Dương tính yếu với Covid-19: Cách ly nhầm còn hơn bỏ sót

Thanh Lam

Dư luận “nóng” lên vài ngày gần đây do ca nghi nhiễm Covid-19 khi có kết quả “dương tính yếu” với virus SARS-CoV-2, di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đã phần nào “hạ nhiệt” cho những lo lắng.

Hiểu đúng về dương tính yếu

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng TPHCM) giải thích khái niệm dương tính yếu (hay còn gọi là dương tính nhẹ).

“Về nguyên tắc, trong xét nghiệm có hai loại là định tính và định lượng. Định lượng có thể biết được con số cụ thể là bao nhiêu mgram/lít thì mới không có chữ “dương tính yếu”, xét nghiệm định tính thì dương hay âm sẽ có khoảng cách xấp xỉ gần âm, như vậy sẽ được gọi là dương tính yếu.

Trong xét nghiệm định tính có bảng chỉ thị màu: Ví dụ màu này là âm, màu kia là dương. Vì vậy, chỉ cần biết rằng trong xét nghiệm định tính thì chắc chắn sẽ có khái niệm dương tính yếu. Dương tính yếu có khả năng là sẽ có kết quả âm và buộc phải xét nghiệm lại. Khi đã xét nghiệm lại và xác định cụ thể âm tính hay dương tính thì không đáng ngại”, bác sĩ Khanh nói.

Xét nghiệm có hai loại là định tính và định lượng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng, không nên đưa khái niệm dương tính yếu ra cộng đồng dễ gây hiểu lầm, bác sĩ Khanh phân tích: “Nếu là bệnh thông thường, bác sĩ sẽ thảo luận với người nhà là dương tính yếu và sẽ làm xét nghiệm lại. Nhưng, Covid-19 là bệnh có khả năng lây lan nên ngay cả dương tính yếu cũng phải khoanh lại để cách ly tập trung, tránh nguy cơ lây tối đa cho cộng đồng. Sau đó, mới tiến hành làm lại xét nghiệm để cho kết quả chính xác. Cho nên, khi làm xét nghiệm Covid-19, thấy dương tính yếu thì phải có phản ứng khoanh vùng, cách ly tránh nhầm hơn bỏ sót, sau đó làm lại các xét nghiệm để cho kết quả chính xác”.

Bác sĩ Khanh cũng cho hay, khi đưa ra khái niệm dương tính yếu người viết bài để tuyên truyền cần phải truyền đạt làm sao cho người dân dễ hiểu. Bởi, không phải ai cũng hiểu dương tính yếu là gì, thay vào đó có thể nói “hiện cơ quan y tế hay cơ quan chức năng đang xét nghiệm, kiểm tra”.

Vị bác sĩ này cũng cho biết, người dân không nên chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng cũng không nên quá hoang mang với các trường hợp nghi nhiễm.

Cả hai trường hợp nghi nhiễm đều âm tính

Thông tin từ ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, 6h ngày 2/7/2020, thông tin từ viện Pasteur TPHCM cho biết: Viện nhận được thông tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM về 1 trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 làm việc tại Bình Dương đến khám bệnh tại TPHCM. Ngay trong ngày 1/7/2020, viện Pasteur TPHCM nhanh chóng hỗ trợ địa phương điều tra dịch tễ, xác minh.

Cụ thể, công dân Indonesia, nam giới (tên AJI), sinh 1989. Anh AJI nhập cảnh vào Việt Nam ngày 11/3/2020 qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lưu trú tại tầng 2 khách sạn Âu Lạc (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát); là kỹ sư máy cho nhà máy số 4, công ty Kyungbang tại khu công nghiệp Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên), cách khách sạn lưu trú 20 km, sáng đi tối về bằng xe đưa rước riêng hàng ngày của công ty.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân không nên chủ quan.

Trong quá trình ở Việt Nam từ 11/3/2020 đến nay, anh AJI có sức khỏe bình thường, chủ yếu sinh sống và đi lại từ khách sạn đến nơi làm việc.

Qua điều tra các nơi, tổng cộng có 145 người đã từng tiếp xúc với anh AJI, bao gồm: nơi làm việc 132 người (đồng nghiệp, lãnh đạo công ty, lái xe, công nhân), nơi lưu trú khách sạn (7 người), tại quán ăn (2 người), phòng khám Family Medical Practice - quận 2 (4 nhân viên đã có kết quả xét nghiệm âm tính).

Cùng ngày 1/7/2020, viện Pasteur TPHCM đã thực hiện xét nghiệm, kết quả cho thấy anh AJI và tất cả người tiếp xúc đều âm tính với SARS-CoV-2. Ở một diễn biến liên quan, tối 1/7, bộ Y tế thông báo trường hợp người Trung Quốc nghi ngờ mắc Covid-19 được cách ly tại trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Theo bản tin 6h sáng 2/7 của ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 2/7, Việt Nam đã có 77 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.085, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 105, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.107 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 873.

Theo thông tin của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 336/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4% tổng số ca bệnh. Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 19 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe ổn định

Bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Tiểu ban Điều trị đang sắp xếp một phiên hội chẩn dự kiến trong tuần này, đánh giá sức khỏe phi công người Anh theo đề nghị từ Đại sứ quán Anh, trước khi cho bệnh nhân về nước ngày 12/7. Đây sẽ là hội chẩn quốc gia lần 6 để đánh giá toàn diện sức khỏe bệnh nhân, bao gồm chức năng hô hấp, vận động, để bay một chuyến kéo dài liên tục 12 tiếng...

T.L