trẻ sơ sinh. Tôi nhận thấy sự bình tĩnh của y tá, tương phản với bầu không khí xung quanh chỉ cách một mét", Bilal Jawich cho biết. Yêu thương luôn nổi bật giữa những hoàn cảnh bạo lực, đen tối, xấu xa và y tá này chính là như vậy. Nữ y tá đang ở trong phòng hộ sinh khi vụ nổ xảy ra. Tác động của vụ nổ khiến cô bất tỉnh và khi tỉnh lại cô nhận thấy mình đang bế 3 trẻ sơ sinh. Trong hoàn cảnh hỗn loạn ấy, cô bế những đứa trẻ lao ra bên ngoài.
Sống không có yêu thương giống như buổi sáng không có mặt trời. Sống không có trách nhiệm chẳng khác nào tự tay vứt bỏ cuộc đời của chính mình.
Lê Anh